Chuyện làng văn nghệ
Văn hóa - Ngày đăng : 07:22, 24/01/2012
(HNMCT) - Khách quan như Chế
Lâu nay, Chế Lan Viên nổi tiếng là một nhà thơ sâu sắc và uyên bác. Sự nghiệp thơ của ông rất đồ sộ với cả nghìn bài thơ. Các tập thơ của ông như Điêu tàn, Gửi các anh; Ánh sáng và phù sa; Hoa ngày thường, chim báo bão; Những bài thơ đánh giặc; Đối thoại mới, Hoa trước lăng người; Hái theo mùa; Hoa trên đá; Di cảo1; Di cảo 2, Tuyển thơ Chế Lan Viên… đã để lại dấu ấn dài lâu trong lòng nhiều thế hệ độc giả Việt Nam. Ông không chỉ làm thơ mà còn viết nghiên cứu, phê bình với bút danh Chàng Văn và cũng rất thành công. Năm 1996, ông đã đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1.
Không chỉ có thế, Chế Lan Viên còn nổi tiếng là một người khách quan, trong làng văn, làng thơ.
Sinh thời, nhà nghiên cứu phê bình mỹ học Triều Dương có lần kể: “Trước khi cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ năm 1969 - 1970 kết thúc ít tháng, có một lần, tôi bất ngờ gặp Chế Lan Viên đi vào cửa số nhà 17 Trần Quốc Toản trên tay cầm một tập bản thảo thơ Phạm Tiến Duật. Rồi ông vừa đi vừa nói với đồng nghiệp bằng một giọng rất quả quyết: “Chúng ta chẳng phải tìm kiếm và chờ đợi gì nữa. Giải nhất cuộc thi đây chứ đâu!”
Sau đó, quả nhiên nhà thơ Trường Sơn Phạm Tiến Duật đã đoạt giải nhất với chùm thơ Lửa đèn, Gửi em cô thanh niên xung phong, Nhớ, Tiểu đội xe không kính.
Trong cuốn Chế Lan Viên - người làm vườn thế kỷ ở bài Hai câu chuyện về Chế Lan Viên, nhà văn Nguyễn Thành Long viết: “Câu chuyện thứ hai thuộc về văn học, sự lựa chọn một trong hai tác phẩm về thơ của Thanh Thảo và Huy Cận (giải thưởng thơ thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1979). Chế Lan Viên ở thành phố Hồ Chí Minh mới ra, hôm trước đã xạc tôi một trận không đúng phép tắc cho lắm: Huy Cận dạy Thanh Thảo chứ Thanh Thảo dạy Huy Cận à? Vấn đề này hôm sau chuyển vào cuộc họp. Xuân Diệu và Chế Lan Viên nói suốt buổi, Thanh Thảo có cơ mất giải thưởng. Đến phút quyết định, Chế Lan Viên cầm tập thơ của Thanh Thảo (Dấu chân qua trảng cỏ) đứng lên và nói: Hãy khoan, những câu thơ như những câu này, Huy Cận không viết được thật, anh Xuân Diệu ạ. Xuân Diệu đang phản bác hăng hái, bỗng trở nên hiền lành hẳn. Xuân Diệu nói: “Mà tôi không hiểu sao cái cậu Thanh Thảo ấy làm được những câu thơ như thế mà không biết.”
Nhờ sự khách quan của Chế Lan Viên, năm ấy, Thanh Thảo đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.
Viết khỏe như Triều Ân
Sinh năm 1931, đến mùa xuân này, Triều Ân đã 81 tuổi. Nếu tính từ thời điểm xuất bản tập thơ đầu tiên (Tung còn và suối đàn, 1963) thì đến nay, Triều Ân đã có tới gần nửa thế kỷ cầm bút. Trong khoảng thời gian này, ông đã cho in tới trên 50 tác phẩm ở nhiều lĩnh vực khác nhau: Thơ, văn xuôi, sưu tầm, khảo cứu…Đặc biệt, trong các năm: 1996, 2002, ông còn cho xuất bản 3 cuốn từ điển (Từ điển văn hoá cổ truyền dân tộc Tày; Từ điển thành ngữ, tục ngữ dân tộc Tày, Từ điển chữ Nôm Tày) mà chính ông là người biên soạn.
Tính trung bình, mỗi năm Triều Ân có một tác phẩm ra đời. Như vậy, nếu ai có nói: “Viết khoẻ như Triều Ân” thì cũng không lấy gì làm lạ.
Riêng về thơ, trong các năm: 1963, 1974, 1975, 1990, 1994, 2000 và 2005, ông đã cho xuất bản 7 tập thơ: Tung còn và suối đàn, Bốn mùa hoa, Nắng ngàn, Kin mác, Chốn xa xăm, Hoa vông, Hoa và nắng, Một lần thăm Trung Quốc.
