Góc khuất cuộc đời: Đồng hành

Đời sống - Ngày đăng : 07:32, 24/01/2012

(HNMCT) - Hai mươi năm về trước, vào một đêm đầu xuân, tôi trở dạ sinh con lần thứ ba. Hai cháu trước đều là gái, chồng tôi lại là con trưởng nên tuy không nói ra nhưng các cụ hy vọng ở lần sinh nở này lắm.

Hễ ai mách gì, bảo gì, chúng tôi cũng răm rắp làm theo. Nhưng mẹ chồng nhìn cái bụng chửa của tôi vẫn cứ nhọn hoắt, cụ thở dài: “Ngữ ấy thì lại vịt giời, thị mẹt thôi!”. Khi tôi đau bụng trở dạ, xách làn đi nhà hộ sinh, chào, thì mẹ chồng quay đi nhổ nước cốt trầu, quệt mép, đáp: “Không dám! Chào chị!”. Tôi vất vả ôm cái bụng kềnh càng nghé lên cái bóp-ba-ga xe đạp của chồng thì anh ấy vùng vằng, lầu bầu: “Của nợ!”. Tủi thân ứa nước mắt nghĩ thương con. Nó chưa ra đời đã bị dằn hắt thế này thì…


Chắc là chồng tôi nghe thấy trong phòng đẻ nói “con gá, hai cân chín!” thì bỏ về luôn. Khi cô hộ sinh chuyển tôi ra giường, nhìn thấy cái cặp lồng rỗng thì cô ấy khẽ nhíu mày thở dài khe khẽ. Tôi bụng đói quặn xót, cồn cào, lén quay mặt vào tường giấu đi giọt nước mắt. May mà Mai - tên cô hộ sinh, là bạn thân của em gái tôi, nhanh nhảu dúi cái cặp lồng và tiền vào tay anh chồng của sản phụ nằm giường bên cạnh, đang chuẩn bị đi mua đồ ăn cho vợ: “Nhờ anh mua giúp chị ấy bát phở!” rồi tất tả quay vào phòng đẻ. Có cô gái trẻ đẻ rơi đến nơi, vừa leo lên bàn đã nghe “oe oe…”. Nửa đêm, hai mẹ con cô gái nằm sát vào với tôi. Thằng cu đẹp như tranh, ba cân ba. Nó cứ hau háu cái miệng xinh xinh, tóp tép đòi ăn. Mẹ nó sinh con so, sữa chưa về. Tôi bảo: “Để chị cho nó bú!”. Mụ dạy. Thằng bé phàm ăn mút tòm tọp, no nê, rồi ngủ khì ngon lành. Mẹ nó trẻ lắm, chắc chỉ mười tám mười chín. Không có người nhà, đi đẻ mỗi một thân một mình. Đến cái tã cái khăn cũng không có. Cô ta xinh đẹp nhưng ít nói và tâm trạng nôn nóng, bồn chồn. Khi cô Mai hỏi tên tuổi để vào sổ thì cô gái oà khóc. Tôi nhắc: “Mới sinh đừng có khóc, rồi sau này mắt lòa đấy…”. Tôi thiếp ngủ, sáng sớm tỉnh dậy thì không thấy cô gái trẻ đâu cả. Đến mãi nửa buổi, thằng cu ọ ẹ trở dậy hớp hớp tìm ti. Vẫn không thấy mẹ nó đâu. Tôi lại cho nó bú. Cô Mai mang lũ trẻ đi tắm, rồi trở vào nói khẽ với tôi: “Rõ khổ! Hoang thai. Vứt con. Trốn rồi chị ạ!”. Mai đưa cho tôi xem bức thư của người mẹ trẻ giắt trong tã. Mai thở dài: “Người thì mong có mụn con không được…”. Tôi nghĩ ngợi, rồi bảo: “Hay là…”. Mai gật gật. Hai chị em tôi thì thào, bàn tính. Thế là hồ sơ chứng sinh của tôi: Sinh đôi, một gái, một trai. Lúc em gái tôi vào hộ sinh, nhìn thằng bé, nó nhảy cẫng lên rồi vù về báo cho nhà chồng tôi. Anh ấy lao vào ngay. Mẹ chồng cũng ngồi xích lô vào ngay để bế thằng đích tôn. Mai chủ động chúc mừng rồi cười trách chồng tôi: “Em chưa nói hết câu thì anh đã bỏ đi cơ! Con chị ra trước, em thấy rõ ràng vẫn còn tim thai. Em ới anh thì đã không thấy bố đâu cả! Tệ thật! Anh biết không… phải mười mấy phút sau cu cậu mới chịu chui ra đấy. Khiếp, gan cóc tía!”. Anh ấy đang sướng mê đi, nên cứ cười hì hì kệ cho Mai mắng mỏ gì cũng được. (Cũng bởi cái thời đó chưa có điều kiện siêu âm và khám thai hiện đại như bây giờ, nên chuyện ấy cũng không làm ai ngạc nhiên nghi ngờ). Tôi đẻ thường. Mẹ tròn con vuông nên ngay chiều là ba mẹ con xin về luôn. Khỏi phải nói, cả nhà cả họ đều mừng vui chúc tụng rôm rả… Từ ngày có con trai, chồng tôi lại còn được thăng quan tiến chức, sự nghiệp sáng sủa hanh thông hẳn ra, rồi việc kinh doanh của ông bà nội lại phát đạt vào cầu liên tục nên thằng cu càng được cả nhà cưng chiều, yêu quí.

