Nhớ xuân quê hương
Xã hội - Ngày đăng : 14:18, 21/01/2012
Sắc đào rừng quê nhà. Ảnh: Bá Đô |
Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm,
Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu.
Thế là xuân. Tôi không hỏi chi nhiều.
Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng…
( Trích "Xuân không mùa" - Tác giả: Xuân Diệu )
Một mùa xuân nữa đang đến dần, thiên nhiên cây cỏ cũng đã thay da đổi thịt sau mùa đông lạnh giá, những chồi non và sức sống đang âm ỉ trỗi dậy sau lớp vỏ sần sùi. Trong lòng tôi lại dấy lên một cảm giác nao nao đến lạ, cái cảm giác quen thuộc ấy vẫn thường ghé thăm mỗi khi mùa xuân về. Đứng xa quê mình hàng ngàn cây số, hướng về quê hương nghĩ đến cảnh khắp nơi mọi người rạo rực chuẩn bị đón Tết, trong lòng tôi lại bâng khuâng khó tả : Tết!
Có ai xa quê mới hiểu được cảm giác của những người con đất Việt đón Tết trên xứ người. Sống trong một đất nước khác, văn hóa khác, con người khác và ngay cả cái Tết của mình cũng kỉ niệm khác dịp với họ nữa. Thật là rủi nếu ai đó thi cử vào dịp Tết, vì phải đón giao thừa với tâm trạng hơi lo lắng về các môn mà mình sẽ trả thi đúng ngày mồng 1 Tết.
Sinh viên bọn tôi thường tổ chức Tết khá là đơn giản, nhưng không phải vì thế mà mất đi không khí ấm cúng, quây quần của ngày Tết. Thường thì mọi người sẽ đón Tết theo từng khóa, cùng nhau nấu những món ăn, bày mâm ngũ quả, đĩa bánh kẹo Tết, chuẩn bị một cành đào nho nhỏ hoặc một nhánh mơ gắn hoa giấy tự làm, trông cũng đẹp lắm. Những món ăn truyền thống như bánh chưng, xôi, gà luộc, nem rán v.v… là không thể thiếu trong ngày Tết. Các căn phòng trong kí túc xá được dọn dẹp sạch sẽ, ai cũng cố làm gì đó cho năm mới, đón những điều may mắn mới và tạo ra cái không khí mới mẻ trong phòng mình.
Khoảng thời gian vui nhất là từ lúc chuẩn bị, rồi nấu nướng và đón giao thừa. Chúng tôi ở đây đón giao thừa theo giờ của Việt Nam, cùng hòa nhịp theo không khí đón xuân của mọi người ở nhà. Sau khi liên hoan từng khóa xong thì các khóa sẽ đi chúc Tết lẫn nhau, cùng nhau nâng những chén rượu năm mới, những lời chúc tốt đẹp và những nụ cười thực sự khiến cho những sinh viên xa nhà, đặc biệt là những sinh viên mới, thấy ấm cúng hơn, và đỡ nhớ nhà hơn.
Trong những lúc như thế này, ít ai mà không hồi tưởng về những ngày mình còn ở Việt Nam, nhớ về những cái Tết đầm ấm bên gia đình, bạn bè. Đó là nồi bánh chưng bà nấu, mâm cỗ ngày Tết do mẹ chuẩn bị, những cuộc liên hoan ăn tất niên với bạn bè, họ hàng. Rồi khi cái cảm giác thích thú ngồi đón giao thừa bên gia đình, nhận tiền lì xì của ông bà, bố mẹ, thắp hương cúng tổ tiên, chờ ăn cỗ năm mới, cùng nói chuyện quây quần bên nhau. Trong cái xóm nhỏ nơi tôi ở, nhà nhà mở cửa đón năm mới, tiếng cười nói rôm rả, cảm giác thân quen đó không nơi nào có được.
Ở Volga, ngoài sinh viên còn có cộng đồng người Việt sinh sống và làm việc. Họ cũng xa quê nhiều năm, cũng thấm cái lạnh của xứ người, và mỗi người đều có một mong mỏi được trở về quê đón Tết. Nhưng không phải ai cũng may mắn có được. Cuộc sống mưu sinh có nhiều thứ bó buộc, thậm chí có những người xa quê đến mấy chục năm vẫn chưa thể trở về quê đón Tết cùng gia đình. Cộng đồng người Việt thường sinh sống ở những khu riêng. Ở đó hầu như chỉ có người Việt nên không khí đón xuân rạo rực hơn sinh viên.
