Việc làm hợp lòng dân
Kinh tế - Ngày đăng : 07:27, 20/01/2012
Một trong những dự án đầu tiên được TP tập trung thực hiện là thu hồi hơn 1.500m2 đất tại số 53 phố Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) do một DN đang quản lý, sử dụng đất sai mục đích, để xây dựng trường mầm non công lập. Việc này nhằm xử lý cương quyết các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Đất đai, đồng thời chấn chỉnh công tác quản lý tài nguyên đất và hướng tới mục tiêu đưa quỹ đất vào sử dụng có hiệu quả.
Khu đất đang để làm bãi trông giữ xe ô tô. Ảnh: Tuấn Khải
Đất "vàng" để...bán bia, trông giữ ô tô
Khu đất 1.561m2 tại số 53 phố Lê Đại Hành (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng) được UBND TP Hà Nội giao cho Công ty Phát triển Hà Nội Cali hữu hạn quản lý, sử dụng từ năm 1995 với mục đích xây dựng công trình khách sạn - văn phòng cho thuê. Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (số E0373664), công ty đã liên doanh, liên kết với nhiều đơn vị góp vốn triển khai dự án. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà từ đó đến nay, mảnh đất này đã lần lượt được cho tư nhân thuê bán bia hơi và trông giữ xe ô tô... Ngay thời điểm các ngành chức năng của quận Hai Bà Trưng đến làm thủ tục nhận bàn giao, tại khu đất này vẫn còn vài chục xe ô tô đỗ ngay hàng thẳng lối. Đại diện UBND phường Lê Đại Hành cho biết, thiếu trường học nên học sinh phải học ghép trường trong khi một số khu đất trên địa bàn quận lại để hoang, sử dụng sai mục đích trong nhiều năm, gây bức xúc cho người dân địa phương. Kỳ họp HĐND nào, cử tri cũng kiến nghị các cấp chính quyền sớm thu hồi để xây trường hoặc làm công trình công cộng phục vụ nhân dân. Đây cũng là mong mỏi của chính quyền địa phương.
Ngày 17-1, thực hiện ý kiến chỉ đạo của TP, UBND quận Hai Bà Trưng đã tổ chức tiếp nhận khu đất nói trên. Theo ông Phan Tiến Bình, Chủ tịch UBND quận, cuối tháng 12-2011, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo ngay trong quý I-2012, UBND quận Hai Bà Trưng phải thực hiện các thủ tục đầu tư và khởi công công trình nhằm sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm học 2012-2013.
Cần rút ngắn quy trình, thủ tục
Ngay sau buổi tiếp nhận khu đất, ngày 17-1, UBND quận đã khoan thăm dò địa chất ngoài thực địa. Ông Trịnh Lê Đức (Ban Quản lý dự án quận Hai Bà Trưng - đơn vị chủ đầu tư) cho biết, công trình trường mầm non dự kiến có quy mô 4 tầng với mật độ xây dựng 40%, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 2.500m2. Chủ đầu tư cũng như các bộ phận chức năng của quận quyết tâm phấn đấu đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất và xây dựng công trình. Để dự án hoàn thành theo đúng tiến độ TP chỉ đạo là rất khó khăn, bởi thời gian từ nay cho đến ngày khai giảng năm học 2012-2013 không còn nhiều. Trước tình hình đó, UBND quận Hai Bà Trưng đã có văn bản kiến nghị TP chỉ đạo các sở, ngành liên quan xem xét, tạo điều kiện giúp quận được rút ngắn các quy trình thủ tục. Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường rút ngắn thời gian kiểm tra, thẩm định bản đồ đo đạc hiện trạng khu đất (theo quy định hiện tại là 25 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ); Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội rút ngắn thời gian lập bản vẽ xác định chỉ giới đường đỏ, cấp số liệu kỹ thuật (theo quy định là 12 ngày làm việc) làm cơ sở để UBND quận phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình; Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội rút ngắn thời gian thẩm duyệt hồ sơ thiết kế PCCC công trình (theo quy định là 20 ngày làm việc)…
Cũng theo ông Phan Tiến Bình, ngoài khu đất 53 phố Lê Đại Hành, UBND TP đã thống nhất xác định một số địa điểm triển khai đầu tư xây dựng trường mầm non công lập trên địa bàn quận ngay trong năm 2012, gồm khu đất số 66 ngõ Vân Hồ 3 do Công ty Chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hà Nội quản lý, sử dụng (880m2); khu đất tại số 63 ngõ Quỳnh do Công ty Đầu tư Việt Hà quản lý, sử dụng (1.313m2); khu đất tại ngõ 272 phố Trần Khát Chân trước đây là Trạm Y tế phường Thanh Nhàn (460m2). Đây là chủ trương phù hợp với nguyện vọng của người dân địa phương.
Tại văn bản số 378/TB-UBND ngày 23-11-2011 về đầu tư xây dựng trường mầm non công lập trên địa bàn TP, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, đây là các dự án dân sinh bức xúc, trong tổ chức thực hiện cần linh hoạt vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách; tăng cường cải cách hành chính trong GPMB, thu hồi đất, lập quy hoạch, bố trí vốn, lập và thiết kế kỹ thuật…