Hái lộc đầu xuân
Bạn đọc - Ngày đăng : 07:11, 21/01/2012
Hái lộc đối với người xưa quả là rất văn hóa, khi họ chỉ hái một vài nhánh lộc cây, bởi quan niệm truyền thống là thời khắc hái mới quan trọng, còn lộc to hay lộc nhỏ không mang nhiều ý nghĩa. Người đi hái lộc thường không có ý chọn lộc, kén lộc, mà bước ra thiên nhiên, gặp cây gì, dù là cây cỏ, cây dại họ cũng đưa tay ra hái. Lúc hái lộc người hái phải có ý nghĩ trong sáng, tâm hồn thanh cao và ước nguyện một điều gì đó tốt đẹp. Hái lộc rồi, người ta phải nâng niu mang về đặt vào đĩa, hay cắm vào lọ, rồi để lên bàn thờ, hết Tết mới bỏ.
Nhưng thật buồn, ngày nay không ít người đã biến giờ phút thiêng liêng đi hái lộc thành dịp để họ chặt cây, bẻ cành, tàn phá cây xanh. Nhiều người có suy nghĩ rất phi khoa học, khi cho rằng cứ bẻ được lộc càng dài, cành càng to thì lộc lá, tiền bạc sẽ đến trong năm mới càng nhiều. Chứng kiến cảnh mọi người bẻ cây ở những nơi công cộng lúc giao thừa thấy xót xa cho cây cối. Nhiều cây to, sau đêm giao thừa bị tan hoang, trơ trụi. Không ít cây nhỏ bị bẻ ngang thân, khiến cho cây khó có cơ hội hồi phục. Có người còn lẻn cả vào vườn cảnh nhà người khác để bẻ trộm lộc. Với ý nghĩ: ăn trộm lộc nhà người khác mang về nhà mình thì gia đình sẽ giàu có.
Để việc hái lộc đầu xuân thực sự là nét đẹp văn hóa, hãy đối xử với thiên nhiên, cây xanh thật thân thiện như những người bạn và không bao giờ được bẻ cành hay chặt cây.