Quà tặng đêm giao thừa
Xã hội - Ngày đăng : 06:46, 22/01/2012
Ngày tôi bé tí, bữa cơm tất niên và đêm giao thừa thật đông vui, ấm áp. Mẹ và chị tíu tít làm cơm, đồ xôi gấc, mổ gà… Bố lau dọn bàn thờ, thắp hương cúng tổ tiên. Bà nội bày mâm ngũ quả và cắm một cành bích đào nho nhỏ. Cả những bộ quần áo giấy nữa. Bà nội bảo: “Trần sao âm vậy. Phải hóa quần áo mới để các cụ diện đi chơi xuân chứ!”. Tôi bé nhất nhà thì “xúy” phần rửa ấm chén, bát đĩa rồi lau cho khô ráo để mẹ bày cỗ. Bữa cơm tất niên bao giờ cũng ngon nhất, vui nhất vì đông đủ cả nhà.
Hình như có một cái gì đó xao xuyến, rưng rưng mỗi khi bà kể chuyện năm nay nhà mình có gì mới, mua sắm thêm cái gì, rồi mẹ thì kể về thành tích học tập của chị tôi, kể rằng tôi đã lớn thêm, khôn thêm như thế nào. Còn bố thì kể về những đổi mới của đất nước và của quê mình. Mẹ bảo: “Sang năm mới mẹ phải phấn đấu học xong bằng bác sĩ nội trú. Các con thì phải tự giác học và làm việc đỡ bà. Bà mỗi tuổi mỗi già yếu”. Chị em tôi hứa: “Vâng ạ!” và thấy mình có vẻ người lớn hơn. Đêm giao thừa, bà bày mâm cỗ cúng ở ngoài sân rồi vào mừng tuổi cho cả nhà. Những đồng tiền mới toe. Chị em tôi để dành vào một cái hộp chứ không dám đem tiêu. Vì tôi nghĩ đó là những đồng tiền đặc biệt, những đồng tiền có phép lạ và may mắn!
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú |
Thế rồi bà nội mất. Mẹ thì luôn đi trực đêm ở bệnh viện vào những đêm giao thừa. Mẹ bảo: “Vì các cô ấy có con nhỏ.” Ba bố con tôi tất bật chuẩn bị nhưng nhất định bao giờ cũng sẽ còn thiếu sót thứ gì đó. Và giao thừa nào cũng trống vắng, nao nao, mà chẳng ai dám nói ra, vì sợ làm người khác buồn. Bố con tôi nhớ về bà nội và những cái Tết xưa. Nhớ mâm cỗ tất niên và món xôi gấc mẹ đồ, thơm ngậy, đỏ au, chứ không sậm sực như đĩa xôi mẹ mua ngoài chợ.
Những lúc nhớ mẹ… tôi thoáng trách mẹ, sao mẹ chỉ biết có công việc? Sao mẹ không biết bố và chị em tôi cần mẹ đến thế nào! Giáp giờ giao thừa, bố con tôi đang loay hoay bầy cỗ thì có tiếng chuông cửa. Sao lại có khách vào giờ này? Rồi hai mẹ con người khách lạ bước vào. Cô gái xúc động giới thiệu cậu bé con năm tuổi, và đặt lên bàn một gói quà. Bố lúng túng từ chối thì cô ấy bảo: “Mẹ con em phải suốt đời đội ơn bác sĩ ấy chứ! Giao thừa năm ngoái, nếu không có chị ấy kịp thời cứu cháu thì chúng em đã mất cháu rồi…”. Bố và cô ấy còn nói chuyện dài nữa. Bỗng đồng hồ điểm mười hai tiếng. Giao thừa! Tôi mở hộp tiền bà nội mừng tuổi chị em tôi ra. Chị chọn một tờ mới nhất đưa cho cậu bé. “Chúc mừng năm mới!”. Khúc nhạc mừng xuân trong vắt và xao xuyến cất lên! Giờ chúng tôi đã hiểu sự hy sinh thầm lặng và cao cả trong công việc của mẹ - Nhất là vào giờ khắc này. Tôi thương mẹ quá. Chắc chắn mẹ còn ao ước được có mặt tại ngôi nhà của mình, cùng đón giao thừa với chồng con hơn là chúng tôi mong có mẹ chứ! Nhưng… nếu giao thừa năm ngoái không có mẹ ở bệnh viện, thì liệu bây giờ, cái chú bé đang toét miệng ra cười bên cạnh tôi đây, chú sẽ ở đâu? Chú bé dễ thương và xinh đẹp. Hai mẹ con chú bé đang ở lại đón giao thừa với bố con tôi. Khi ra về, cô ấy cứ nói cảm ơn mãi, chị em tôi cười tủm tỉm: “Chúng cháu mới phải nói lời cảm ơn cô và em… Vì món quà tuyệt diệu của đêm giao thừa!”.