Nghịch lý trong xúc tiến thương mại
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:43, 18/01/2012
Kinh phí cho việc xúc tiến thương mại sẽ có tác động không nhỏ đến xuất khẩu trong thời gian tới. Ảnh: Đàm Duy
Tuy nhiên, trong khi kim ngạch xuất khẩu tăng, thì kinh phí để xúc tiến thương mại lại giảm. Nghịch lý này đã làm cho các DN, hiệp hội ngành hàng và Bộ Công thương lo ngại sẽ tác động tiêu cực đến việc xuất khẩu trong thời gian tới.
Theo Cục Xúc tiến thương mại, năm qua Bộ Công thương đã tiếp nhận hơn 270 đề án xúc tiến thương mại quốc gia của hơn 70 đơn vị, với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ là hơn 405 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi xem xét, ngành tài chính chỉ bố trí kinh phí là 55 tỷ đồng, bằng khoảng 46% năm 2010. Đây là nguồn kinh phí quá ít so với nhu cầu xúc tiến thương mại thực tế trong năm qua. Với nguồn kinh phí này, Bộ Công thương rất khó phân bổ, trong khi nhiều đề án được trình lên có tính khả thi cao và thiết thực phục vụ việc đẩy mạnh xuất khẩu, cũng như an sinh xã hội. Nếu kinh phí cho việc xúc tiến thương mại được bố trí không đủ về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng và khai thác thị trường trong nước, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Với các số liệu kể trên, kinh phí dành cho các hoạt động xúc tiến thương mại của nước ta là quá thấp, chỉ bằng 0,0036% kim ngạch xuất khẩu trong khi đó ở các nước trên thế giới ngân sách dành cho hoạt động xúc tiến thương mại là 0,11% kim ngạch xuất khẩu.
Sở dĩ vẫn tồn tại tình trạng trên là do còn không ít bất cập trong cơ chế, chính sách về tài chính để thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia đã nảy sinh những phiền nhiễu không đáng có cho cả Cục Xúc tiến thương mại lẫn các DN. Chẳng hạn, có quy định mức hỗ trợ tối đa không quá 6 triệu đồng/DN đối với hội chợ triển lãm phục vụ xuất khẩu tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo tính toán của các DN, mức chi này chỉ đủ để thuê nửa gian hàng tại các hội chợ tổ chức tại Hà Nội, hoặc TP Hồ Chí Minh. Hay quy định mức hỗ trợ tối đa không quá 700.000 đồng/DN đăng ký và nhận thông tin đối với nội dung thông tin thương mại, nghiên cứu thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu các thị trường xuất khẩu trọng điểm theo ngành hàng. Nhưng, trên thực tế, quy định này không khả thi và không phù hợp. Bởi, theo quy định này, các DN chỉ có thể nhận được những thông tin sơ lược, không đem lại được hiệu quả cho DN tham gia. Một quy định khác là mức hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/DN tham gia các đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài cũng chưa hợp lý. Vì theo các DN, mức hỗ trợ này khi áp dụng với một số thị trường như Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ… thậm chí chưa đủ để thanh toán vé máy bay khứ hồi. Hơn nữa, các hóa đơn chứng từ liên quan sẽ được xuất toàn bộ cho đơn vị chủ trì, nên trong trường hợp phần chi phí vượt quá 40 triệu đồng/DN, các DN tham gia không có chứng từ để thanh toán tại DN...
Bộ Công thương cho biết, năm 2012 Bộ đã tiếp nhận 236 đề án xúc tiến thương mại quốc gia, với tổng kinh phí đề xuất là 316 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều đề án thực hiện theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, như các hội chợ Trung Quốc - ASEAN, Ấn Độ - ASEAN, Việt - Lào, Việt Nam - Myanmar, Việt Nam - Campuchia, các doanh nghiệp vừa và nhỏ quốc tế Trung Quốc 2012 tại Quảng Châu... Với thực tế hiện nay, Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ, trước mắt trong năm 2012 bố trí kinh phí 150 tỷ đồng cho chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2012. Về dài hạn, từ năm 2013 trở đi đầu tư cho hỗ trợ xúc tiến thương mại ở mức 0,01-0,05% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trừ kim ngạch xuất khẩu dầu thô. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần phải đổi mới công tác xúc tiến thương mại, nhất là việc ứng xử với các DN nhỏ và vừa, bởi các DN khu vực này do nguồn lực nhỏ nên rất cần hỗ trợ xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, hiện nay hoạt động này mới ở giai đoạn nâng cao nhận thức nên hiệu quả chưa cao. Thời gian tới, cần nâng cao chất lượng hoạt động này hơn nữa. Đó là chưa kể, thế giới đã liên tục thay đổi, việc xúc tiến thương mại cũng phải có nhiều điểm mới. Trong khi việc xúc tiến thương mại ở nước ngoài mới chỉ làm tốt công tác hỗ trợ, nhưng chưa làm tốt công tác tìm thị trường, đối tác cho DN. Sớm khắc phục tình trạng nói trên, việc xúc tiến thương mại sẽ đạt hiệu quả.