Xuân về trên quê hương “7 tấn’
Đời sống - Ngày đăng : 08:16, 25/01/2012
Xã Bình Phục Nhất, một những căn cứ cách mạng của huyện ủy, huyện đội Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và nay là xã anh hùng của tỉnh Tiền Giang, đang ngày càng đổi mới, phát triển, tràn đầy sức sống vào mùa xuân này.
Đến Bình Phục Nhất, điều đầu tiên bạn cảm nhận đó là những vườn thanh long trĩu quả, những cánh đồng lúa trổ bông vàng rực, những ruộng hoa mầu xanh mướt bát ngát. Ngôi chợ trung tâm của xã nằm bên dòng kênh Chợ Gạo vào buổi sáng mùa xuân tấp nập tiếng cười nói. Những nông dân trúng mùa hối hả chuyển gạo, chuyển rau mầu, trái cây, chất đầy ghe tỏa đi khắp các cùng lân cận và xuôi về TP Hồ Chí Minh. Nụ cười đã nở trên môi người nông dân trên mảnh đất no ấm này.
Ít ai có thể tưởng tượng được rằng, 30 năm trước đây, Bình Phục Nhất là một xã khó khăn, có tới 75% hộ nghèo. Vậy mà chỉ sau 10 năm đổi mới (1990 - 1999), xã đã được nhận danh hiệu xã “Anh hùng Lao động” do Chính phủ trao tặng và năm 2004 được công nhận xã văn hóa đầu tiên của huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.
Từ thành phố Mỹ Tho thơ mộng, dọc quốc lộ 50, hoặc xuôi theo kênh chợ Gạo trong xanh, về Bình Phục Nhất vào những ngày giáp Tết Nhâm Thìn, mới cảm nhận được không khí nhộn nhịp của ngày mùa cùng niềm vui trúng mùa của nhà nông! Dọc theo các trục lộ chính của xã, hàng đoàn xe tải nhỏ chở lúa về ấp Bình Thọ I, Bình Khương 1, Bình Phú. Người dân Bình Phục Nhất tự hào là vùng sản xuất lúa thơm nổi tiếng của tỉnh Tiền Giang và cả nước. Điển hình nhất cho những nông dân biết làm giàu từ chính mảnh đất quê hương là hộ của ông Bảy Trí (ấp Bình Khương 1), ông Bảy Na (ấp Bình Phú), hay gia đình chú Sáu Tĩnh. Người dân quanh vùng trìu mến gọi những nông dân này là ông “Bảy tấn’ bởi vụ nào cũng vậy, họ đều cầm chắc năng suất khoảng 7 tấn lúa/ha.
Không riêng gì nhà ông Bảy Trí, phần lớn bà con ở ấp Bình Thọ I, II, Bình Khương đều trúng mùa như vậy. Lúa vừa được máy suốt xong, thương lái đã đến mua tại ruộng với giá từ 8.500 đồng/kg. Với giá lúa thơm cao như 2 năm gần đây, nhà nông đã đã có thể xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm phương tiện, trang thiết bị nghe nhìn hiện đại. Hiện cả xã có tới 30% hộ nông dân thuộc dạng giàu có với thu nhập từ 100 triệu đồng tới cả tỷ đồng một năm chỉ từ trồng lúa thơm, trồng mầu và nuôi gà thịt.
Bình Phục Nhất còn nổi tiếng khắp miền Tây Nam Bộ vì trồng cây hẹ. Thật không ngờ, cây rau mầu nhỏ bé này đã trở thành cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Nhiều hộ nông dân đã trở thành hộ sản xuất kinh doanh hẹ giỏi cấp tỉnh như hộ anh Tám Nhu (ấp Bình Khương 1). Điểm đặc biệt của hẹ là trồng được quanh năm, chu kỳ thu hoạch ngắn, bình quân một tháng/vụ. Sau 12 lần thu hoạch trong một năm, gia đình anh Tám Nhu thu lãi hơn 140 triệu đồng/ha, lãi gấp 3-4 lần so với trồng lúa.
Bên cạnh cây lúa, cây màu cũng là một trong những thế mạnh của xã. Màu xanh của cây bắp, cải và bầu, bí, dưa... đã không chỉ trải dài trên đất trồng mà còn lan xuống tận chân ruộng. Đặc biệt, bà con đã chú trọng đến các giống bắp có năng suất cao, được người tiêu dùng ưa chuộng như bắp rau, bắp siêu ngọt, siêu dẻo... với thu nhập gấp 4 lần cây lúa. Khởi đầu cơ nghiệp từ 2 công đất, nhiều cặp vợ chồng trẻ ở xã giờ đã thu được lợi nhuận từ 30-45 triệu đồng/năm. Bởi vậy, những gia đình nông dân có xe ô tô, xây nhà 4 tầng khang trang không còn là chuyện hiếm ở vùng đất này.
Trò chuyện với phóng viên, anh Nguyễn Văn Vũ, chủ tịch xã Bình Phục Nhất cho biết: "Bước đột phá lớn nhất là vào năm 1990, hệ thống thủy lợi nội đồng đã được đầu tư xây dựng”. Hệ thống thủy lợi nội đồng đã ngăn mặn, trữ ngọt, nhờ vậy, từ 1, 2 vụ lúa bấp bênh trong những ngày đầu, cây lúa dần dần đứng vững lên 3 vụ. Có lúa gạo, người dân phát triển đàn heo, đàn bò và các loại gia cầm khác, góp phần tăng thu nhập.
Bà Châu Thị Tầm, bí thư Đảng ủy xã cho biết, bên cạnh việc thực hiện việc phát triển kinh tế theo định hướng chung của tỉnh, cán bộ xã Bình Phục Nhất còn mạnh dạn, chủ động tìm ra cách làm mới, đúng với điều kiện và hoàn cảnh của địa phương. Trong quá trình vận động bà con nông dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, trong xã đã hình thành dần những "tiểu vùng" kinh tế nông nghiệp rõ rệt phù hợp với điều kiện mỗi ấp.
Thành công từ quyết tâm của lãnh đạo xã và nông dân đã rõ, nhưng một yếu tố không thể thiếu trong hành trình đi trên con đường đổi mới, chính là đức tính cần cù chịu khó, là khát vọng vươn lên, là truyền thống hiếu học từ bao đời nay của người dân Bình Phục Nhất. Ấy thế nên, không chỉ có những nông dân “7 tấn”, xã còn có nhiều gia đình có con cháu thành đạt, là tiến sỹ, thạc sỹ, là các doanh nghiệp trẻ đang đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước mà điển hình là gia đình bà Nguyễn Thị Mười, một nông dân nghèo từ những năm 80, nhưng giờ đây đã có tới 9 người con thành đạt.
Chạy xe một vòng đi từ đầu xã đến cuối xã trên những con đường láng nhựa, nhìn trẻ em xúng xính trong quần áo mới ngày Tết, ê a trong ngôi trường mẫu giáo, tiểu học, mà những doanh nghiệp thành danh của quê hương vừa mới cất xong, thật mong ước, ngày càng có nhiều vùng quê no ấm như quê hương “7 tấn” Bình Phục Nhất.