Vài kỷ niệm về nhà thơ Xuân Diệu
Văn hóa - Ngày đăng : 07:13, 25/01/2012
Người bạn thơ đầu tiên của tôi ở Hà Nội là Nguyễn Sĩ Bỉnh, quê huyện Đô Lương, Nghệ An. Bỉnh cùng học khóa 6 Trường Trung cấp nông lâm Trung ương với tôi nhưng khác khoa. Tôi học khoa Thủy sản, còn Bỉnh học khoa Lâm nghiệp. Chúng tôi quen nhau từ khi học ở trường, vì cả hai đã có mấy bài thơ và ca dao được đăng báo. Người có chung niềm đam mê dễ tìm đến với nhau.
Mùa hè năm 1962, tốt nghiệp ra trường, tôi được phân công về làm biên tập viên nhà xuất bản Nông thôn (thuộc Bộ Nông nghiệp), còn Nguyễn Sĩ Bỉnh được về phòng tuyên truyền Tổng cục Lâm nghiệp.
Được sống và làm việc ở Thủ đô, nơi có nhiều nhà thơ lớn, chúng tôi có điều kiện tầm sư học đạo và quen biết hoặc kết thân với một số bạn làm thơ trẻ như Trúc Thông, Tô Hà, Hồ Minh Hà, Trần Nguyên Đào, Trần Hồng Thắng,…
Bỉnh là một tay rất say thơ và chịu khó tìm thầy. Có lần Bỉnh hãnh diện cho tôi xem cuốn sổ tay có bút tích và chữ ký của các thi sĩ: Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Yến Lan… rồi hỏi: Mày có quen nhà thơ nào không? Tôi lắc đầu, Bỉnh bảo: Vậy thì tối nay tao dẫn mày đến “ra mắt” nhà thơ Xuân Diệu, và nói thêm: Anh Xuân Diệu là người rất dễ gần, mày yên tâm, đừng ngại. Cứ ru rú như mày thì bao giờ mới khá lên được. Thế là Nguyễn Sĩ Bỉnh đã làm chiếc cầu nối cho tôi được làm quen một nhà thơ lớn của nước ta.
Trước thời gian Mỹ đánh phá miền Bắc, các cơ quan chưa đi sơ tán thì hầu như tháng nào chúng tôi cũng đến chơi nhà anh (có tháng vài ba lần) mà không hẹn trước, tuy nhiên chưa lần nào không được anh vui vẻ tiếp. Gặp khi anh đang bận viết bài gấp theo thời gian đặt hàng của báo chí thì anh nói ngay: Hôm nay anh chỉ tiếp các em được 15 phút (hoặc 20 phút) thôi. Cũng có không ít lần chúng tôi được ngồi với anh hàng giờ.
Tôi nhớ buổi “ra mắt” anh lần đầu, anh ân cần hỏi: Duy Khoát làm thơ đã lâu chưa? Thế là tôi báo cáo liền một mạch, như sợ anh ngắt lời khi mình chưa nói hết: Thưa anh, em tập làm thơ từ năm học lớp 6 phổ thông và có nhiều bài đã được đăng trong tập san của Ty Văn hóa Bắc Ninh. Khi vào học trường Trung cấp nông lâm Trung ương, năm 1960, em đã có bài thơ đầu tiên được đăng trên báo Văn học, bài có tên là “Nông trường Tam Đảo”. Em xin đọc để anh nghe được không ạ: Ừ, đọc đi - nhà thơ khuyến khích. Thế là tôi đọc trơn tru cả bài thơ khá dài, được mở đầu bằng bốn câu: Đây Tam Đảo vươn mình trong mây trắng/ Đứng trầm ngâm nghe vọng tiếng chim kêu/ Mây sà xuống ôm rừng thông xanh biếc/ Suối nghiêng mình nghe khúc nhạc thông reo…Nghe tôi đọc xong, anh gật đầu: “Thơ có duyên, đứng được”
Một nhà thơ lớn, luôn bận rộn với công việc sáng tạo vậy mà vẫn quan tâm dìu dắt lớp người làm thơ trẻ. Tôi đến chơi lần nào anh cũng hỏi: có bài nào mới đọc cho anh nghe. Rồi anh sốt sắng nhận xét ngay. Sau đó, anh đọc những sáng tác mới của anh, rồi giảng giải cho chúng tôi cái hay của từng bài.