Ngày tết các nhà tổ chức tiệc, ca hát, những chén rượu nồng và những lời chúc năm mới. Tất cả dường như làm nóng lên cái không khí vẫn còn lạnh của xứ sở bạch dương này. Ngày Tết sinh viên và người Việt sinh sống ở đây cũng có những hoạt động giao lưu, kỉ niệm Tết truyền thống. Vì sống ở đất nước bạn, thực phẩm đặc trưng ngày Tết rất hiếm hoi nên cộng đồng người Việt đã giúp đỡ sinh viên rất nhiều để có cái Tết đầy đủ hương vị quê nhà. Những chương trình chào đón năm mới thực sự là sân chơi bổ ích, làm phong phú thêm cuộc sống tinh thần và đem lại cái gì đó của không khí Tết trọn vẹn.
Nếu được trở về quê vào những thời khắc thiêng liêng này, thì đó quả là một hạnh phúc lớn lao. Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác khi đặt chận xuống sân bay Nội Bài, hít thở không khí nồng nồng, rất “Việt”, thấy trong người thực sự khoan khoái - Việt Nam quê hương tôi ! Về quê thấy khắp các con phố bán đầy những hoa, những đồ trang trí ngày Tết, khung cảnh mua bán thật tấp nập.
Và khẽ mỉm cười trước sự thay da đổi thịt của quê hương. Con đường ngày xưa đã đẹp hơn, những tòa nhà mới, hiện đại, những cửa hàng… và những con người xa lạ trở nên quen thuộc, không khí Tết tràn ngập khắp nơi. Và sau cái Tết ngắn ngủi, hay ít ra đối với Tôi là quá ngắn ngủi, lại phải lên đường học tập, tạm biệt Việt Nam lần nữa. Máy bay cất cánh đưa theo sự tiếc nuối, bịn rịn và cảm xúc dâng trào, những dòng nước mắt nóng hổi chực lăn trên má. Nhìn quê hương mình nhỏ dần, nhỏ dần đến lúc khuất hẳn sau đám mây trắng, nhè nhẹ.
Tôi có một vài người bạn chơi khá thân người nước ngoài. Thực sự họ rất ngạc nhiên với việc Việt Nam mình có tới hai cái Tết. Có người bạn còn bảo, như thế thì thật là vui, chẳng bù cho bọn nó chỉ được đón Tết mỗi một lần trong năm, mong chờ mãi mới đến. Khi mà bất đồng ngôn ngữ, tiếng nói còn bập bẹ, sự trao đổi về suy nghĩ, cách nhìn với những người bạn này cũng rất đơn sơ, nhưng thật sự chân thành. Họ rất thích thú trước cách mà chúng ta đón Tết, và theo như những người bạn Tôi nói, “Nó đầm ấm hơn, tình cảm hơn”.
Các món ăn và hương vị đặc biệt đặc trưng của Việt Nam cũng khiến cho họ trầm trồ ngạc nhiên vì chưa bao giờ được thưởng thức hương vị lạ và ngon miệng đến thế. Ngày Tết truyền thống Việt Nam, nếu được mời tới tham dự, hẳn những người bạn nước ngoài sẽ rất hào hứng, vui mừng. Họ thích chia sẻ với chúng ta về văn hóa, sống trong không khí quây quần và giữa những con người Việt mến khách, giàu tình cảm. Nếu ai đó may mắn có những người bạn chân thành như vậy, thì dù có bất đồng ngôn ngữ, cái Tết cũng sẽ phần nào bớt đi sự lạnh lẽo. Những người bạn thực sự quan trọng.
Đối với những người xa quê vậy nhưng tôi cũng không cảm thấy cái Tết ít đi không khí. Không cần phải quá màu mè hay tổ chức linh đình, nhưng quan trọng là tình cảm giữa những con người Việt Nam vào những ngày thiêng liêng này luôn hướng về Tổ quốc. Cái Tết tuy có đơn sơ, đạm bạc nhưng thấy quý tình cảm, sống trong không khí vui tươi của mùa xuân đang về, những nụ cười, những cái bắt tay, những chén rượu nồng còn thơm mùi nếp mới và lẫn đâu đó cả tiếng chúc Tết bằng tiếng nước ngoài, thật lạ, nhưng thấy sống trong đó tâm hồn và tinh thần Việt Nam, tự hào vì phần nào đó đã quảng bá hình ảnh, văn hóa đất nước mình đến bạn bè trên khắp thế giới.
Và vẫn ước mơ đâu đó về một cái Tết ấm cúng nơi quê nhà…