*


Nhưng cuộc đời chẳng phải cổ tích… Càng lớn, thằng bé càng tỏ ra không bình thường. Nó bị tự kỷ. Cả ngày nó chẳng nói năng gì. Lười vận động, lười giao tiếp. Cục tính và hay bị căng thẳng. Nó rất hay bắt nạt cả ba chị gái. Còn có lần, bỗng dưng nó cầm gậy vụt con bé thứ hai chảy máu đầu phải đi khâu bảy mũi. Bà nội bảo: “Nó là con nhà Thánh đấy. Ngày trước đi xin đi cầu mãi, Ngài thương mà không biết đường hậu tạ chu đáo. Nên chắc Ngài giận Ngài hờn rồi!”. Bà hối thúc chồng tôi đi cúng lễ, xem thầy. Nơi thì phán là bị ma làm, phải trừ tà bắt quyết. Nơi thì bảo phải làm lễ giải hạn… Chúng tôi lại răm rắp làm theo. Nhưng bệnh của cháu vẫn không đỡ. Sợ nhất lần nghe người ta mách là có thầy cao tay lắm. Hai vợ chồng lần hồi đến ghi tên xếp hàng cả ngày mới đến lượt. Thầy vừa thắp hương tụng niệm xong quay đã ra chỉ mặt chồng tôi mà phán xanh rờn rằng: “Đó không phải là cốt nhục nhà anh. Chín đời cụ cố nhà anh nợ nhà nó ba bò chín trâu không trả, giờ nó lộn về phá đám trêu ngươi trả thù đấy! Không tin cứ về xem chân nó có vết vá chó thì biết!”. Quả đúng là chân thằng bé có cái bớt đen. Chồng tôi bắt đầu bán tín bán nghi. Thấy thái độ lúng túng của tôi, anh ấy càng lộn ruột. Trong một chuyến đi công tác nước ngoài, anh ấy đã làm được cái xét nghiệm ADN, mang kết quả về đập vào mặt tôi. Trời ơi! Nhục không để đâu cho hết! Oan này còn biết kêu ai hỡi trời!

