Chợt nhớ một Quảng Nguyên văn hiến”

Xã hội - Ngày đăng : 07:46, 25/01/2012

(HNMCT) - Áp tết, người Quảng Phú Cầu càng bận bịu hơn với những đơn đặt hàng từ các nơi trong nước và nước ngoài. Những công-te-nơ nối đuôi nhau chở hàng tăm hương đi khắp nẻo, làm cho nhịp điệu của làng nghề truyền thống càng thêm sôi động.


Vùng quê từ xưa đã có tiếng là “Quảng Nguyên văn hiến”, giừo đây nét văn hiến đó như lẩn khuất sau không gian của một làng nghề đang trên đường xây dựng nông thôn mới, hiện đại. Và trong mê mải làm giàu, người ta vẫn nhớ về một Quảng Nguyên văn hiến thuở nào...

"Kẻ Chợ"của trấn Sơn Nam Thượng...

Làng hình thành từ mấy nghìn năm trước! Đấy là người Quảng Phú Cầu nói như thế về tuổi của làng mình và cũng tự hào khi từ xa xưa nơi đây đã là điểm dựng nghiệp lập làng của đông đúc cư dân và cũng có tiếng là nhanh nhạy, tháo vát. Không chỉ làm ruộng, đôi tay khéo léo tài hoa vừa làm nghề thủ công truyền thống và hình thành mỗi thôn có một nghề đặc trưng: đan rổ rá thôn Phú Lương; đan cót, đan quạt ở Cầu Bầu; đóng gạch làm thợ xây ở Quảng Nguyên… Sản phẩm làng nghề nổi tiếng khắp vùng.

Sự xuất hiện của nhiều chợ làng và nhiều nghề truyền thống từ xưa đã khẳng định đây là vùng quê văn vật. Điều này có thể thấy rõ, trước đây cả ba xã đều có chợ, chợ Cầu Bầu (Phú Lương), chợ Bưỡi (Quảng Nguyên), chợ Xà Cầu. Chợ họp theo phiên, phiên nào cũng phong phú mặt hàng đặc trưng cho từng làng xã. Đặc biệt, chợ Xà Cầu phiên 26 tháng Chạp hàng năm có "Hội chợ truyền thống" thu hút đông đảo dân quanh vùng đem hàng đến trưng bày và dự thi. Hội chợ còn là dịp để các làng xã xung quanh tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống, không khí đón tết ở cả vùng trở nên nhộn nhịp. Thuận lợi về đường giao thông càng tạo đã tạo điều kiện cho việc buôn bán trao đổi hàng hóa ở Quảng Phú Cầu thêm tấp nập. Làng quê này được xem như một trung tâm bán mua sầm uất và hưng thịnh của trấn Sơn Nam Thượng thuộc đất Kinh đô Thăng Long- Hà Nội. Và đây là nét văn hóa độc đáo của Quảng Phú Cầu xưa.

Làng văn hiếm có

"Đình Quảng Nguyên, điền Quảng Tái"- là câu nói truyền lại từ xưa, Quảng Tái nay là một thôn của xã Trung Tú nổi tiếng nhiều ruộng đất, là "vựa thóc" của vùng Sơn Nam Thượng xưa; còn Quảng Nguyên nay là xã Quảng Phú Cầu là mảnh đất phát về đường quan lộ, gắn với câu "Quảng Nguyên văn hiến". Đình Quảng Nguyên là di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng về giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.

