Tây Nguyên du ký

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:13, 24/01/2012

(HNMCT) - 1. Thu xếp mãi, cuối cùng tôi cũng có một chuyến đi Tây Nguyên khi cái tuổi lục tuần đã gần kề. Kể ra mang tiếng là cái anh nhà báo mà bây giờ mới đến được Tây Nguyên, tôi xét ra là “ấm ớ lắm” như các đồng nghiệp vẫn cợt.


Plâycu bây giờ thật khác xa hai mươi năm trước. Thành phố to đẹp hơn nhiều với kiến trúc đô thị mới và trở thành thủ phủ của tỉnh Gia Lai. Quan trọng hơn với tôi lại là ở chỗ giờ đây tôi có thì giờ để quan sát, ngắm nghía là chủ yếu chứ không phải hối hả ghi chép và làm việc lập tức như ngày nào. Đắc Lắc giờ đây vẫn còn đó những cánh rừng đại ngàn, dù nhiều người bảo món quý giá đó đã vãn đi không ít. Bên những cánh rừng nguyên sơ đó, tôi đã mục sở thị những ngọn núi đất trơ trụi và nhiều ngọn khác đang được chính quyền cùng nhân dân Đắc Lắc nỗ lực trồng mới những vạt rừng, nhiều ngọn đồi đã khép tán cánh rừng cao su đang vào độ. Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hà Nội Phạm Quang Long ngậm ngùi nói với tôi: “Tiên sinh à, nếu không một lần tới Tây Nguyên, có lẽ tôi không thể cắt nghĩa được khả năng phá phách và xây dựng của con người chúng ta tới cỡ nào, tất nhiên là không kể chiến tranh rồi!”. Phạm Quang Long là bạn học với tôi từ 40 năm trước khi chúng tôi cùng vào học tại khoa Ngữ văn, đại học Tổng hợp Hà Nội. Tình bạn của chúng tôi giờ đây vẫn vẹn nguyên như ngày còn trẻ, đến mức hễ cứ có điều kiện đi công tác là anh lại mời tôi tháp tùng. Bởi cùng chung tâm sự về nhiều vấn đề nên khi đến buôn A Hộ Thông, được mắt thấy cảnh rừng cổ đang được bảo tồn, gìn giữ, cả hai chúng tôi cứ tấm tắc mãi về vẻ đẹp, sự hùng vĩ vốn có mà một thôn làng Ê Đê đang có ý thức cao bảo vệ, chăm sóc. Chúng tôi cứ nấn ná mãi bên những cây cổ thụ có lẽ đến cả trăm tuổi để cùng cười với nhau mà rằng giá như mình có thể kéo dài thời gian bên thiên nhiên hùng vĩ ấy…

2. Tôi còn có dịp thán phục những người làm du lịch ở Tây Nguyên khi tấm lòng và những việc làm hôm nay tuy còn chưa như ý nguyện họ, nhưng đã đủ chinh phục nhu cầu cao của du khách, đặc biệt là những du khách lớn tuổi như chúng tôi. Bởi thế, khi được làm quen với Nguyễn Văn Phi, Giám đốc khách sạn 4 sao BMC Ngọc Hồi, Kon Tum, tôi cảm phục tâm huyết và năng lực tổ chức của người làm du lịch lưu trú có tầm cỡ này. Cả chuyến xe của đoàn khảo sát du lịch Tây Nguyên với những người có trách nhiệm quản lý và làm du lịch của Hà Nội đã một phen tấm tắc khi Phi đưa được cả đoàn chúng tôi ghé thăm và cùng nhâm nhi những chai bia Lào, nhấm nháp ít khô hươu Lào ở thị tứ Lào ngay biên giới cửa khẩu Bờ Y, rồi về khách sạn của anh dự bữa tiệc thịt lợn rừng với đủ món do đầu bếp của Phi thết đãi. Các giám đốc lữ hành của Hà Nội hôm ấy thật nể Nguyễn Văn Phi hơn cái tuổi 40 của anh. Riêng với tôi, ấn tượng về Phi lại ở chỗ khác. Trưa hôm ấy, Phi đã đưa cả đoàn Hà Nội lên thắp hương tại Đài Liệt sĩ ngay lưng khách sạn BMC luôn được anh và nhân viên chăm sóc, đẹp đẽ khang trang. Khi mọi người đã xuống khách sạn, tôi còn nán lại mang hương đến khu những ngôi mộ liệt sĩ vô danh, rồi nghẹn ngào rơi lệ khóc thương những đồng đội xưa đã ngã xuống trên mảnh đất Đắc Tô-Tân Cảnh-Ngọc Hồi này trong cuộc chiến giải phóng Tây Nguyên và đất nước. Tôi cảm phục Phi khi anh có ý thức quan tâm đến mảng du lịch tâm linh của những người kháng chiến cũ mà luôn chuẩn bị hương khói sẵn sàng để những người có nhu cầu tưởng nhớ các liệt sĩ luôn lúc nào cũng được đáp ứng. Phạm Quang Long chia sẻ với tôi về sự đánh giá này. Anh cũng như tôi, luôn nhấc máy liên hệ với Phi như những người bạn cũ, luôn trông cậy mỗi khi có việc nhờ từ xa, thân tình như những người bạn đã chơi với nhau từ lâu.


