Bài 3: Đất lành chim đậu

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:29, 20/01/2012

(HNM) - Xã Thổ Châu (thuộc đảo Thổ Chu, huyện Phú Quốc), hiện có hơn 5.000 dân cư ngụ, đó là chưa kể tới hàng trăm ghe thuyền của ngư dân các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi... đánh bắt hải sản rồi về neo đậu ở bến Giồng. Cuộc sống ồn ào, náo nhiệt trên bờ, dưới biển, ấy thế mà một thời, Thổ Chu không còn một người dân...

Nỗi đau dân lành

Chỉ ba ngày sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, lính Pôn Pốt đã đổ bộ lên đảo Phú Quốc bắn giết dân lành. 9 ngày sau đó, ngày 10-5-1975, chúng lại gây hấn, đổ quân lên đảo Thổ Chu giết chết hơn 500 dân lành, trong đó có cả trẻ mới sinh. Đã 37 năm qua nhưng nỗi đau chưa nguôi và cho đến hôm nay, người ta mới rục rịch dự án xây bia căm thù. Còn tại xã An Sơn (nằm trên đảo Hòn Lớn thuộc quần đảo Nam Du) ngay sát cầu tàu, một nhà tưởng niệm 460 người chết khi cơn bão số 5 (bão Linda) tràn qua trong ngày 2 và 3-11-1997. Bão số 5 còn làm bị thương 335 người, nhấn chìm 3.210 tàu thuyền lớn nhỏ và 119 tàu thuyền mất tích, làm tốc mái và sập hàng nghìn ngôi nhà. Cho đến hôm nay, khi hỏi về cơn bão này nhiều người vẫn mắt đỏ hoe. Họ nói rằng ngư dân ở đây chỉ biết một năm có mùa Bấc (gió Bấc hay còn gọi là gió chướng) và mùa Nồm (gió Nam) và hầu như không bao giờ bị bão thế nên sau cơn bão ấy, nhiều gia đình bất ngờ và đã vĩnh viễn mất người thân. Ngư dân Nguyễn Văn Thành chia sẻ với tôi, cơn bão số 5 là bài học đắt giá cho ngư dân ở biển Tây Nam khi mất cảnh giác với bão.

Dạy chữ cho trẻ em trên đảo Hòn Chuối.

Sống khỏe, nếu không lười biếng

Có lẽ không một vùng biển nào ở Việt Nam dồi dào tôm cá như biển Tây nam. Vì thế mà ngư dân các tỉnh tập trung về đây khai thác rất đông. Không chỉ trên đảo nhộn nhịp bởi hàng quán, các cơ sở chế biến hải sản san sát nhau mà trên biển cũng rất nhộn nhịp đầy sức sống. Ông Thản ở xã Thổ Châu nói: "Anh đến sớm mấy bữa sẽ thấy ghe thuyền đậu chen chúc đến nhức mắt, giờ ngư dân Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi... đã giong thuyền về quê ăn Tết gần hết rồi". Tại Hòn Lớn, Hòn Đốc tôi cũng nghe dân nói như vậy.

Ông Bùi Văn Sáu quê ở xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu (Nghệ An) hiện là Chủ tịch Nghiệp đoàn bốc xếp ở cầu tàu Hòn Lớn đến đây sinh sống từ năm 1993 nói rằng "Đừng lười biếng thì làm gì cũng sống khỏe". Ông Sáu có người anh là sỹ quan ra đa đóng quân ở Hòn Lớn, thấy em ở quê nhà quá vất vả mà cuộc sống khó khăn trăm bề đã khuyên em đến đảo. Không cần suy nghĩ, ông Sáu quyết định bốc cả gia đình. Ban đầu lạ nước lạ cái cũng vất vả, đi biển thì không có thuyền, làm dịch vụ thì ít vốn, có lúc người ta rao bán kem, bánh trước cửa nhà, ông đã phải bế con nhỏ ra phía sau rồi bịt tai con lại để nó khỏi đòi. Rồi đời sống dân đảo khá lên, ông nhận thầu xây dựng và kinh tế đi lên. Bây giờ có tuổi ông làm nghiệp đoàn bốc xếp, thu nhập trung bình 1 tháng gần 5 triệu đồng, lại có quán cà phê và nhà cho thuê. Cạnh quán cà phê của vợ chồng ông Sáu là nhà chị Út Đèo, thuê lại một gian với giá 400.000/tháng. Vốn là dân ở Hòn Sơn rất gần bờ khiến việc đánh bắt khó khăn nên gần hai năm nay chị cùng chồng và hai con trai đến Hòn Lớn. Vì ghe nhỏ nên chồng chị chọn nghề câu mực ngày. "Hôm trúng thì được hơn triệu đồng còn gặp hôm xui thì chỉ được 6 đến 7 trăm thôi", Út Đèo giãi bày. Con trai chị 17 tuổi thì đi làm công trên ghe lớn, cơm chủ nuôi, còn tiền công mỗi ngày là trăm rưởi. Út Đèo nói, từng ấy đủ chi tiêu trong ngày cho cả gia đình.

