Bệnh viện - Tết như ngày thường
Xã hội - Ngày đăng : 06:48, 21/01/2012
Tết cũng như ngày thường
Khác hẳn với đặc thù các khoa phòng khác, bệnh nhân điều trị lâu thì 1 vài tháng là về, nhưng Khoa Thận nhân tạo, bệnh nhân điều trị lâu nhất ở đây đã 17 năm. Mỗi tuần, mỗi bệnh nhân phải bảo đảm 3 lần lọc máu, người lọc thứ 2-4-6, người chọn thứ 3-5-7. Cơ sở vật chất chưa đủ, khiến mỗi ngày BV Bạch Mai phải tổ chức tới 4 ca lọc máu, trong đó ca cuối cùng trong ngày kéo dài từ 7h tối đến 12h đêm.
Các bệnh nhân tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Minh Thùy |
Nằm trên giường bệnh, bệnh nhân Dương Thu Vân ở Hòa Bình mắt rơm rớm xúc động khi nhận được món quà 300.000 đồng của một số bạn trẻ hảo tâm. Theo bệnh nhân Vân, chị bắt đầu chạy thận nhân tạo từ năm 2004. Bị suy thận mãn nhưng chồng mất, một mình nuôi 3 con nhỏ khiến chị không dám rời nhà ra Hà Nội thuê trọ, mà mỗi tuần 3 lần đi - về chặng đường Hà Nội - Xuân Mai (huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, quyền Trưởng khoa Thận nhân tạo, cách đây một tháng khoa đã họp nhân viên và bệnh nhân, bàn một "lịch tết" đủ để nhân viên y tế và bệnh nhân đều được nghỉ 2 ngày. "Ai cũng có gia đình, cũng muốn được đi chơi, nhưng đặc thù của khoa chúng tôi là lọc máu chu kỳ, không thể nghỉ, không thể bỏ buổi lọc nếu không muốn bệnh trở nặng. Trước đây tôi là bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, công việc thú vị hơn. Khi được phân công đến khoa này thì buồn vì bệnh nhân không bao giờ cười. Nhưng rồi làm mãi lại thấy yêu công việc của mình" - bác sĩ Dũng nói.
Tại Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115 Hà Nội, bác sĩ Đặng Thành Khẩn, Phó Giám đốc Trung tâm cho hay dù là Tết, các anh vẫn có 15 kíp trực, 15 xe cấp cứu sẵn sàng 24/24h. Là đơn vị làm việc quanh năm, kể cả lễ tết, bác sĩ Khẩn và các đồng nghiệp của anh đã rất quen với những ngày Tết ở cơ quan. Tết Tân Mão 2011, anh trực ngày 1 Tết, năm nay thì trực ngày mùng 2 tết, cứ thế xoay tua. Ở nhà, chị ấy và các con tự lo cho nhau, rồi dần dần cũng quen. Theo bác sĩ Khẩn, Tết là dịp các bệnh hen, tim mạch, huyếp áp, say rượu, ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện thình lình và các kíp trực luôn trong tư thế sẵn sàng khi người dân gọi.
Tết cẩn thận với bệnh dịch
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, những ngày giáp tết cùng lúc tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xuất hiện dịch viêm màng não do não mô cầu, một loại bệnh rất dễ lây lan do có thể lây qua đường hô hấp. Tại Hà Nội, bệnh nhân nữ là nhân viên bán hàng, đã tiếp xúc với nhiều người mua hàng rồi lại về Nam Định 7 ngày mới phát bệnh, nên tất cả người tiếp xúc với bệnh nhân đều đã được uống kháng sinh dự phòng. Tại TP Hồ Chí Minh, đã có khoảng 6.000 công nhân trong nhà máy nơi xuất hiện ổ dịch đầu tiên (phường Phú Mỹ, quận 7) được uống kháng sinh dự phòng. Ông Bình cho biết, trên thị trường đã có kháng sinh ngừa viêm màng não do não mô cầu, nhưng giới chức y tế cũng cân nhắc biện pháp này do văc xin hiện có không giống với type vi khuẩn gây bệnh thường gặp ở Việt Nam. Tuy nhiên, loại bệnh này khá nhạy cảm với kháng sinh, nên người tiếp xúc với ổ dịch có thể uống kháng sinh dự phòng. Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân đề phòng bệnh bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc, đặc biệt thường xuyên súc họng bằng dung dịch sát khuẩn, nước muối. Khi có biểu hiện sốt, ho, viêm họng cần chủ động cách ly, hạn chế tụ tập đông người. Khi có hiện tượng nhiều người nghi ngờ mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu, cần thông báo theo đường dây nóng của Sở Y tế trên địa bàn.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Bình, ngoài đề phòng viêm màng não do não mô cầu, dịch tay chân miệng tuy đã giảm so với thời gian cao điểm nhưng vẫn còn 1.000 ca mắc/tuần, rải rác ở 44 địa phương. Tại các tỉnh phía nam, tuy không phải cao điểm dịch sốt xuất huyết nhưng mỗi tuần đã có 700 ca mắc, nên người dân cũng cần đề phòng bệnh sốt xuất huyết. Mùa đông - xuân cũng là thời gian dễ lây lan các bệnh qua đường hô hấp tại các tỉnh phía bắc, như sởi, thủy đậu, viêm màng não do não mô cầu, vì vậy để ăn một cái Tết yên lành, cũng rất cần đề phòng dịch bệnh.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội về việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị y tế đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giám sát dịch bệnh. Các bệnh viện bảo đảm đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị sẵn sàng xử lý kịp thời, triệt để khi có dịch xảy ra. Đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, tập trung vào nhóm thực phẩm phục vụ Tết và bảo đảm an toàn thực phẩm tại những khu vực tổ chức lễ hội xuân. Trúc Linh |