Bài 1: Biển êm, cát trắng và hòn xanh

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:28, 18/01/2012

Chuyến đi thăm và chúc tết sớm các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 5 đang làm nhiệm vụ trên biển đảo ở Tây Nam Tổ quốc và chính quyền địa phương, ngư dân ở các đảo đã để lại cho PV Hànộimới những cảm xúc khác lạ, khó quên. Những cảm xúc đó được ghi lại qua loạt bài "Biển đảo Tây Nam Tổ quốc tôi".

LTS: Chuyến đi thăm và chúc tết sớm các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 5 đang làm nhiệm vụ trên biển đảo ở Tây Nam Tổ quốc và chính quyền địa phương, ngư dân ở các đảo đã để lại cho PV Hànộimới những cảm xúc khác lạ, khó quên. Những cảm xúc đó được ghi lại qua loạt bài "Biển đảo Tây Nam Tổ quốc tôi".

Bài 1: Biển êm, cát trắng và hòn xanh

Nếu tính cả các đảo gần đất liền thuộc tỉnh Cà Mau, Kiên Giang đến các hòn đảo xa bờ thì biển Tây Nam có tới hàng trăm đảo lớn nhỏ. Và trong ngôi nhà biển Tây Nam của Tổ quốc, người ta ví đảo Thổ Chu, Hòn Khoai, Hòn Chuối, quần đảo Nam Du và quần đảo Hải Tặc như những cột chính. Tôi cũng không biết vì sao người ta lại gọi là hòn, có thể diện tích của nó nhỏ, nhưng nhỏ như Bạch Long Vĩ ở Quảng Ninh, Cồn Cỏ ở Quảng Trị hay Lý Sơn ở Quảng Ngãi vẫn gọi là đảo...

Hòn và hòn

Khi chúng tôi cùng đoàn cán bộ của Hải quân vùng 5 và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đi chúc tết bà con xã Nam Du (trên Hòn Ngang, thuộc quần đảo Nam Du), một ngư dân nhỏ thó kéo lại, chắc ông biết tôi lần đầu đến đây nên diễn ca cho tôi tên các hòn ở quần đảo này. Giọng ông lên cao xuống thấp như thể muốn tôi hình dung ra hòn nào cao, hòn nào thấp và việc đi lại giữa các hòn nhẹ tênh:

"Hòn Mấu thấu qua Đô Nai/ Đô Nai lai rai về Bờ Đập/Bờ Đập tấp lại Hòn Lò/Hòn Lò mò về Hòn Ngang/Hòn Ngang sang qua Hòn Đụng/Hòn Đụng cụng lại Hòn Dấu/Hòn Dấu chầu về Bỏ Áo/Bỏ Áo tháo lại Hòn Ong/Hòn Ong giong về Hòn Dâm/Hòn Dâm đâm về Hòn Tre/Hòn Tre de về Hòn Nóc/Hòn Nóc xóc tới Hòn Nhàn/Hòn Nhàn tràn qua Hòn Hàng/Hòn Hàng thẳng tới ba Hòn Nẫu/Hòn Nẫu về lại Hòn Khô/Hòn Khô thẳng vô Hòn Lớn, Hòn Lớn lỡ trớn bãi Chệt"...

Đọc đến bãi Chệt, ông dừng lại, tôi nhẩm tính rồi bảo ông vẫn còn thiếu một hòn, ông cười khà, uống một ngụm bia mới nói: "Lần sau anh trở lại đây tôi sẽ đọc nốt tên hòn cuối cùng, anh có tìm trên bản đồ cũng không thấy vì hòn này rất nhỏ, chỉ có đám ngư dân chúng tôi mới biết thôi".

Các chiến sĩ hải quân ở đảo Thổ Chu. Ảnh: Ngọc Tiến

Ngư dân đặt tên các hòn dựa vào sản vật đặc trưng của hòn đó, ví dụ như Hòn Chuối vì trên đảo này có nhiều chuối, Hòn Khoai vì có loài khoai rừng mọc đầy trên đảo, Hòn Lớn vì nó lớn nhất so với các đảo xung quanh, Kiến Vàng (thuộc quần đảo Hải Tặc) vì đảo này có loài kiến vàng đốt rất đau. Tuy nhiên cũng có khi tên được đặt theo tên ngư dân đầu tiên đến đảo hay gặp sự cố tại đảo đó. Hòn Nẫu (từ chỉ người dân miền Trung) đơn giản chỉ có ngư dân miền Trung đến đây lên đảo nghỉ, Hòn Bỏ Áo vì nóng quá họ cởi áo cho mát nhưng khi xuống ghe lại quên áo nên họ đặt luôn là Hòn Bỏ Áo.