Nếu ít vốn có thể bán kem dạo hay nấu rượu, ngày nấu một nồi, tháng cũng kiếm được dăm triệu. Giàu có nhất xã An Sơn bây giờ là ông Quý "kem". Sở dĩ người ta gọi như vậy vì khi từ Thái Bình vào lập nghiệp, ông bắt đầu bằng việc bán kem. Công việc này cho ông đủ ăn nhưng không thể giàu và khi nhận thấy ngư dân rất thiếu chất chít thuyền thúng, ông Quý bỏ nghề bán kem vào bờ mua phân trâu, phân bò và mùn cưa rồi chở ra đảo. Chở ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu và ông giàu lên nhờ cái nghề này. Khi ngư dân không còn sử dụng thuyền thúng, ông chuyển sang làm dịch vụ và hiện tại ông còn bỏ vốn mua bất động sản ở tận tỉnh Bình Dương. Khi đến Hòn Khoai, những chiếc ghe nhỏ chở chúng tôi từ tàu lớn vào bờ, tôi ngạc nhiên vì đảo không dân mà có tới 2 quán cà phê, một của vợ Trưởng đồn Biên phòng 700, Thượng tá Phạm Xuân Thịnh và một của vợ phó giám đốc cảng. Cà phê đá chỉ có 8.000 đồng/ly và khách hàng thường không phải là bộ đội biên phòng hay hải quân mà là ngư dân ghé đảo xin nước ngọt.

Ngư dân ra biển đơn giản như dân thành thị đi xe máy ra phố. Và chỉ cần chiếc thuyền nhỏ, trên có cần câu mực hay vài trăm mét lưới thì chiều về tệ nhất cũng kiếm được năm bảy trăm ngàn đồng. Đánh bắt trên biển có hàng chục kiểu và tùy theo điều kiện kinh tế và bí truyền mà có người chuyên câu mực, có người chuyên đánh ghẹ, người chuyên giăng lưới rục... Tuy nhiên, chỉ có ở biển Tây nam mới đánh bắt theo kiểu giăng đăng (ngư dân Cà Mau gọi là đóng hàng khơi). Sự giao thoa giữa biển Đông và biển Nam luôn tạo ra những dòng chảy ngầm và tôm cá thường lợi dụng con nước để di chuyển, điều này là cơ hội cho ngư dân giăng đăng. Và bắt cá kiểu này chỉ có ngư dân Trà Vinh mới làm được. Từ Hòn Chuối về Nam Du, đăng giăng tới hàng vài chục cây số cho cảm giác biển rất nông nhưng thực ra sâu trên dưới 20m. Cọc đăng là cây Nhum (có người gọi là cây Kè), loại cây chỉ mọc ở rừng Đông Nam bộ. Cây Nhum thẳng, đốt như cây cau và dài 20-25m. Nhờ có bí quyết nên họ có thể đóng cây Nhum xuống đáy biển, neo dây nên sóng có to cũng không đổ.

Từ cọc này đến cọc kia khoảng 4-5m, giữa hai cọc là một miệng lưới. Tôm cá theo dòng chảy đã chui vào là không thể ra được. Nhưng kính nể hơn là họ làm chuồng cu (cánh hải quân hay gọi là chùa Một Cột) trên một chiếc cọc Nhum để ngủ và canh đăng. Và nếu 4 người nhậu say nhỡ có quậy, chuồng cu cũng không nghiêng ngả.

Vẫn còn khó khăn

Đầu tiên phải kể đến yếu tố khí hậu, vào mùa gió bấc (khoảng từ tháng 11 đến tháng 4) khi biển động gió thổi mạnh, sóng cao nên tàu thuyền phải kéo sang mặt tây nam để tránh. Đến mùa gió nồm (từ tháng 5 đến tháng 11), mặt biển phía Tây nam nổi sóng nếu biển động nên ngư dân lại neo thuyền ở phía đông bắc. Việc ngư dân đậu ghe thuyền theo mùa gió khiến dân làm dịch vụ trên bờ cũng phải chạy theo và thế là buộc họ phải có 2 nhà.

Điều đáng mừng là vài năm trở lại đây, Đảng và Nhà nước đầu tư đáng kể cho các xã đảo. Thổ Châu bây giờ đã có trạm xá khang trang với 2 bác sĩ, trường học từ mẫu giáo đến trung học cơ sở, chợ búa buôn bán sầm uất, đã có điện và hệ thống thông tin truyền thông thông suốt… Nhờ vậy, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ trên đảo được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, ở các xã đảo khác thì chưa có trạm y tế, dân bị bệnh cấp tính vẫn phải đưa vào bờ. Ngay như An Sơn là xã đông dân mà vẫn chưa có trường PTTH, đời sống tinh thần trông chờ cả vào chiếc ti vi.

Nguyễn Ngọc Tiến