Người hùng của tình báo Xô Viết

Hồ sơ - Ngày đăng : 07:21, 20/01/2012

(HNM) - Gevork Vartanian, cựu điệp viên huyền thoại thời Liên Xô cũ, người từng đập tan âm mưu ám sát các nhà lãnh đạo Anh, Mỹ và Nga cách đây gần 70 năm, vừa qua đời ở tuổi 87.


G.Vartanian sinh ngày 17-2-1924 tại thành phố Rostov bên sông Đông ở miền Nam nước Nga. Cha G.Vartanian là Andrey Vartanian, công dân Armenia gốc Iran, chủ một xưởng ép dầu. Khi cả gia đình Vartanian chuyển tới sống tại Iran vào năm 1930, G.Vartanian mới tròn 6 tuổi. Thực tế, Andrey Vartanian là một điệp viên của tình báo đối ngoại Xô Viết, tới sống tại Iran theo yêu cầu của nhiệm vụ được giao và ông nhanh chóng trở thành một thương gia thành đạt và nổi tiếng tại Iran.

G.Vartanian chính thức bước vào sự nghiệp của một điệp viên theo bước chân người cha vào năm 16 tuổi khi Iran đang trong bối cảnh hết sức phức tạp. Ngay trước Chiến tranh thế giới thứ II, quốc gia này đóng một vai trò rất quan trọng trong các kế hoạch của Quốc trưởng nước Đức phát xít Adolf Hitler. Ngoài vai trò là nguồn cung cấp dầu mỏ vô tận, Iran còn là một nút giao thông chiến lược trên lộ trình tới Afghanistan và sau đó là Ấn Độ, nơi Hitler dự định sẽ xua quân đánh chiếm sau khi "thanh toán" xong Liên Xô.

Nhiệm vụ đầu tiên G.Vartanian (mật danh Amir) được giao phó là xây dựng một nhóm bạn đồng lứa tin cậy để giúp các đồng nghiệp trong hoạt động tình báo, cũng như theo dõi tay chân của phát xít Đức tại Iran. Ban đầu, cậu đã tuyển mộ được 7 người bạn trẻ trong quá khứ cũng xuất thân từ Liên Xô, có tinh thần yêu nước, sẵn sàng chống chủ nghĩa phát xít. Nhóm điệp viên trẻ của Amir được thành lập mà hầu như không được qua đào tạo về nghiệp vụ, tất cả chỉ là tự học hỏi và rút kinh nghiệm trong quá trình hoạt động. Giai đoạn đầu, nhóm được các điệp viên Xô Viết kỳ cựu tại Iran gọi đùa là "Kỵ binh nhẹ", cái tên về sau đã gắn liền với họ trong suốt nhiều năm hoạt động sau đó.

Tuy là một nhóm điệp viên mới, song khó có thể kể hết những chiến công mà "Kỵ binh nhẹ" đã đóng góp cho tình báo Xô Viết tại Iran. Chỉ trong hai năm đầu tiên hoạt động, nhóm đã giúp xác minh không dưới 400 đối tượng có quan hệ với các cơ quan mật vụ phát xít Đức. Đặc biệt, vào tháng 11-1943, nhà lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin, Tổng thống Mỹ Franklin D.Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill lập kế hoạch tổ chức một hội nghị ở Tehran. Biết thông tin về cuộc gặp, Adolf Hitler ra lệnh thực hiện chiến dịch ám sát 3 nhà lãnh đạo đồng minh với tên gọi "Bước nhảy dài". "Kỵ binh nhẹ" đã nhanh chóng phát hiện các điệp viên Đức tới Tehran và phá vỡ chiến dịch của Hitler. Chiến công này là một phần cảm hứng cho bộ phim nổi tiếng "Tehran năm 1943".

Tháng 6-1946, G.Vartanian kết hôn với Goar - em gái một người bạn thân. Hai người và nhóm "Kỵ binh nhẹ" đã cùng nhau hoạt động tại Iran một thời gian dài. Đến năm 1951, vợ chồng G.Vartanian được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ. Cả hai tu nghiệp tại Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Tổng hợp Erevan. Sau thời điểm này, ông bà Gevork lại tiếp tục bên nhau trong những điệp vụ tại Iran, Italia, Pháp, Hy Lạp và nhiều nước khác liên tục hơn 30 năm nữa. Họ đã kết hôn nhiều lần tại nhiều nơi để tạo vỏ bọc trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Cặp điệp viên huyền thoại trở về Liên Xô sau chuyến công tác cuối cùng vào mùa thu năm 1986. Vài tháng sau, Goar nghỉ hưu, còn G.Vartanian tiếp tục làm việc cho đến năm 1992.

Ngay cả khi đã nghỉ hưu, G.Vartanian vẫn cống hiến tài trí cho Cục Tình báo đối ngoại Nga (SVR) và tham gia đào tạo các nhân viên tình báo trẻ tuổi. Với những đóng góp không mệt mỏi, G.Vartanian là điệp viên đầu tiên được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Dù có nhiều chiến công, nhưng mãi tới những ngày cuối cùng của thế kỷ XX - ngày 20-12-2000, cũng là dịp kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống, SVR mới chính thức "mở" hồ sơ về gia đình điệp viên lão thành này. Nhờ đó, người dân Nga mới được biết về người hùng thầm lặng G.Vartanian cùng nhóm " Kỵ binh nhẹ" của ông.

Quỳnh Chi