Chúng tôi đã có dịp thăm nhiều nơi, những ngọn thác hùng vĩ trên dòng Yaly, những khu du lịch đặc thù nhà dài nhà rông, mộ táng…kể cả chịu đựng sự lắc lư hàng cây số trên lưng voi Buôn Jun, Bản Đôn; cùng nhau tấm tắc trước vẻ đẹp hùng vĩ thanh sạch của Biển Hồ Yanưng, tham gia lửa trại văn hóa cồng chiêng với bà con dân tộc Banaconcơtu; cùng nhau thưởng thức ly đặc sản cà phê chồn đích thực Buôn Ma Thuột… để ngấm vào mình chất men say Tây Nguyên đầy nắng đầy gió, thơm mãi mùi cà phê huyền diệu, đầy chất ngẫm ngợi tại vùng đất mà người viết lách luôn tìm được cái cảm hứng trữ tình cho các trang viết của mình…

Buổi liên hoan chia tay Sở VH-TT-DL Đắc Lắc, chúng tôi đã cùng Giám đốc Sở - anh Y Bái, nghe anh và các cán bộ nam nữ của Sở kể về những gian nan vất vả của công cuộc xây dựng nhóm du lịch lữ hành, nhóm du lịch lưu trú. Rằng khó siết bao khi cơ sở vật chất còn hạn chế bởi kinh phí có hạn. Rằng tiềm năng thì sẵn nhưng người làm thì chưa nhiều. Rằng cần sự hỗ trợ từ Hà Nội, các tỉnh thành bạn và Trung ương… Nhưng Y Bái sẵn sàng làm nhiều việc để hướng về Hà Nội. Anh bảo, dù khó, nhưng dịp Đại lễ Nghìn năm Thăng Long, anh vẫn cùng đoàn đại biểu văn hóa Đắc Lắc 120 người rồng rắn ra tham gia phục vụ Thủ đô, kể cả dàn cồng chiêng độc đáo chỉ Tây Nguyên mới có…. Thế mới biết, tình cảm với Thủ đô chúng ta, chưa dễ nơi nào hơn được nơi nào khi trái tim người ta luôn thường trực nỗi niềm yêu thiết tha Hà Nội!


3. Chưa hết những cảm xúc trên nhiều cung đường Đắc Lắc, Kon Tum với những thành phố trẻ Plây Cu, Buôn Ma Thuột - nơi có những cánh rừng cà phê nổi tiếng, những khu du lịch độc đáo cả về lịch sử và môi trường, nhiều khu kinh tế đáng tham quan…chúng tôi tới Đà Lạt vào một buổi cuối chiều.

