Nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng
Chính trị - Ngày đăng : 06:08, 18/01/2012
Đây là một nghị quyết đặc biệt quan trọng, nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém; xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, trải qua hơn 80 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác lập, củng cố và ngày càng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín. Bằng đường lối đúng đắn, Đảng mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân và dân tộc, lập nên những kỳ tích rất đáng tự hào trong giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và xây dựng, phát triển đất nước. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta.
Bước vào giai đoạn mới, toàn Đảng, toàn dân ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thực hiện hai mục tiêu chiến lược, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa bảo vệ Tổ quốc, nhằm mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước vừa có thuận lợi, thời cơ, vừa có khó khăn, thách thức, Đảng ta đang đứng trước nhiều vấn đề mới phải xử lý, nhiều việc hết sức phức tạp. Trước những đòi hỏi, yêu cầu của thực tế, nếu Đảng ta không thực sự vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên. Như vậy, công tác xây dựng tổ chức, xây dựng con người trong Đảng là rất hệ trọng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Công tác xây dựng Đảng luôn là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng có ý nghĩa sống còn với Đảng ta, chế độ ta.
Thời gian qua, bên cạnh những mặt tích cực, thành tựu, công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên đây đó vẫn còn những biểu hiện tiêu cực, yếu kém đáng lo ngại. Trước yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng, Đảng ta càng phải đặc biệt coi trọng hơn nữa nhiệm vụ xây dựng Đảng như Đại hội XI đã chỉ ra, tạo một bước chuyển thực sự trong công tác này. Phân tích những nguyên nhân của tình trạng trên, thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân chủ quan là chủ yếu; Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã xác định ba vấn đề cấp bách cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trong đó vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách là kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng. Để thực hiện những nội dung này trong công tác xây dựng Đảng, nghị quyết đã đề ra bốn nhóm giải pháp với những công việc đồng bộ, cụ thể và thiết thực. Tuy nhiên đây là những công việc không đơn giản, dễ dàng; trái lại, vô cùng khó khăn, phức tạp; đòi hỏi toàn Đảng phải có nỗ lực rất cao, mỗi cá nhân và tập thể phải có quyết tâm rất lớn, phấn đấu bền bỉ, kiên trì với những biện pháp thật kiên quyết, tích cực.
Từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay, thấy được đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng để tự giác thực hiện.
Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) sẽ tạo ra bước chuyển mới trong công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức và đủ tầm lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức.