Náo nức chào đón… xuân về

Đời sống - Ngày đăng : 21:58, 22/01/2012

(HNMO) - Hôm nay (29 Tết) là ngày cuối cùng của năm cũ, người dân Thủ đô náo nức chờ đón năm mới với hy vọng năm

Dọn dẹp đường phố đón năm mới

Dưới tiết trời lạnh giá, người dân Thủ đô tất tưởi đổ về các khu chợ trung tâm để mua hoa và đồ thờ chuẩn bị cho bữa cơm tất niên. Không khí Tết đã tràn ngập khắp các góc phố ở Hà Nội. Mai vàng ánh, đào đỏ thắm, quất vàng rực rỡ, hoa tươi khoe sắc. Đường phố Hà Nội vào ngày cuối năm thông thoáng, vắng lặng hơn mọi ngày. Khắp mọi nẻo đường, các anh chị lao công vẫn khẩn trương tăng cường lực lượng làm vệ sinh và thu gom rác.

Trên đường Âu Cơ, từ Yên Phụ đoạn dẫn tới chợ Hoa, cho đến 10 giờ sáng 29 Tết (tương đương ngày 30 Tết hàng năm), vẫn diễn ra cảnh tắc đường. Tại các tuyến phố: Kim Ngưu, Tam Trinh, Láng, Nhật Tân… những chậu cảnh, quất, đào và đủ các loại hoa. Nếu như năm trước, đào quất, cây cảnh được bày bán tràn lan trên đường An Dương Vương, Âu Cơ, Nghi Tàm thì năm nay quận Tây Hồ chỉ cho bán tập trung dọc đường Lạc Long Quân cho đến tận Công viên Hồ Tây.

10 giờ sáng 29 Tết đường Âu Cơ vẫn tắc.

Mặc dù giá cả nhiều mặt hàng tăng cao thì quất, đào năm nay giá chỉ nhỉnh hơn mọi năm một chút. Chị Nga, một người bán đào ở đường Âu Cơ cho biết: “Nếu như năm trước, nhiều người chơi đào sẵn sàng bỏ ra dăm, bảy chục triệu về tận vườn đào nhà chị khuân về, thì năm nay, đời sống kinh tế khó khăn, đào to ít người để mắt đến. Kể cả các công ty, doanh nghiệp cũng chỉ thuê với giá 10 đến 30 triệu đồng/cây. Mặc dù vậy, lượng người mua cũng ít hơn mọi năm. Vào ngày cuối cùng của năm Tân Mão, nhiều cành đào đã hạ giá chỉ còn 40-50% so với những hôm trước.

Chợ hoa Tây Hồ sáng 29 Tết

Cây mía cầu lộc đầu năm với ý nghĩa một năm ngọt lành


Bên cạnh những loại cây truyền thống như quất Xuân La, đào Nhật Tân, cam Canh, nhiều tuyến phố của Hà Nội như: Hoàng Hoa Thám, Giang Văn Minh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Khánh Toàn… rực rỡ sắc vàng của mai Sài Gòn, hồng phai của đào rừng Sa Pa, phong lan đủ loại… Đào rừng năm nay được khá nhiều khách chọn do giả cả phải chăng, từ 300.000 đồng đến vài triệu đồng tùy cành.

Chị Huyền, người làng Nhật Tân bán hoa đào tại một góc vỉa hè trên phố Lạc Long Quân, chỉ mong bán rẻ nốt số cây đào còn lại để được về sớm làm cơm Tất niên. Mấy hôm trước, mỗi chậu đào này đều được bán với giá không kém 1,2 triệu đồng, giờ nếu chỉ cần 400.000 đồng thì chị cũng bán. Chị cho biết, người mua đào nên hỏi kỹ trước khi mua vì người bán thể là nhà có đào trồng và đi buôn để bán lại kiếm lời. Với những người bán đào của nhà trồng, giá thường rẻ hơn, đặc biệt là ngày sát Tết vì họ muốn bán nhanh để về ăn Tết. Còn người đi buôn, dù là ngày cuối cùng, họ vẫn cố co kéo để làm sao bán hàng có lãi.