Anh ấy khinh rẻ, không thèm nói năng gì với tôi nữa. Tôi quần quật chăm sóc bốn đứa con nhỏ ăn học, đau ốm, lại nhà cửa cơm nước cho cả đại gia đình. Mẹ chồng tôi vốn đã khó tính, giờ xem ý tứ thế thì cũng mát mẻ bóng gió rỉa róc con dâu suốt ngày (dù bà chưa biết chuyện gì). Hôm thằng cu bị cảm sốt, nôn đầy cả ra giường, chồng tôi ngứa mắt đạp cả hai mẹ con chúi đầu vào góc nhà. Tôi chỉ còn biết ôm con khóc ròng. Tôi tìm gặp cô Mai để tâm sự nỗi khổ sở oan khiên. Mai ân hận và thương tôi quá. Cô ấy đến gặp chồng tôi kể rõ đầu đuôi. Lại còn thề độc và nằng nặc bắt tôi đưa bức thư của người mẹ trẻ năm nào ra… Tôi nghĩ: “Thôi thì… Đằng nào cũng là tội lừa dối chồng rồi. Chạy trời không khỏi nắng”. Tôi đành đưa bằng chứng ra và kể lể thú nhận đầu đuôi với chồng: “Em nghĩ trước hết là làm phúc. Lại thấy thằng cu kháu khỉnh đáng thương… Với lại, em cũng thèm đứa con trai quá, nên em hồ đồ cạn nghĩ, em đã lừa dối anh… Em lạy anh, em xin anh! Giời đã cho nó sống làm người thì xin anh thương lấy thằng bé. Nó vô tội. Còn em có tội với anh nên anh ghét bỏ em, thì em đành chịu…”. Nhưng anh ấy không tin. Anh ấy lồng lộn hơn, vì cảm thấy bị xúc phạm thêm lần nữa. Anh ấy cho là Mai diễn kịch bao che cho tội ngoại tình của tôi. (Anh ấy vẫn cứ đinh ninh hai đứa trẻ là sinh đôi, và do tôi đẻ với người đàn ông khác. Vì anh ấy không làm xét nghiệm ADN cho con bé. Thế nên, con bé cũng bị bố ruột ruồng bỏ hắt hủi đến tội nghiệp!

Nhưng ông trời cũng đoái thương mẹ con tôi chút chút, nên ba đứa con gái tôi đều rất chăm ngoan và thương mẹ, thương thằng em út bệnh tật. Cùng với sự yêu thương của ông bà nội dành cho thằng đích tôn, mấy mẹ con tôi gắng chăm sóc, luyện tập cho thằng bé từng ly từng tí. Thấy sách báo và các trung tâm hướng dẫn hỗ trợ giáo dục cho trẻ tự kỷ như thế nào, mẹ con tôi cũng chịu khó làm theo. Cuộc đời không ai biết được chữ ngờ! Ba năm sau cái ngày cô Mai đến, tức là thằng bé đã mười lăm tuổi, và đã khá hơn rất nhiều, đã biết đọc biết viết, biết tự vệ sinh cá nhân và nói chuyện ngắn gọn bày tỏ ý muốn của mình, thì mẹ nó xuất hiện trước cửa nhà tôi. Chỉ một thoáng ngỡ ngàng, rồi tôi nhận ra cô ấy ngay. Dẫu đã mười lăm năm trôi qua với bao dâu bể thăng trầm trong cuộc đời của cả tôi và cô ấy, nhưng những nét đẹp thời con gái và cái ấn tượng của đôi mắt ngơ ngác buồn bã và đau khổ vẫn nguyên như cái lần tôi đón thằng bé từ tay cô ấy để cho nó bú giọt sữa đầu đời. Đôi mắt trói buộc định mệnh của chúng tôi lại với nhau. Đến giờ thì mọi sự cũng đã quá mù ra mưa, nên tôi cũng chẳng khó khăn lắm khi đồng ý cho cô ấy thăm thằng bé, và giáp mặt với chồng tôi…

Cuộc gặp gỡ ấy đã thanh minh được với chồng là tôi không phải loại đàn bà ngoại tình hoang thai. Nghe câu chuyện kể của cô ấy, với tất cả lô-gic hợp lẽ, chồng tôi trầm ngâm, im lặng. “Em đã lén theo dõi, thấy chị là người phúc hậu, lại có vẻ dư ăn dư mặc, và nhất là em thấy chị thương thằng bé... Em đã ghi nhớ địa chỉ tên tuổi của chị. Em đã luôn dõi theo chị suốt ngần ấy năm trời. Em đội ơn chị lắm. Chỉ vì mẹ con em mà chị khổ quá...”.