Hương ước làng Xà Cầu còn lại đến nay phản ánh khá rõ sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, nhất là các sinh hoạt văn hóa dân gian cộng đồng như hội làng, các trò vui chơi giải trí, đánh đu, cờ người, múa lân, rước rồng… Những nét riêng đó đã sớm hình thành truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, noi gương thánh hiền mà thế hệ nào ở vùng quê này cũng phát huy. Bằng chứng là thôn nào cũng có Văn chỉ thờ Khổng Tử; thôn nào cũng dành công điền làm học điền thưởng cho người đỗ đạt và chu cấp cho thầy đồ hoặc học sinh nghĩa khí. Hương ước của làng Quảng Nguyên ghi rõ: “Trẻ em trong làng từ tám tuổi trở lên đều phải đi học”. Văn bia làng Xà Cầu cũng ghi rõ, vào thời vua Lê Thánh Tông, làng có hai người đỗ tiến sỹ: Cụ Phạm Hòa Xuân, đỗ đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân tại khoa thi năm Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487); cụ Nguyễn Hà Thục đỗ đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân tại khoa thi năm Canh tuất 1490. Trong gia phả của nhiều dòng họ ở Quảng Nguyên cũng thể hiện, vào thời Lê thế kỷ 15-16, làng có tới 24 vị đỗ hương cống (cử nhân) và sinh đồ (tú tài); thời Nguyễn có 18 vị đỗ tú tài và cử nhân. Nhiều cụ cử, cụ tú không ra làm quan mà làm nghề dạy học ở quê, bốc thuốc cứu dân, xây dựng nếp sống văn hóa thôn quê. Danh y Nguyễn Huyền Diệu tức Nguyễn Trọng Hầu làm Thái y viện dưới triều Lê, chữa bệnh cho vua được phong tước Hầu; lớp sau là các cụ đồ Nguyễn Bá Toại, Nguyễn Bá Khoa, cụ đồ Thinh…

Và hôm nay người dân Xà Cầu vẫn kể về cụ Lý Đình Cao- cụ Cử Cao vì cụ dạy học nổi tiếng, lại làm nghề bốc thuốc, từng chữa bệnh cho vua Tự Đức và giữ chức Đốc học Sơn Tây. Dòng họ Nguyễn Công có đến 8 vị là quận công có nhiều công lao phò vua giúp nước. Làng được vua ban tặng 5 chữ vàng “Xà Cầu xã Nghĩa dân”. Làng Quảng Nguyên còn có nhiều người học hành đỗ đạt, được mệnh danh là đất Văn thân, được nhà vua ban tặng 4 chữ “Mỹ tục khả phong”... Càng tự hào hơn vì truyền thống văn hiến vẫn được các dòng họ phát huy; thế hệ nào cũng có người đỗ đạt cao. Thế kỷ hai mươi, nhà cách mạng Trần Đăng Ninh- học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên là UVTWĐ, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp đã nêu cao khí tiết của người chiến sỹ cộng sản, Trần Đăng Ninh (tên thật là Nguyễn Tuấn Đáng), nhà hoạt động cách mạng và quân sự, Chủ nhiệm đầu tiên của Tổng cục Cung cấp- sau là Tổng cục Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam, Ủy viên BCH TƯ Đảng Cộng sản Đông Dương, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Ông cũng chính là người xây dựng hệ thống dân công tiếp tế- một yếu tố dẫn đến thắng lợi cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Tên của ông được đặt cho một con đường ở Hà Nội và ở Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Sau khi ông mất, để tưởng nhớ ông, tháng 7 năm 1956, Bưu điện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phát hành một bộ tem gồm 4 mẫu in hình chân dung của ông. Năm 2002, quê hương xã Quảng Phú Cầu và huyện Ứng Hòa đã xây dựng Khu tưởng niệm Trần Đăng Ninh. Trong chống Mỹ, các thiếu tướng Lê Đông, Lê Thanh, Đan Thành và nhiều cán bộ cao cấp của quân đội... đã làm rạng danh quê hương.

Không chỉ là tiếng tăm truyền lại. Trong thời đổi mới hiện nay, hàng trăm người con quê hương là giáo sư, tiến sỹ, cử nhân đã và đang cống hiến tài năng, sức trẻ trên mọi lĩnh vực kinh tế xã hội cho quê hương, đất nước. Trên hết, họ đã góp phần giữ tiếng thơm một làng "văn hiến", một làng "mỹ tục"...

