Ngày xuân “xông nhà” Đặng Hùng Võ
Xã hội - Ngày đăng : 13:47, 23/01/2012
Dường như không khí Tết đang ùa vào sớm hơn trong căn nhà của ông, thổi vào sự tươi trẻ và ấm cúng, bởi xung quanh tiếng cưng nựng con gái mới vài tháng tuổi của ông Võ, sự lí lắc của cậu nhóc 4 tuổi của Hồng ánh, không có sự tách biệt tuổi tác hay con cái nào ở đây. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện trước thềm xuân mới với hai vợ chồng ông.
Không liều vô cớ, phải chắc phần thắng trong tay
(?) Nhìn Giáo sư ẵm và ru con rất khéo, việc chăm con nhỏ, có quá khó với ông không ạ?
Ảnh: Hùng Blue |
- Không, không có gì đâu. Tôi rất quý trẻ con, nên không có trở ngại gì. Tôi thường hát ru cho con, đó chính là văn hóa, gốc rễ của người Việt, nên tôi rất muốn trẻ con nó phải được nghe. Nó lưu lại được thì sẽ tạo nên một văn hóa Việt trong đầu nó. Tôi muốn dồn cho thế hệ mới một tâm hồn Việt trước đã, việc chăm trẻ con là chăm từ nền văn hóa, chứ không phải chỉ là chăm từ ăn, từ diện đồ.
(?) Từ hồi lấy vợ, ông có thấy trẻ ra không?
- Tất nhiên là trẻ ra.
(?) Phải tự mình trẻ hóa mình chứ ạ?
|
- Tôi luôn luôn làm trẻ hóa mình. Điều quan trọng nhất là trong tư duy không bao giờ được coi là mình đã già. Như nhiều người nói là phải bổ sung vitamin K chẳng hạn, nhưng tôi cho rằng cái quan trọng nhất của con người, của cơ thể sống là tư duy bộ não. Tư duy nó quyết định nhiều hơn những cái gì mang tính tác động ngoại cảnh. Chính vì thế, tôi cho rằng cái gốc rễ là không bao giờ được coi mình là già. Không được cho rằng hôm nay ốm quá thì mình phải nằm liệt giường, mà phải ngồi dậy, phải chiến đấu.
(?) Bản thân là người làm việc tư duy dùng trí não nhiều, Giáo sư có bị nặng đầu không ạ?
- Không. Tôi cho rằng điều đó không xảy ra. Vì khi chúng ta làm việc mà bị mệt có nghĩa là chúng ta bị quá sức, còn nếu chúng ta càng làm càng thấy sảng khoái thì có nghĩa là vẫn chưa quá sức. Cũng giống như một người gánh một gánh nặng, nếu sức mình gánh được 50kg thì mình hãy gánh 40kg thì anh sẽ sảng khoái và nhanh nhẹn. Nhưng nếu cố gánh đến 70 kg thì nhiều khi mình quỵ. Cho nên, làm về đầu óc nhưng mình làm những việc mà mình không thấy quá sức thì nó sẽ làm cho trí tuệ mình tốt hơn.
(?) Công việc chính của Giáo sư hiện giờ là gì?
- Là tư vấn độc lập. Cụ thể là các tổ chức quốc tế, họ cần gì thì thuê mình làm và việc ý mất nhiều thời gian vì không việc gì giống việc gì. Cái sản xuất chính là trí tuệ.
(?) Vậy Giáo sư bồi bổ như thế nào?
- Đơn giản thôi. Bồi bổ kiến thức thì dễ thôi đó là đọc sách. Và qua việc làm của mình thì kiến thức của mình rộng hơn. Vì trong công việc mình phải chủ động được một nửa, còn nửa kia mình phải đi tìm hiểu, thì tự khắc mình sẽ hoàn thiện một nửa mình bị thiếu. Tôi được mọi người đánh giá là làm được nhiều thứ, trăm thứ bà dằn vào tay đều làm được. Nhưng tôi không liều vô cớ, mà chỉ liều khi thấy mình chắc thắng. Ngoài ra thì tôi vẫn đi dạy, tôi dạy khoa Địa ĐHQG, khoa Tài nguyên môi trường của trường Nông nghiệp I.
(?) Giáo sư vừa nói tới sự chủ động, vậy trong tình yêu thì thế nào ạ?
- Tôi nghĩ rằng, trong tình yêu mà nói rằng, ai chủ động hay tình yêu từ đâu đến đâu thì nó hỏng. (cười lớn).
(?) Nhưng vẫn phải có sự chủ động chứ ạ?
- Tất nhiên, người đặt vấn đề phải là đàn ông. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, thì người đàn ông phải là người chủ động. Mà những người đàn ông như tôi thì phải xong vấn đề thì mới đặt.
(?)”Xong” ở đây là thế nào thưa giáo sư?
- Xong nghĩa là phải có câu trả lời là được, là đồng ý thì mới đặt. Nghĩa là chắc phần thắng trong tay. (cười lớn)
(?) Giáo sư nổi tiếng là người chiều vợ, chú không sợ nhỡ vợ hư vì mình quá chiều sao?
- Không. Không hư đâu. Tôi cho rằng chiều phụ nữ đấy là một nét văn hóa. Bởi vì ngay với bên ngoài việc nhường phụ nữ cũng là đương nhiên, nữa là người phụ nữ của mình thì phải chiều hơn nữa chứ. Không chiều thì hỏng hết.