Không khí thật nặng nề…

Nhưng rồi càng ngày, anh ấy càng trở lại yêu thương, dịu dàng bù đắp cho mấy mẹ con tôi…

Bố mẹ chồng tôi thì không hề hay biết gì chuyện ấy, nên ông bà cũng vui vì thấy thằng đích tôn ngày một khôn ngoan thuần tính hơn. Mẹ đẻ thằng bé thì đã có gia đình, có con cái. Nên vợ chồng tôi và cô ấy đều muốn giữ kín chuyện cũ, vì hạnh phúc ấm êm của mỗi nhà.

Đến năm ngoái, mẹ chồng tôi bị tim. Thì cũng là lúc chúng tôi được tin dữ: mẹ đẻ của con trai tôi bị ung thư gan, giai đoạn cuối. Cô ấy xin được hiến tặng trái tim của mình để cấy ghép cho mẹ chồng tôi...

Người mẹ trẻ thanh thản ra đi vì nghĩ rằng ít nhất cái chết của mình cũng không phải là mất hết. “Em vui lắm, vì cuối cùng thì em cũng làm được một việc gì đó trả nghĩa trả ân cho anh chị...” - đó là những lời cuối cùng trước lúc nhắm mắt.

Nhưng trái tim của cô ấy không tương thích với cơ thể của mẹ chồng tôi... Bà đã được mổ và cấy ghép một phần cơ thể của người khác. Và ơn giời, bà đã phục hồi khá tốt. Bây giờ, con trai tôi là lái xe trong công ty của bố. Và chiều thứ bảy nào, nó cũng vòng về “pim pim” bấm còi gọi cổng rồi chở ông bà nội đi chơi đây đó… Còn trái tim của người mẹ trẻ ấy, nghe đâu bây giờ đang đập trong lồng ngực một người bệnh may mắn khác…

Hôm nay, rằm tháng Chạp, vợ chồng tôi đưa con trai xuống nghĩa trang thắp hương và mời mẹ cháu khôn thiêng về ăn Tết chung vui với gia đình. Thằng bé năm xưa giờ đã to cao 1m74, ria mép xanh rì, ra dáng đàn ông rồi. Nó đã được nghe kể và hiểu hết mọi chuyện (nhưng anh ấy vẫn muốn giấu ông bà đấy). Chồng tôi bảo: “Con chắp tay lạy mẹ con đi!”. Nó quì gối, rơm rớm nước mắt khẽ gọi: “Mẹ!”. Tôi xiết nhẹ tay chồng...

Lại một mùa xuân mới đang về trên từng chồi non lộc biếc. Xuân về với mỗi mái ấm gia đình. Trong cái rưng rưng của những giao hòa âm dương, vạn vật, tôi chợt nhận ra: cuộc đời dẫu không phải lúc nào cũng có hậu như chuyện cổ tích, nhưng cuộc đời vẫn luôn ẩn chứa và đồng hành với những ẩn số kỳ lạ, những ân huệ tốt đẹp như thế. Nên dẫu cuộc đời nhọc nhằn vẫn thật đáng sống…



LTS: Chị Bích Vân thân mến,
Chúc mừng một mùa xuân muộn mằn mà ấm áp trong gia đình anh chị. Một mùa xuân mà ở đó, mỗi con người đã phải đi qua những nắng lửa thiêu đốt của mùa hạ nhiệt đới, qua mùa thu heo may buồn và qua cả mùa đông giá buốt sương xa… để đến một mùa xuân ngọt lành!
Ông trời chẳng phụ kẻ có công. Những đền bù đắp bồi cho ngày hôm nay chính là món quà đầu năm xuân mới đầy ắp ân nghĩa tình người - Đầu tiên, dành tặng chị, tặng một người mẹ dịu dàng nhân hậu.
Kìa, phút giây lặng lẽ mong chờ… lắng nghe mùa Xuân về…
Chúc mừng năm mới! Chúc chị và gia đình một năm mới an lành, mạnh khỏe, vui vẻ và may mắn!

Bích Vân