Ngoài các loại cây cảnh, nhiều loại quả tươi bán trên phố cũng có giá rẻ hơn bình thường vào ngày cuối cùng trong năm. Cách đây 2-3 ngày, mỗi nải chuối xanh quả lẻ loại to, đẹp, giá cũng lên tới cả trăm nghìn đồng nhưng đến 29 Tết, giá giảm chỉ còn khoảng 50.000 - 60.000 đồng.

Nếu như hoa, quả giảm giá thì vào ngày này dịch vụ rửa xe lại đắt như “tôm tươi”. Trên các phố phường, ngõ ngách, đâu đâu cũng thấy… rửa xe. Giá rửa xe máy từ mặc dù tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với ngày thường nhưng khách vẫn phải xếp hàng.

Đến khu phố cổ và cảm nhận Hà Nội nhộn nhịp, sầm uất hơn. Phố Hàng Mã rực rỡ đèn lồng và đồ trang trí. Cả dãy phố một màu đỏ tươi, mỗi gian hàng một cách bài trí độc đáo. Phố Hàng Rươi tràn ngập hoa lụa và cây cảnh giả. Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân, Hàng Buồm, Hàng Đường, Hàng Trống… những gian hàng tranh, sành sứ, hàng bánh kẹo, ô mai, thời trang…

Du khách tham quan Hà Nội ngày 29 Tết

Tò he chưa khoe đã thích

Những khu phố quanh Bờ Hồ được trang hoàng lộng lẫy khiến ai ai cũng có thể cảm nhận "hương vị" Tết truyền thống rất đặc trưng ở mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Mọi hàng cây quanh hồ Gươm đều nở ra những bông hoa ánh sáng, kết thành những quả đèn màu... Sau cỗ tất niên chiều 30, kết thúc mọi lo toan và bận rộn của một năm, trong mỗi căn nhà ấm cũng hơn ngày thường, người ta lại có một mong đợi mới là thời khắc giao thừa, để mọi khoảng cách xa gần được xoá bỏ.

Lâu nay, người Hà Nội vẫn coi quanh Hồ Gươm là khu vực thiêng liêng nhất nhất. Giao thừa quanh Hồ Gươm đã thành phong tục đẹp, những dòng người đã đổ dồn đến đây để được xem bắn pháo hoa và hoà mình vào không khí đông vui.

Chuẩn bị bắn pháo hoa

Giữa không gian ngập tràn không khí Tết, phố Văn Miếu vẫn giữ được nét văn hóa đặc trưng với những với những ông đồ khăn xếp, áo the, bày mực tàu, giấy đỏ trên vỉa hè cho chữ. Hàng trăm bức tranh chữ xếp hàng dọc bức tường Văn Miếu rêu phong, các ông đồ, già có, trẻ có, miệt mài bên nghiên mực tàu và những tờ giấy đỏ. Đôi câu đối Tết của họ cũng làm rạo rực lòng người.

Cũng như mọi năm, chủ đạo trong thư pháp Tết là tranh đào, mai và những câu thơ, câu đối. Đặc biệt, tranh Rồng năm nay được ưa chuộng, hầu như gian thư pháp nào cũng có những bức tranh về linh vật thiêng liêng này. Giá cả tranh thư pháp năm nay có nhỉnh hơn năm ngoái một chút. Những bức thư pháp nhỏ có giá từ 50-100.000 đồng, tùy vào số lượng chữ người mua muốn viết. Có những bức lồng khung kính trị giá vài trăm đến vài triệu đồng.

Dịch vụ rửa xe đắt khách

Dịch vụ đổii tiền sẵn sàng

Dịch vụ làm thịt gà

Mùa Xuân đến chính là thời khắc để mỗi người nghĩ tới bạn bè, người thân, tình yêu và hy vọng. Đó là những mơ ước giản dị, như một mái ấm nhỏ xinh, một công việc ổn định, một cuộc sống bình yên hay đơn giản là sức khỏe dồi dào cho những người thân yêu. Trong không khí tưng bừng đón Tết cổ truyền dân tộc, năm vừa qua Thủ đô ta đã có hơn 24.000 hộ dân thoát nghèo và họ có điều kiện hơn để quan tâm việc học hành của con cái, lo cho cái Tết được tươm tất hơn.

Vương Anh