Hoa Tết ở Sài Gòn

Xã hội - Ngày đăng : 07:04, 18/01/2012

(HNM) - Bến Bình Đông - kênh Tàu Hủ (quận 8), con đường lúa gạo của Sài Gòn xưa - những ngày áp Tết trở thành bến hoa, tấp nập ghe thuyền từ các nơi cập bến. Chợ hoa "trên bến, dưới thuyền" này quy tụ nhiều làng hoa, cây cảnh nổi tiếng của miền Tây như Chợ Lách (Bến Tre), Sa Đéc (Đồng Tháp), Bà Bộ (Cần Thơ)...

Quãng 9 giờ sáng, sau nửa ngày rong ruổi, chiếc ghe của ông Nguyễn Đức (xã Vĩnh Thạnh, huyện Chợ Lách, Bến Tre) tấp bến Bình Đông. Ba thành viên trong gia đình nhanh chóng ai vào việc nấy. Ông Đức và cậu con trai hì hục bê từng giò hoa giấy, chậu mai từ trong hầm ghe lên bờ. Lau vội mấy giọt mồ hôi rịn trên trán, giọng ông rổn rảng: "Tôi có hơn trăm chậu mai nở hoa đúng dịp Tết và một ít cây kiểng khác. Năm nay giá cả cái gì cũng đắt nên so với năm ngoái chắc phải bán tăng 20-30% mới có lời".

Chợ hoa Tết tại TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Đức, hầu hết các gia đình trồng hoa ở Chợ Lách đều theo nghiệp "cha truyền con nối". Công đầu khai phá nghề trồng hoa, cây cảnh ở đây thuộc về hai ông Phan Văn Minh và Trương Vĩnh Ký (Pétrus Ký) ở xã Vĩnh Thành. Từ hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, hai ông đã mang một số giống cây mới từ những chuyến công du các nước lân bang về trồng. Hiện nay, cùng với vùng hoa Sa Đéc, Chợ Lách được xem là một trong hai vựa hoa, cây cảnh nổi tiếng nhất miền Tây. Không chỉ hoa, các nghệ nhân Chợ Lách đã nghĩ ra việc làm các loại kiểng (cây cảnh) thú, kiểng hình để trưng dịp Tết tùy năm đó thuộc con giáp nào. Sản phẩm ở đây rất đa dạng, giá thành phù hợp đủ mọi đối tượng, từ người chơi ít tiền đến các đại gia mới nổi.

Làng hoa Tân Qui Đông (thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) cũng nổi danh không kém khi quy tụ hàng trăm loại "kỳ hoa, dị thảo". Hầu hết các loại cây cảnh quý hiếm đều tụ về đây. Ngay cả những loại cây bình dị như: khế, cau, sung, si, mai, bùm sụm... nhờ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân cũng trở thành những cây kiểng quý, có hình dáng đẹp, lạ. Hàng năm, làng hoa cung cấp cho thị trường trong nước hơn 7 triệu giỏ hoa, nhiều nhất là hoa hồng, cúc mâm xôi, vạn thọ, thược dược... và hơn 15.000 chậu cảnh các loại. Hiện làng có đến 1.800 hộ trồng hoa với khoảng 308ha, doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm. Hoa, cây cảnh ở đây không chỉ cung cấp cho thị trường nội địa ở Đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung mà còn xuất đi các nước lân cận như Lào, Campuchia, Trung Quốc.

Theo ông Ba Hà, người có hơn 30 năm trồng hoa của xã Vĩnh Hòa (huyện Chợ Lách, Bến Tre), năm 2012 là năm con rồng nên ngoài các loại cây, hoa truyền thống như cúc vạn thọ, ớt chỉ thiên, mai, đỗ quyên, sung, si, hoa sứ…, nghệ nhân các làng hoa còn chú ý trồng những giò mào gà để phục vụ thị trường. Theo tín ngưỡng phương Nam, loài hoa này là biểu trưng của năm Nhâm Thìn. Giá thành một giò mào gà chỉ dao động ở mức 25.000-40.000 đồng nên rất dễ bán.

Ông Nguyễn Văn Triết (Hải Thượng Lãn Ông, quận 5) cho hay: "Cao điểm của chợ hoa bến Bình Đông từ quãng 26 Tết trở đi. Năm nào tôi cũng đi chợ hoa vì giá ở đây rẻ hơn những chợ khác khoảng 20%. Quan trọng nữa là mình được thỏa mãn thú ngắm "trên bến dưới thuyền" toàn hoa với hoa, hiếm nơi nào có được như ở đây. Hoa ở đây đa dạng chủng loại nên tha hồ lựa chọn. Có lẽ so với mọi nơi thì nơi đây không khí Tết đến sớm nhất. Mong rằng TP Hồ Chí Minh dù phát triển đến đâu vẫn giữ được khu chợ truyền thống này vào mỗi dịp Xuân về".

… Xuôi dọc bến Bình Đông đoạn cầu Chà Và - Phú Định dài khoảng 3km vào những ngày này sẽ thấy tàu ghe đậu san sát. Cả một đoạn kênh Tàu Hủ miên man đủ loại sắc hoa, chậu cảnh. Rực rỡ như hoa giấy, hoa lan, đỗ quyên, mào gà. Mơn mởn như những chậu quất (miền Nam gọi là trái tắc). Tất nhiên không thể thiếu được loài hoa đặc trưng của Tết phương Nam là mai vàng… Một thiên đường các loại hoa từ bàn tay chăm sóc của các nghệ nhân miền Tây đang tỏa ra làm đẹp cho từng góc phố, ngôi nhà của người Sài Gòn.

Bài, ảnh: Trà My