Hòn cao nhất ở biển Tây Nam là Hòn Khoai với độ cao 318 mét so với mặt nước biển, vì hòn này có suối nên nước ngọt khá dồi dào. Bây giờ thì không có dân nhưng đầu thế kỷ XX, dân cư ở Hòn Khoai khá đông đúc, họ sống bằng đánh bắt hải sản và những lúc thiếu lương thực, họ đào khoai rừng để ăn. Khoai rừng là loại thân dây, lá hình quả tim, màu xanh nhạt dày và bóng. Tuy nhiên có hòn không có nước ngọt như Hòn Chuối vẫn có tới gần 50 hộ với gần 200 dân sinh sống. Họ xây bể tích nước ngọt vào mùa mưa để dùng cho cả mùa khô. Ở các hòn dù lớn hay nhỏ, hệ sinh thái vô cùng phong phú, không chỉ thực vật mà còn có cả động vật như: chồn, cáo, bò sát...

Lên thăm các cụm chiến đấu của Hải quân vùng 5 ở Thổ Chu, hay đến trạm ra đa ở Hòn Khoai, Hòn Chuối, tôi có cảm giác như đang đi trong rừng rậm Cúc Phương của tỉnh Ninh Bình hay rừng quốc gia Cát Tiên. Tán lá xanh che các chiến sỹ hải quân đêm ngày canh giữ đảo, bảo vệ biển trời đất nước. Tại Hòn Khoai dù diện tích không lớn nhưng có tới 221 loài cây, 18 loài thú và năm 2010, tỉnh Cà Mau đã thả khỉ, nai vào đảo này. Các chiến sỹ ở Trạm ra đa 595 trên Hòn Khoai kể, khỉ sinh sôi nhanh và đôi khi chúng mò vào cả bếp ăn của đơn vị. Có chiến sỹ hài hước, đảo không dân thì chơi với khỉ cũng vui vì khỉ là tổ tiên của mình. Lại thêm các đảo có linh hải là có các vườn thuốc nam để chữa cảm cúm, đề phòng rắn cắn chống dịch bệnh, sốt rét, tiêu chảy cho bộ đội và dân đảo càng làm phong phú thêm hệ sinh thái đảo.

Một đặc điểm dễ nhận thấy là ở chân hầu hết các đảo, bàng nhiều vô kể, có lẽ khi quả bàng chín rụng xuống rồi được sóng biển đánh dạt tới các đảo và ở đây khí hậu phù hợp nên bàng sinh sôi và phát triển. Tuy nhiên bàng vuông, giống thấy nhiều ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa lại rất ít trên các đảo Tây Nam. Có lẽ cây bàng vuông duy nhất mà tôi thấy là ở đảo Thổ Chu, ngay gần cầu cảng, dưới tán cây bàng vuông là một quán thịt vịt luộc phục vụ ngư dân. Dân ở đây bảo, nhìn thấy cây xoài ra hoa họ biết mùa xuân đã về và thấy những nụ bàng vuông nở cánh hoa dày trắng muốt là tết đã đến.

Hạ Long của phương Nam

Màu nước ở biển Tây Nam xanh nhạt, cát thì trắng và mịn cho cảm giác yên ả dễ chịu. Vào những ngày sóng trễ nải và lười biếng, biển Tây Nam êm êm như một cái hồ mênh mông và bất cứ ở vị trí nào cũng có thể nhìn thấy ghe thuyền đánh cá. Lại thêm những hòn đảo xanh thẫm ngay cả trong mùa khô hòa biển với người khiến biển gần gũi và thân thiện vô cùng.

Nếu dừng tàu, thả neo ở quần đảo Nam Du, người kiệm lời khen nhất cũng sẽ phải thốt lên "Sao bây giờ tôi mới đến đây?". Có thể ví Nam Du với Hòn Lớn, Hòn Ngang cùng 19 hòn khác như Hạ Long của phương Nam. Không cần có đầu óc tưởng tượng phong phú cũng có thể dễ dàng thấy hòn ở phía Nam như con vích đang thả bộ trên mặt biển. Còn chuỗi hòn cắn đuôi nhau ở phía Đông tựa như cá mẹ dẫn đàn con rong chơi. Tại Hòn Khoai, những hòn đá to, nhỏ tròn chĩnh như củ khoai tây lộn xộn trong trật tự của tạo hóa phơi trên nền cát trắng tinh làm tôi hay bất cứ ai không thể làm ngơ. Vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, đứng trên đài quan sát của Trạm ra đa 625 ở Hòn Đốc (người dân gọi là Hòn Tre, thuộc quần đảo Hải Tặc), không thể không thốt lên "Biển Tây Nam của Tổ quốc ta đẹp quá". Biển Tây Nam không phản xạ ánh sáng mặt trời mà nó nuốt chửng nên không có cảm giác loang loáng làm lóa mắt. Và đứng dưới chân Trạm ra đa 625 nhìn chiến sỹ hải quân đang quan sát biển Tổ quốc bằng kính viễn vọng thì có lẽ đó là hình ảnh đẹp nhất khiến bất cứ ai cũng phải xao động và không thể không bấm máy.

Nguyễn Ngọc Tiến