"Nhất khoảnh" làng nghề

Hơn 100 cơ sở sản xuất sơ chế tăm các loại, bình quân mỗi ngày có khoảng 400 tấn nguyên vật liệu được chuyển từ các tỉnh miền Trung ra, phía Bắc xuống tập kết trên địa bàn xã Quảng Phú Cầu. Để rồi, mỗi ngày, tại đây sản phẩm tăng hương được lảm ra và xuất đi lên đến 250-300 tấn/ngày, tiêu thụ khắp thị trường nội địa và xuất khẩu sang Ấn Độ, Inđônêxia, Đài Loan và bạn hàng lớn nhất là Trung Quốc. Đó là không khí hiện nay của làng nghề truyền thống tăm hương Quảng Phú Cầu. Càng đến tết, làng nghề càng sôi động và tấp nập...

Hơn 13000 dân, mức thu nhập bình quân từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng; trong đó chiếm hơn 75% thu nhập từ nghề tăm hương và thu gom phế liệu. Quảng Phú Cầu bây giờ đã là một làng nghề nổi tiếng và "nhất khoảnh" bởi nghề tăm hương độc đáo, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương và hàng trăm lao động từ các tỉnh khác về. Những ông chủ nổi tiếng, có xưởng sản xuất đồ sộ, đầu tư máy móc hiện đại, thu nhập cao, như cha con ông Nguyễn Hữu Truyền- Nguyễn Hữu Quyền (thôn Phú Thượng), hay như các ông chủ trẻ Nguyễn Dương Thực, Lê Văn Bình ở thôn Đạo Tú... Cũng lại từ đây, nhiều lao động có tay nghề cao đã đi làm thầy truyền nghề khắp nơi.

Ông Nguyễn Hữu Nhuận, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu (phụ trách mảng văn hóa) không giấu niềm vui khi kể về làng tăm hương giàu có nhất nhì huyện Ứng Hòa. Nhưng ông cũng không giấu những trăn trở- và là trăn trở chung của người dân và chính quyền sở tại khi giải bài toán ô nhiễm môi trường khi làng nghề phát triển ngày một thịnh vượng. Đất chật người đông, các xưởng sản xuất sơ chế tăm xen kẹp với khu dân cư nên tiếng ồn, bụi bặm, nước thải đã và đang gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân. Từ năm 2005, xã đã xây dựng một điểm sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung ở thôn Xà Cầu; gần 30 hộ đã sản xuất ổn định tai đây. Năm 2010, TP Hà Nội phê duyệt dự án điểm tiểu thủ công nghiệp ở thôn Cầu Bầu, dự kiến sẽ thu hút khoảng 50 hộ làm nghề tại đây.

Để từng bước giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, 4/6 thôn trong xã đã có trạm cung cấp nước sạch cho nhân dân. Được TP hỗ trợ, xã đang tập trung xây dựng thêm hệ thống xử lý nước sạch theo công nghệ mới tại các thôn Quảng Nguyên, Phú Lương Thượng và Xà Cầu. Hiện tại, để giảm ô nhiễm môi trường, Quảng Phú Cầu đang thực hiện dự án xây dựng thêm các điểm sản xuất tập trung xa khu dân cư nhằm phá vỡ sự xen kẹp giữa sản xuất nghề với sinh hoạt cộng đồng và đây được xem là lời giải trước mắt cho bài toán ô nhiễm ở đây.

Trong nhịp sống của thời mở cửa, Quảng Phú Cầu luôn ý thức xây dựng các công trình hiện đại hỗ trợ cho làng nghề phát triển, vừa đầu tư tu bổ hệ thống di tích lịch sử văn hóa, xây dựng các làng văn hóa, nhằm gìn giữ hài hòa giữa nét văn hóa truyền thống với xây dựng nông thôn mới hiện đại. Để tiếng thơm của làng văn hiến- làng nghề truyền thống nổi tiếng nhất vùng Sơn Nam Thượng xưa mãi vang xa...

Hoàng Hữu - Tuấn Anh