Thơ Triều Ân hồn nhiên, tinh tế và có những liên tưởng lạ: Xa cách lâu em mong/ Buồn như cành lá trụi; Nếu tóc anh điểm sương/ Lòng em buồn lá úa. Hình ảnh con người, hình ảnh thiên nhiên trong thơ Triều Ân cũng rất miền núi và rất Tày: Ôi trắng mái đầu như sương phủ/ Chân dạo vườn hoa ong vấn vương. Cũng có lúc, thơ Triều Ân có những hình ảnh rất mới: Đủng đỉnh đàn bò lưng khoác nắng, Suối Chiềng Đông cạn như bầu sữa lép, Tiếng ngựa hí như tiếng dao
Vì lẽ ấy mà nhiều người Cao Bằng đã coi Triều Ân là “Cây đại thụ có sức sống cùng thời gian”.
Cuối năm ngoái, có dịp lên Cao Bằng tham dự Trại viết về biên giới và hải đảo, nhiều nhà thơ, nhà văn đã được Triều Ân đích thân ký tặng liền một lúc 3 cuốn sách: Tiểu thuyết Triều Ân, Trên vùng mây trắng, Văn học yêu nước và cách mạng ở Cao Bằng trước năm 1945 (đồng tác giả với Đoàn Lư).
Trong 3 cuốn sách này, cuốn mới nhất là tiểu thuyết Trên vùng mây trắng được Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc xuất bản vào tháng 8 năm 2011. Tiểu thuyết viết về Anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Đình Giong với lời của đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Đồng chí Hoàng Đình Giong là một người cộng sản trung kiên, một con người tiêu biểu của đồng bào các dân tộc quê hương cách mạng cao Bằng. Đồng chí đã chiến đấu kiên cường, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và lý tưởng cộng sản cao đẹp…Chịu cực hình qua nhiều nhà tù của địch ở trong nước và nước ngoài, đồng chí vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, khôn khéo đấu tranh để ra tù về nước tiếp tục hoạt động…”
Hài hước, thông minh như Trần Ninh Hồ
Trong Thơ Việt Nam Thế kỷ 20 (thơ trữ tình) xuất bản qua Nhà xuất bản Giáo dục năm 2005, Trần Ninh Hồ được tuyển chọn 2 tác phẩm: Thủng thẳng với mùa xuân và Ai qua Uy Viễn. Trong Thủng thẳng với mùa xuân, Trần Ninh Hồ có hai câu thật độc đáo: Chợt ước thành đom đóm/ Vừa bay vừa giật mình.
Dựa vào ý hai câu thơ này, cách đây không lâu, trên một tờ báo, có lần có người đã thực hiện một bài phỏng vấn với cái tít rất được: Trần Ninh Hồ và “giấc mơ đom đóm”.
Đấy là trong thơ, còn trong cuộc đời, Trần Ninh Hồ là người vừa hài hước vừa thông minh.
Để đùa những người có ý định làm lạ thơ bằng cách viết lạ, ông viết: Cố làm lạ câu thơ/ Bằng những câu thơ lạ. Để đùa những người làm thơ luôn dựa vào nhãn mác của người khác, ông viết: Làm thơ là sự đã liều/ Thêm thằng đề tựa như diều đứt dây. Tôi nhớ có lần, ông nói với một bạn viết: Đừng nên “trồng cây chuối” trong thơ. Hãy đi bằng đôi chân của mình. Mà trong tình yêu, cũng không nên làm cái việc “trồng cây chuối”. Đơn giản vì cái động tác này (đi bằng tay) không diễn ra được lâu đâu, quá lắm là mươi, mười lăm phút thôi. Và cái động tác này, nếu có làm thì cũng chỉ nên làm trên sàn diễn, như tham gia biểu diễn một tiết mục trên sân khấu xiếc chẳng hạn.
Có một chuyện có liên quan đến một tập thơ tình của tác giả T. viết tặng riêng cho vợ ông ta, tôi nghe Trần Ninh Hồ kể xong mà cứ buồn cười mãi. Trần Ninh Hồ kể rằng, tập thơ này rầt dày, có in nhiều thơ của tác giả T. và nhiều ảnh vợ tác giả T. Trần Ninh Hồ đến nhà tác giả T. chơi. Trước khi dùng bữa tối, tác giả T. hỏi cảm tưởng và nhận xét của ông về thi phẩm này. Ngay lập tức, Trần Ninh Hồ ứng khẩu thành thơ:
Xem thơ và đọc ảnh
Thơ và ảnh như nhau
Xem thơ, không thể chậm
Đọc ảnh, càng phải mau.
