Bài 2: Lưu dấu người Việt

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:55, 19/01/2012

Xẩm tối một ngày tháng 3-1983, người dân đi đánh cá ở xã Tiên Hải huyện Kiên Hải phát hiện một chiếc xuồng cao tốc lạ chạy về hướng đảo Hòn Tre, sau đó thấy xuồng ghé vào mũi Minh Kiến nên về báo công an xã....

Xẩm tối một ngày tháng 3-1983, người dân đi đánh cá ở xã Tiên Hải huyện Kiên Hải phát hiện một chiếc xuồng cao tốc lạ chạy về hướng đảo Hòn Tre, sau đó thấy xuồng ghé vào mũi Minh Kiến nên về báo công an xã. Ngay lập tức công an xã tổ chức nhiều mũi truy tìm và khi tới mũi Minh Kiến, một nhóm nhìn thấy chiếc xuồng nhưng không có người. Lần theo mùi lạ (mùi thuốc chống muỗi), công an xã đã phát hiện ra hai "ông" Tây cởi trần đang nằm trong rừng. Khi công an tỉnh Kiên Giang thẩm vấn, một người khai tên là Frederick Kurt Graham (quốc tịch Mỹ) còn người kia là Richard Knight (quốc tịch Anh). Tang vật thu được gồm hai máy bộ đàm, hai máy ảnh, một máy quay phim cùng bản đồ, hải đồ và các công cụ khác. Frederick và Richard khai do họ tìm thấy tấm bản đồ từ thế kỷ XVII chỉ dẫn kho báu trên giá sách của gia đình nên đã mạo hiểm đến Việt Nam tìm kiếm. Tấm bản đồ đánh dấu vị trí kho báu nằm ở thung lũng giữa hòn núi. Việc có kho báu ở Hòn Tre nghe có vẻ có lý vì cướp biển từng hoành hành khu vực này vào thế kỷ XVII. Song sự kiện trên cho thấy Hòn Tre đã có người Việt ở, cho dù là hải tặc.

Bến Ngự nơi có Giếng Vua trên Hòn Lớn, thuộc quần đảo Nam Du.


Quần đảo Hải Tặc và hải đăng trên Hòn Khoai

Cho đến hôm nay, những người sống lâu năm ở Hòn Đốc cũng chỉ nghe nói lờ mờ về băng cướp biển có tên là "Cánh buồm đen" đầu thế kỷ XIX, còn nạn cướp biển từ thời Mạc Thiên Tích (1718-1780) thì họ hầu như không biết. Theo các nhà nghiên cứu, đầu thế kỷ XVIII, Hòn Đốc là căn cứ của các toán cướp biển vì Hòn Đốc nằm ở vị trí xung yếu trên tuyến đường biển từ vịnh Hà Tiên - Rạch Giá đi Campuchia và Thái Lan. Hải tặc cướp các tàu buôn của người Anh, Tây Ban Nha, Trung Hoa... chở hàng từ Thái Lan sang Campuchia, Việt Nam và ngược lại. Năm 1735, khi Mạc Thiên Tích được Chúa Nguyễn cho nối nghiệp cha (Mạc Cửu) với chức vụ Hà Tiên trấn Đại đô đốc thì trong nhiều năm ông là người có công canh giữ đất Hà Tiên cùng vùng biển đảo Tây Nam trước sự nhòm ngó của vua Xiêm (Thái Lan) và các toán cướp biển. Nhưng khi Mạc Thiên Tích bị vua Xiêm đánh bại thì vùng biển này bị bỏ trắng và cướp biển hoành hành. Thậm chí khi thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây năm 1867, quân Pháp cũng không dẹp nổi cướp biển, có lẽ vì thế mà khi lập bản đồ Việt Nam, họ đã đặt cho quần đảo này cái tên là Hải Tặc. Quần đảo Hải Tặc có 14 đảo bao gồm: Hòn Kèo Ngựa, Hòn Kiến Vàng, Tre Lớn, Tre Vàng, Hòn Gụi, Hòn Ụ, Hòn Giang, Hòn Rơ, Hòn Đước, Hòn Bò Đập, Hòn Đồi Mồi... nhưng lớn nhất là Hòn Đốc (người dân gọi là Hòn Tre). Hòn Đốc chỉ cách đảo nhỏ của Campuchia chưa đến 4 cây số. Tại đây, hiện vẫn còn tấm bia do chế độ Việt Nam Cộng hòa dựng ngày 28-7-1958 ghi rõ "Hòn Đốc thuộc quần đảo Hải Tặc nằm trên Vĩ tuyến 10o10'B, Kinh tuyến 104o20'Đ".

Một dấu tích khác của thực dân Pháp cho đến ngày nay còn thấy ở Hòn Khoai chính là hải đăng. Ngọn hải đăng này có tháp đèn cao 15,7m nằm trên độ cao 318m so với mặt nước biển, vào đêm đẹp trời tàu thuyền cách xa đảo gần 27 hải lý vẫn có thể thấy ánh sáng phát ra. Ban đầu trực hải đăng là người Pháp, đến đầu thế kỷ XX thì đã có người Việt trực hải đăng.