- Đẹp! Cả xe ồ lên khi bắt đầu chạm vào những đồi thông của thành phố hoa. Những vạt rừng thông cao vút thong thả vươn lên nền trời xanh ngắt khiến chúng tôi như quên hết mệt nhọc vì xóc sau cả đoạn đường dài quá xấu từ Đắc Lắc tới Lâm Đồng. Những rặng hoa dã quỳ nở vàng rực trải dài thắm tươi dọc đường càng khiến tôi ngây ngất khi lần đầu tiên được đến thành phố hoa mơ mộng này. Cảm giác ấy kéo không dứt suốt ba ngày đoàn khảo sát du lịch ở lại đây. Từ chỗ nghỉ tại re serort Hoàng Anh, đến khu công viên hoa, rồi các điểm tham quan kỳ thú ở nhà ga cũ, thác Cam Ly, cáp treo, Thiền viện Trúc Lâm, Khu du lịch núi Langbian…, nghĩa là mỗi một khúc đi là một lần chúng tôi cùng chung một sự tấm tắc về sự kỳ thú rất riêng biệt khi sắm vai du khách tại vùng đất mà kể cả người đã tới đây nhiều lần vẫn cứ thấy hài lòng. Tôi, trong câu chuyện tâm tình tại hội thảo du lịch hai địa phương Lâm Đồng-Hà Nội, đã cao hứng cho rằng, đến Đà Lạt mình hiện rõ bản tướng là một Ngưu Ma Vương, bởi té ra mãi đến tận gần cuối đời lao động mới tới thăm Đà Lạt chẳng hóa ra tự liên hệ mình với con trâu cày mải miết to lớn đó sao? Chưa hết, đến Dà Lạt, tôi cũng mới hay việc ẩm thực ở đây cũng là an tâm lắm. Thịt cá ở nơi đây chắc không thể ngon hơn ở Hà Nội rồi, nhưng rau thì thật khác xa lắm. Từ rau đến củ, lợi nào cũng giòn ngọt và quan trọng là ở chỗ, khi ta gắp cọng rau đưa lên miệng, cái cảm giác an tâm khác hẳn mọi nơi, không cần phải nghĩ ngợi nó được trồng ở chỗ nào bởi nơi đây quá ít cơ sở công nghiệp ồn ào và gây ô nhiễm. Tiến sĩ Phạm Quang Long cũng đồng tình và cho rằng, hai đơn vị du lịch Hà Nội và Lâm Đồng nên chung sự hợp tác trong quảng bá, đào tạo cán bộ, nhân viên du lịch, trao đổi chia sẻ các đoàn lữ hành để cùng nhau phát triển ngành kinh tế xanh rất giàu tiềm năng ở hai đơn vị hành chính đặc thù này. Các anh chị làm du lịch ở Lâm Đồng, nhất là Đà Lạt vui lắm, đồng tâm với Hà Nội lắm - họ cùng trao đổi nhiều vấn đề thiết thực cả về nghiệp vụ lữ hành lẫn lưu trú để cùng nhau có phương cách tăng tỷ lệ và tỷ trọng ngành này ở hai nơi khi tuyến bay Nội Bài - Liên Khương được ngành hàng không quan tâm hơn nữa…


Cuối chuyến đi, tình cờ tôi gặp Nguyễn Các, nguyên Tổng biên tập báo Tin tức Buổi chiều (TTXVN), người bạn thân của tôi khi tôi còn làm Trưởng phòng Phóng viên tại đó. Chúng tôi cùng nắm tay nhau cả cười khi gặp nhau ở tuổi “nhĩ thuận” mới cùng có mặt ở nơi cứ hẹn hò nhau tới mà mãi mới tới để nhâm nhi chén trà Artiso mà bây giờ mới thành hiện thực. Quá lâu nhưng chưa muộn. Nghĩa là ta vẫn còn có thể biến ước mơ thành hiện thực trong những điều kiện có thể, khi cần. Chao ôi, có những điều, thưa bạn đọc kính mến, phải đến cái tuổi nào, ta mới nhận chân ra, dù không có gì quá đỗi phức tạp. Và, để kết thúc cho bài viết này, tôi xin gửi Đà Lạt mộng mơ quyến rũ, nơi tôi lại biết thêm một loài hoa đẹp lạ màu hồng nhạt, có ánh đỏ hấp dẫn mắt nhìn - Lôbêlia - bằng hai câu thơ mách qué của bài thơ về nơi ấy khi Xuân Nhâm Thìn đã gần kề:

Hoa Đà Lạt thắm hơn bao vùng khác
Còn rau ở nơi này non giòn ngọt chẳng đâu so….

Đà Lạt, cuối 2011

Huy Thịnh