Trong trường hợp này, Trần Ninh Hồ đã khéo chuyển từ đọc thơ sang xem thơ, từ xem ảnh sang đọc ảnh và có lời chê rất kín qua các câu: Thơ và ảnh như nhau/ Xem thơ, không thể chậm/ Đọc ảnh, càng phải mau.
Nghe xong, tác giả T. suýt nổi đóa. Nhưng sau do thấy lời chê cũng có lý, lại quá sắc sảo, nên tác giả T. đành im lặng…tiếp thu. Tác giả T. nói nhỏ: Ông coi như chỉ đọc mấy câu thơ này cho tôi nghe thôi đấy. Đừng để vợ tôi nghe thấy, kẻo chúng ta không được uống rượu vui vẻ tối hôm nay đâu.
Say thơ như Đỗ Chu
Hồi còn trai trẻ, chúng tôi đặc biệt mê văn Đỗ Chu qua hai tập truyện ngắn: Hương cỏ mật (1963), Phù sa (1967). Nhìn chung văn Đỗ Chu rất đẹp, rất có chất thơ, vừa ý nhị, vừa sâu sắc, văn phong và chi tiết rất hấp dẫn. Sau này, khi đã có tuổi, đọc Tản mạn trước đèn (2004) và Thăm thẳm bóng người (2008)… tôi càng kính trọng tài năng của Đỗ Chu hơn. Tất nhiên, Đỗ Chu không chỉ có 4 tác phẩm để đời trên, mà còn có nhiều tác phẩm để đời khác như Vòm trời quen thuộc (1969), Gió qua thung lũng (1971), Tháng hai (1979), Những chân trời của các anh (1980), Trung du (1085), Mảnh vườn xưa hoang vắng (1989), Một loài chim trên sóng (2002), Đường xa (2010)…
Có thể nói: Đỗ Chu là nhà văn của truyện ngắn và tùy bút.
Gần đây, chỉ trong vòng có hơn một năm (tính từ tháng 8 năm 2010 đến tháng 11 năm 2011), Đỗ Chu bất ngờ nhao vào địa hạt thơ và đã cho “ra lò” trên 20 thi phẩm.
Thơ của Đỗ Chu giàu chi tiết, giàu liên tưởng, vừa sống động, vừa giàu trải nghiệm và có những khoảnh khắc tâm trạng khá lạ lẫm. Có cảm giác như thơ của ông đã có sẵn trong văn, chỉ tập trung một thời gian là có thể chiết xuất ra được.
Trong Thương hạ, ông có những câu thật thi sĩ: Vải dẫu vụng một niềm chua dại dột/ tiếng chim vang làm quả thắm trên đầu. Trong Sóng cứ vỗ (viết tặng thi sĩ Lê Văn Ngăn), ông có những câu mới đọc lên đã thấy nhớ: Chả gì mềm bằng nước/ chả gì mạnh bằng nước/ thì sóng hỡi sóng cứ vỗ muôn đời vào eo biển/ thản nhiên cùng thơ anh chậm rãi vàng xa. Trong Nói với Duật ( nhà thơ Phạm Tiến Duật), ông có cả một đoạn thơ với nhiều chi tiết, nhiều thông tin như xoắn xuýt lấy nhau, tạo ấn tượng lạ: Mùa khô anh đến Lằng khằng Thác bạc/ mùa mưa Tha mé Lùm bùm/ ngầm nhung nhăng/ cua ruột gà/ đèo ba vạ/ những nơi ta chỉ mới nghe/ một sớm đỉnh Phu đa nhích sương ướt áo/ anh ngồi trên trái bom câm/ nghiêng đầu vấn điếu thuốc vụn hút cùng nhau/ đọc thuộc bài thơ dang dở/ những vùng rừng không dân… Đặc biệt, trong Ru, ông có những câu có giá trị như những câu kinh: Cái đã đến có gì phải nhìn/ cái chưa đến tỏ tường từ tâm nhãn/ hoàn hảo là tìm về không/ yêu thương ấy tài sản lớn/ Na mô a di đà/ Phật mười phương dắt ta/ na mô a di đà/ cầu cành khô nở hoa…
Cách nay không lâu, có một lần, Đỗ Chu nói với tôi: Khi làm thơ mới thấy làm thơ cho ra thơ, cũng khó thật! Tôi nói theo: Thì làm văn cho ra văn, cũng khó lắm chứ, anh. Nghe tôi nói, ông cười cười: Nhưng bây giờ là lúc tôi đang say thơ, đang nói về thơ kia mà!