Những năm này, bên cạnh mảng thơ ca ngợi và tôn vinh những nét đẹp trong xã hội mới, Xuân Diệu, ông hoàng thơ tình vẫn không ngừng viết thơ tình. Có những câu thơ sẽ chẳng bao giờ cũ: Uống xong lại khát là tình/ Gặp rồi lại nhớ là mình của ta, và cả những câu thơ buồn rơi nước mắt: Anh có nhà có cửa/ Nhưng không vợ không con/ Sợ cái bếp không lửa/ Sợ cái cửa không đèn…
Khi đọc thơ cho tôi nghe, anh thường chỉ đọc thơ tình, cho dù những năm này các báo chí không mặn mà với thơ tình đích thực. (Cái môtip tình yêu được nảy sinh từ lao động sản xuất thì may ra đăng được). Xuân Diệu bảo: tình yêu muôn đời là một phần quan trọng của cuộc sống, khi có cảm xúc thì cứ viết, đừng để nó qua đi. Sau này sẽ đến lúc người ta lại đăng nhiều thơ tình, em ạ. Tôi nhớ mãi lời tiên tri của anh. Đắm đuối với thơ như Xuân Diệu mà đã có lần anh bảo tôi: Yêu thơ đến mức say thơ thì được, nhưng nếu mắc bệnh si thơ thì không thể chấp nhận, nó còn đáng cười hơn một kẻ si tình.
Khi Xuân Diệu làm thơ, hình như anh không viết nháp trên các tờ giấy lẻ mà viết thẳng vào cuốn sổ tay bìa cứng. Tôi đã được xem và bắt gặp có bài anh chưa viết đoạn đầu vì còn để một khoảng giấy trắng. Lại có bài đã viết đoạn đầu và đoạn cuối mà đoạn giữa cũng chừa ra một khoảng giấy trắng. Một số bài khác thì đánh dấu bằng ký hiệu móc lên hoặc móc xuống thay đổi vị trí câu. Hôm ấy anh đã dạy tôi một kinh nghiệm: Khi viết đoạn đầu mà tắc thì cứ bỏ đấy viết sang đoạn khác, rồi lúc khác quay trở lại viết tiếp. Và khi nghĩ được ý nào, câu nào phải chộp lấy mà ghi lại ngay.
Như nhiều người đã biết, nhà thơ Xuân Diệu và Huy Cận là đôi bạn thân hiếm có ở trên đời. Xuân Diệu ở một phòng tầng một trong ngôi nhà chung với Huy Cận. Mấy lần tôi đã gặp Huy Cận xuống phòng Xuân Diệu, chắc thấy có khách nên ông chỉ đứng ngoài của trao đổi chuyện gì đó. Hai ông nói với nhau bằng tiếng Pháp độ 5- 10 phút rồi quay ra và ông cũng không quên chào tôi bằng cái gật đầu, cười.
Lại nhớ có lần, anh Diệu cho tôi một chiếc kẹo và nói: Kẹo ngon đấy, em ăn đi. Kẹo này anh mua tiêu chuẩn tem phiếu cấp Thứ trưởng của anh Huy Cận, còn thi sĩ như anh cũng chẳng có tiêu chuẩn này đâu. Nghe lời anh tâm sự thật thà khiến tôi xúc động, cầm chiếc kẹo không dám bóc ăn ngay.
Để kết thúc bài tôi xin kể một giai thoại: có lần tôi và Sĩ Bỉnh mang thơ đến nhờ anh duyệt. Tôi đọc bài thơ viết về con đường làng thơ mộng ở quê tôi, là nơi hò hẹn tâm tình của những đôi trai gái, rồi kết bằng hai câu: “ Đêm hôm nay trăng thẹn thùng soi bóng/ Ai sánh vai ai trò chuyện thầm thì
Anh Diệu có ý kiến ngay: Câu này không ổn, cậu ạ, tại sao lại hỏi:”Ai sánh vai ai" đấy? Thế là tác giả rất tò mò. Chỉ nên để: “Ai sánh vai trò chuyện thầm thì” bỏ bớt một chữ “ai “ đi.
Đến lượt Sĩ Bỉnh đọc bài thơ tình tặng một cô gái có tên là Hoa. Khi đọc đến hai câu: “Có phải vì tên em là Hoa/ Mà hương từ nơi ấy bay ra”. Xuân Diệu lúc lắc cái đầu và nháy mắt hỏi tác giả: Này Bỉnh, hương từ nơi ấy bay ra… “nơi ấy” là nơi nào vậy?
Cả ba thầy trò phá lên cười.