(?) Giáo sư có sợ trong môi trường nghệ thuật, vợ mình có nhiều người hâm mộ thì sẽ ảnh hưởng không?
- Không sao cả, cái điều đó tôi cho rằng trong một cuộc sống cạnh tranh vẫn đang diễn ra mà. Nhất là cơ chế thị trường nữa. Có hai cách tiếp cận thế này: một là muốn giữ được thì mình phải phá hủy mọi mối quan hệ đi thì giữ được, hai là để giữ được thì trong các mối quan hệ mình phải tốt hơn, luôn luôn cao hơn các mối quan hệ khác. Thì đấy là hai cách tiếp cận và tôi chọn cách thứ hai.
(?) Giờ nghỉ hưu, giáo sư có bận hơn không?
- Bận hơn rất nhiều. Vì khi đi làm công việc đơn điệu, dễ nhàm chán, còn bây giờ công việc đa dạng hơn. Và điều quan trọng nữa là khi mình làm sếp, thì được nhiều người nịnh, thì cái cảm giác là chẳng biết người ta khen mình thật hay giả, đến bây giờ thì khác, khi mà họ mời mình tới một cuộc hội thảo nào đó thì nghĩa là mình phải có giá trị thì người ta mới mời, hay nói một cách khác là một cái báo cáo của mình, người ta khen nghĩa là nó hay thật thì người ta mới khen. Tất cả những cái đó khiến mình vững tâm hơn với năng lực của mình.
(?) Giáo sư cũng rất đa nghi đấy chứ?
- Không hẳn. Đã lên tới chức vụ nào đó rồi thì là có năng lực rồi, nhưng năng lực giải quyết công việc chưa chắc đã có.
… Nếu chồng còn sức ru con đêm thì vợ lại đẻ tiếp
(?) Còn chị Hồng ánh, thấy chị lúc nào cũng rạng ngời sự hạnh phúc?
- Mình nghĩ mình may mắn khi có được hạnh phúc này, ông xã rất chiều vợ, mà đôi khi thấy thương. Khi vợ mệt mỏi là tìm cách nghỉ làm đưa vợ đi chơi, không ngần ngại ninh, nấu cháo cho vợ nữa. Khi yêu thì chồng mình chưa nghỉ hưu, anh rất bận rộn, mình cũng không đòi hỏi phải ở bên cạnh mình, vì mình cũng bận với công việc của bản thân và mình cũng không phải là một cô gái mới lớn cần người chăm chút từng tí một như vậy. Cả hai đều tạo cho nhau những khoảng không gian riêng.
(?) Khi chị kết hôn với Giáo sư, một người nổi tiếng và hơn chị 30 tuổi, mọi người có ngạc nhiên không?
- Mẹ mình và mọi người thì biết anh ấy qua ti vi. Khi anh đến nhà mình thì lúc đó vẫn là chú cháu bình thường. Sau này đổi cách xưng hô và cho đến khi mình nói là yêu và kết hôn với anh thì mọi người đều hưởng ứng, vì tính mình đều làm những điều bất ngờ và không giống ai.
(?) Có khúc mắc vì sự chênh lệch tuổi tác không ạ?
- Chưa thấy gì. Nhất là về chuyện ăn thì bọn mình rất chiều nhau. Khi yêu, mình thích gì thì anh ấy cũng nói rất thích, mình thích ăn những thứ lạ miệng, ăn gỏi chẳng hạn và anh cũng khen ngon. Lấy nhau lâu rồi thì phát hiện ra, chồng không thích những món đó chút nào. Chỉ vì chiều vợ mà thôi. Nghĩ lại thương chồng. Nhiều khi mình chỉ xào thịt thôi, chồng cũng khen ngon lắm, món gì anh cũng tâm đắc lắm. Nhưng đến khi mình ăn thì tự thấy là ăn không nổi, hỏi chồng là anh không thấy mặn à. Anh mới bảo, ừ, cũng có mặn (cười to).
(?) Bù lại, chị chiều chồng như thế nào?
- Chưa biết anh ý cảm nhận thế nào nhưng mình nghĩ anh có cuộc sống thoải mái, không bị gò bó bởi điều gì cả. Còn nói đến chuyện ghen vì những mối quan hệ xung quanh nghệ sĩ, thì ghen có nhiều kiểu ghen, ghen có kiểu ghen dễ thương, đôi khi ghen mà cách thể hiện không đúng, khiến đối phương cảm thấy khó chịu. Còn tất nhiên do bản thân mình, mình phải hạn chế, dành thời gian cho gia đình mình nhiều hơn nhưng không có nghĩa là mình từ bỏ những công việc, đam mê của mình. Điều quan trọng là phải biết cân bằng nó. Khi con mình chưa được một tháng tuổi, mình đã rất yên tâm để chồng chăm con và ra ngoài lo công việc. Ra khỏi nhà cũng yên tâm lắm vì chồng rất khéo tay.
(?) Tết năm nay anh chị có một tổ ấm mới, chị có ước muốn điều gì không?
- Ước mơ của mình nhỏ thôi. Muốn làm một bữa cơm mời toàn thể gia đình, anh chị em hai bên, một đại gia đình. Và nếu chồng còn sức ru con đêm thì vợ lại đẻ tiếp thôi!