Một góc Thái Lan sau cơn hồng thủy
Thế giới - Ngày đăng : 07:24, 20/01/2012
Trong dòng xe hơi đi lại như mắc cửi, đoàn nhà báo Việt Nam tìm đến Trung tâm Hội chợ - Triển lãm Muang Thong Thani cách Bangkok chừng nửa giờ chạy xe. Tại đây đang diễn ra Hội chợ Đầu tư nước ngoài (BOI) với sự tham gia của hầu hết các tập đoàn công nghiệp hàng đầu Thái Lan và quốc tế đang làm ăn tại xứ Thái. Hội chợ lẽ ra được tổ chức trong năm 2011, nhưng đã phải lùi sang năm mới 2012 này vì lũ lụt. Đây có thể coi là nỗ lực đầu tiên nhằm khẳng định Thái Lan vẫn là một điểm đến đáng tin cậy của các nhà đầu tư và du khách nước ngoài sau thiên tai cũng như các xáo trộn xã hội năm qua.
Nhà cứu hộ hình hạt gạo của SCG. |
Tại góc được cho là sôi động nhất Thái Lan suốt hai tuần qua, khu triển lãm của Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) với chi phí lên tới 100 triệu bath là điểm thu hút ấn tượng nhất với cánh báo chí nước ngoài. Trên diện tích khoảng 500m2, khuôn viên triển lãm SCG là một thế giới thu nhỏ của những công nghệ tiên tiến và tiện ích nhất về vật liệu xây dựng và trần thiết một không gian ở cho con người và vì con người. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG Kan Trakulhoon cho biết, SCG rất vui mừng khi tham gia Hội chợ BOI với chủ đề "Bảo vệ môi trường vì tương lai" theo đúng định hướng phát triển của Thái Lan về kinh tế, xã hội và môi trường và cũng phù hợp với mục tiêu trở thành tập đoàn hàng đầu ASEAN về phát triển bền vững vào năm 2015 của SCG". Như vậy, hai từ "định hướng" không chỉ là sản phẩm mà có người ngỡ là của riêng Việt Nam. Xem ra, xứ Thái đã định hướng phát triển đất nước đến tận các bộ phận cấu thành nhỏ nhất của nền kinh tế.
Hạt gạo khổng lồ được SCG trưng bày gợi tò mò nhất với tôi khi đến triển lãm này. Thái Lan là Vương quốc xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới khiến tôi để ý đến hạt gạo. Thì ra, đây không phải là một ý tưởng quảng cáo cho gạo Thái được không ít các bà nội trợ Việt Nam hâm mộ. SCG đã biến cảm hứng từ hạt gạo với sự hỗ trợ của các kiến trúc sư danh tiếng và các kỹ sư vật liệu thành Nhà Shield-Life (SL) - hầm cứu hộ - như một nơi ẩn nấp an toàn trong các trận động đất. Nhà Shield-Life xem ra khá lý tưởng cho các vùng đang trải qua biển đổi khí hậu hoặc đang hứng chịu thiên tai, nhất là động đất và cần nơi ẩn trú tạm thời. Còn theo quan sát trực tiếp của chúng tôi thì một người Châu Á tầm thước có thể nằm ngồi khá thoải mái trong hạt gạo này để chờ đội cứu hộ. Trong Shield-Life có các thiết bị tối thiểu như radio, nước uống, thiết bị phát âm thanh... và một mảng pin mặt trời được thiết kế để đủ ánh sáng ít nhất 48 giờ...
Vội trở lại sân bay sau chuyến đi ngắn ngủi 48 giờ tới Bangkok với ấn tượng về hạt gạo của SCG. Và BOI dù chỉ là một góc của xứ Thái sau cơn lũ cũng đủ tạo sự chia sẻ gần gặn đến bất ngờ giữa các quốc gia trong khối ASEAN.