Hình ảnh về Hà Nội một thời
Xã hội - Ngày đăng : 07:03, 19/01/2012
Ý tưởng cuộc triển lãm bắt đầu từ Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, hai nhà nghiên cứu lịch sử của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp là Phillipe Le Failler và Olivier Tessier đã nhanh chóng lên ý tưởng cho cuộc triển lãm thú vị này. Các nguồn tư liệu được huy động như bản vẽ, bản đồ, tranh ảnh… được lấy ở Trung tâm lưu trữ quốc gia, Thư viện quốc gia, Viện Thông tin khoa học xã hội; Trung tâm lưu trữ Hải ngoại Aix-en Provence, Thư viện quốc gia Pháp, Viện Viễn Đông Bác Cổ… Chỉ trong khoảng hơn một tháng, các học giả Pháp và hai nhà nghiên cứu đã làm việc suốt ngày đêm và hoàn thành triển lãm đáng quý này. Đây là sản phẩm quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Viện Viễn Đông Bác Cổ và Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.
Phải nói rằng các nhà nghiên cứu đã làm việc hết mình và rất khoa học. Người xem được thấy những hình ảnh gốc hoặc gần với bản gốc nhất về Hà Nội. Không gian triển lãm có 5 phần, để công chúng dễ tiếp cận hơn với những tư liệu quý. Hà Nội thế kỷ XIX đến năm 1873: Hà Nội, thủ phủ cùng tỉnh cùng tên, là những gì về Hà Nội nguyên bản nhất, phương Đông nhất. Đến giai đoạn 1873-1897, đây là thành phố của Việt Nam và có những quy hoạch đầu tiên kiểu Châu Âu. Giai đoạn 1897-1906: thời của những nhà xây dựng, vật chất văn hóa quyền lực công trong không gian đô thị, cho thấy một sự chuyển giao với nhiều phá hủy. Từ 1906 -1940: Hà Nội phát triển với mật độ dân số đông hơn, nhiều quận mới ra đời mang phong cách khá hiện đại. Hà Nội những năm 1940-1945 là một thành phố lớn với quy hoạch đầy đủ và gần giống ngày nay. Chỉ hơn nửa thế kỷ nhưng đây là thời điểm rất quan trọng để Hà Nội chuyển từ đô thị truyền thống sang đô thị hiện đại. Một phần di sản đất Kẻ Chợ được bảo tồn, nhưng phần lớn đã biến đổi. Diện mạo của đô thị Hà Nội từ đây có sự pha trộn và quyện chặt với nhau giữa cũ - mới, cổ truyền - hiện đại, Việt Nam - phương Tây và mang tính đa dạng đến tận ngày nay.
Các tác phẩm được sắp xếp rõ ràng từ bản vẽ đến ảnh thật; từ thiết kế trên giấy đến những công trình con người sử dụng khi đó, giúp người xem có nhiều so sánh và liên tưởng. Có những di sản nguy nga như Cột cờ Hà Nội và cũng có những di sản vô cùng bí ẩn như chùa Bà Đá ở phố Nhà Thờ. Có những hình ảnh thuần Việt như chùa Trấn Vũ và có những công trình hiện đại đến tận ngày nay vẫn còn nguyên giá trị như Nhà hát Lớn. Thú vị nhất là các bản đồ, từ những bản vẽ sơ khai nhất cho đến những ảnh chụp chi tiết từng ngõ ngách Hà Nội xưa cho ta thấy rõ những đổi thay, lớn dần của Thủ đô. Tuy nhiên, nhắc đến Hà Nội không thể bỏ quên "người Hà Nội" - linh hồn của Thủ đô. Triển lãm dành nhiều trưng bày hình ảnh chân thật về từng tầng lớp đang sinh sống, làm việc nơi đây.
Ông Phillipe Le Failler nói rằng, ông cùng đồng nghiệp thực hiện triển lãm này bởi tình yêu với nơi đây, với những di sản vĩnh cửu của Hà Nội mà ông mong muốn mọi người dân hiểu rõ giá trị của chúng để giữ gìn.