Bầu cử Mỹ 2012: Cơ hội và thách thức

Thế giới - Ngày đăng : 06:40, 18/01/2012

(HNM) - Sau hai chiến thắng đầu tiên đầy khích lệ tại hai cuộc bầu cử sơ bộ ở Iowa và New Hampshire, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney lại vừa đón nhận tin vui khi kết quả thăm dò dư luận cho thấy ông đang dẫn điểm trước các đối thủ cùng đảng tại cuộc bầu cử sơ bộ quan trọng thứ ba tại bang Carolina Nam vào ngày 21-1 tới.

Không chỉ có vậy, đường đua tới Nhà Trắng của Mitt Romney dường như càng rộng mở khi cựu thống đốc bang Utah John Huntsman vừa tuyên bố rút khỏi cuộc đua giữa các thành viên đảng Cộng hòa; đồng thời tuyên bố ủng hộ ông Romney trong cuộc đua.

Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ còn nhiều khó khăn.

Cựu Thống đốc Romney đã dần thuyết phục được các cử tri đảng Cộng hòa rằng, kinh nghiệm kinh doanh giúp ông trở thành đối thủ sáng giá cho đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua với đương kim Tổng thống Barack Obama hiện vẫn còn đang loay hoay với những khó khăn của nền kinh tế Mỹ sau hơn 3 năm tại vị. Do đó, chiến thắng tiếp theo tại Carolina Nam sẽ là cơ hội để ông Romney nhận được tấm phiếu đề cử chính thức của đảng Cộng hòa để bước vào cuộc đua giành chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng thứ 45 của nước Mỹ. Carolina Nam có thể coi là bang lãnh địa bảo thủ của đảng Cộng hòa. Trong 10 cuộc bầu cử tổng thống gần đây, bang đông dân thứ 24 của nước Mỹ này có 9 lần dành ưu ái cho các ứng cử viên Cộng hòa. Do vậy, khi được hỏi "sẽ chọn ai làm tổng thống thứ 45 của Mỹ trong ngày bầu cử 6-11-2012", có tới 46% cử tri Carolina Nam chọn ông Romney so với 40% chọn đối thủ của đảng Dân chủ, ông Barack Obama.

Khởi đầu với điểm mạnh là Thống đốc bang Massachusetts, vị trí vốn luôn thuộc về một Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ, ông Romney đã thông qua chương trình cải tổ lĩnh vực y tế và có những bước tiến vững vàng. Thật khó để chỉ ra sai lầm trong chương trình tranh cử của Romney. Tuy nhiên, Người Mỹ đang rất cần một tổng thống để gửi gắm nhiều vấn đề quan trọng; trong khi đó, Romney vẫn chưa để người Mỹ thấy ông sẽ làm gì để thành công trong cải cách y tế và tiền lương hưu cũng như sẽ xoay sở ra sao với 12 triệu người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ... Rõ ràng, những khó khăn mà nước Mỹ đang gặp phải là thách thức mà cựu Thống đốc Massachusetts phải vượt qua, nếu muốn thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng cuối năm nay.

Trong khi đó, bất luận những thắng lợi dễ dàng do không có đối thủ trong hai cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên ở bang Iowa và New Hampshire, nhưng nỗ lực tái tranh cử nhiệm kỳ hai của đương kim Tổng thống Mỹ B.Obama, ứng cử viên gần như chắc chắn và duy nhất của đảng Dân chủ cũng đứng trước không ít thử thách. Kết quả thăm dò của Gallup công bố ngày 16-1 cho thấy môi trường chính trị và thực trạng nền kinh tế Mỹ đang là trở ngại lớn nhất với nỗ lực tái cử của ông B.Obama. Theo kết quả thăm dò, tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Obama về tất cả các mặt ở thời điểm tháng 1-2012 chỉ ở mức 44%. Đây là mức ủng hộ thấp thứ hai trong 8 vị Tổng thống tái tranh cử nhiệm kỳ hai, chỉ cao hơn 2% so với Bill Clinton năm 1996, nhưng thấp hơn nhiều so với 66% ủng hộ George W. Bush năm 2004 và 52% của Ronald Reagan năm 1984. Chiều hướng cải thiện của kinh tế Mỹ được cho là sẽ chi phối mạnh những lá phiếu của cử tri dành cho ông chủ hiện tại của Nhà Trắng. Tuy đã có dấu hiệu tích cực, nhưng sức phục hồi của kinh tế xứ Cờ hoa vẫn chưa đủ mạnh để tạo thêm việc làm và niềm tin cho người dân Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn ở mức 8,5% vào tháng 12-2011, trong khi chỉ số niềm tin tiêu dùng duy trì mức âm 27% vào đầu tháng 1 này.

Như vậy, trọng tâm trong lĩnh vực đối nội hiện nay ở Mỹ là cuộc chiến chống nghèo và thất nghiệp. Và cũng đã rõ ràng rằng, bất kỳ ứng cử viên nào đáp ứng được hai kỳ vọng này của dân chúng, người đó sẽ là ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng.

Thùy Dương