Giếng Vua ở Hòn Lớn

Từ cầu cảng của Hòn Lớn (xã An Sơn, thuộc quần đảo Nam Du), theo tay trái ven theo con đường bê tông nhỏ bám ven  bờ biển rồi lên con dốc khá cao, rẽ tay phải là ra bến Ngự. Những thân dừa cao vút trĩu quả che chở những ngôi nhà xây xinh xinh. Bến Ngự lọt thỏm trong chiếc vịnh nhỏ nên che chắn và mang lại an toàn cho hàng trăm con thuyền trong mùa gió Nam. Ngay đầu bến Ngự, bên tay trái có một cái giếng, đường kính miệng chừng 1,5m, xếp đá từ đáy lên đến miệng, nước trong vắt và xâm xấp mặt đường đi. Dù chỉ cách mép nước biển chừng vài chục mét, song nước giếng không có vị mặn hay lờ lợ như nước ở các giếng vùng ven biển khác, nước ngọt như nước trong đất liền. Dân An Sơn gọi là Giếng Vua.

Trở lại câu chuyện từ thế kỷ XVIII, vào năm 1775, quân Tây Sơn của Nguyễn Huệ từ Bình Định kéo vào đánh chiếm Gia Định, quân lính Chúa Nguyễn chạy tan tác, quân Tây Sơn bắt được Thái thượng Vương Nguyễn Phúc Thuần và xử trảm. Năm 1777, quân Tây Sơn lại bắt được Tân chính Vương Nguyễn Phúc Dương và anh ruột của Nguyễn Ánh là Nguyễn Phúc Đồng, cả hai bị chém đầu cùng nhiều thành viên của gia đình Chúa Nguyễn. Để có thủ lĩnh chống lại quân Tây Sơn, năm 1788, các tướng lĩnh đã tôn Nguyễn Ánh làm Đại nguyên soái Nhiếp chính quốc và 2 năm sau, tháng 1-1780, Nguyễn Ánh xưng vương, lúc này ông ta mới 18 tuổi. Những năm 1882, 1883 quân Tây Sơn liên tục truy lùng Nguyễn Ánh. Để giữ tính mạng và chờ thời cơ trả thù, Nguyễn Ánh đã trốn tránh tại nhiều tỉnh và không ít lần phải ra đảo. Và một lần đến Hòn Lớn thì nước ngọt trên thuyền đã hết, Nguyễn Ánh đi một vòng quanh đảo rồi dừng lại ở vị trí giếng hiện nay, rút gươm ra khỏi vỏ cắm mạnh xuống đất, lạ thay lưỡi gươm ngập gần đến cán cho dù đất ở đây rất cứng và nhiều đá. Khi Nguyễn Ánh rút gươm lên thì một dòng nước trào ra, ông nếm thử và thấy không có vị mặn. Nghĩ trời thương nên Nguyễn Ánh sai thuộc hạ lấy tâm là chỗ nước phun đào thành giếng rồi cho kè đá xung quanh. Giếng Vua hôm nay theo dân An Sơn vẫn y như hồi Nguyễn Ánh cho đào. Họ cũng kể rằng một lần, một người đàn bà trong đoàn tùy tùng khi đi lấy nước, mỏi chân đã ngồi lên miệng giếng, bỗng nhiên nước trong giếng cạn kiệt, mạch nước chỉ ri rỉ không múc nổi. Thấy vậy, Nguyễn Ánh sai lập đàn cầu khấn và linh thay, khi chắp tay vái lạy xong thì mạch nước lại tuôn trào, giếng lại đầy như trước. Cho đến hôm nay đàn bà, con gái bến Ngự không bao giờ dám ngồi lên thành giếng. Câu chuyện Giếng Vua dù có hư cấu nhưng chuyện Nguyễn Ánh chạy ra ẩn náu ở Hòn Lớn là có thật.

Và sau này...

Ngay trước Đồn Biên phòng 700 trên Hòn Khoai có một tấm bia di tích cách mạng. Từ năm 1940, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã quyết định thành lập chi bộ Đảng tại đây do đồng chí Phan Ngọc Hiển làm Bí thư, để gây dựng cơ sở, phát động phong trào cách mạng. Ngày 12-12-1940, ông Bông Văn Dĩa (sau này là một trong những người đầu tiên mở đường mòn Hồ Chí Minh trên biển Đông) được Tỉnh ủy Bạc Liêu giao nhiệm vụ ra đảo trao nghị quyết của tỉnh quyết định khởi nghĩa ở Hòn Khoai cho ông Bí thư Phan Ngọc Hiển. Ngày hôm sau, ông Bông Văn Dĩa cùng Ngô Kính Luận và Dương Thị Quýt đã tổ chức đánh chiếm đồn trên đảo và ngày 14-12-1940 thì giành chiến thắng. Như vậy là Hòn Khoai đã có dân sinh sống trước đó. Cách Hòn Khoai gần 50 hải lý là Hòn Chuối, năm 1972, ông Kim Ngọc Trân và Nguyễn Văn Mè, dẫn vợ con từ đất liền ra hòn này để trốn lính cho con và hai người đã trở thành cư dân đầu tiên sống trên Hòn Chuối vốn không có nước ngọt.

(Còn tiếp)

Nguyễn Ngọc Tiến