Thúc đẩy tiến trình xây dựng chính quyền điện tử Thủ đô

Xe++ - Ngày đăng : 06:42, 17/01/2012

(HNM) - Ngày 16-1, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Hà Nội triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông năm 2012. Tại hội nghị, đánh giá về những kết quả đã đạt được trong năm qua, lãnh đạo Bộ TT-TT và UBND TP Hà Nội đã biểu dương, nhấn mạnh vai trò của Sở trong một số lĩnh vực...


Ứng dụng CNTT vào giải quyết thủ tục hành chính tại “bộ phận một cửa” quận Tây Hồ. Ảnh: Linh Tâm

Hai năm trở lại đây, Hà Nội đã đầu tư mạnh cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Trong đó có vai trò nổi bật của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành là Sở TT-TT. Với vai trò là cơ quan tham mưu, Sở TT-TT đã kiến nghị UBND TP ra những quyết định để thực thi triệt để, quyết liệt nhiệm vụ này. Nói như vậy, bởi lẽ Hà Nội là Thủ đô của cả nước, lẽ ra phải là đơn vị đi đầu về nhiều lĩnh vực, trong đó có CNTT, nhưng trên thực tế từ nhiều năm, vị trí này lại hay thuộc về TP Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng (Theo báo cáo hằng năm của Hội Tin học Việt Nam đã được công bố trên các phương tiện truyền thông). Hơn nữa, bản thân việc ứng dụng CNTT của Hà Nội cũ (khi Hà Tây chưa hợp nhất) thường đứng ở vị trí chưa phải là số 1, sau khi mở rộng địa giới hành chính (năm 2008), thì cả hạ tầng lẫn việc ứng dụng CNTT lại càng khó khăn... Tuy nhiên, đến nay, Sở TT-TT cùng với VNPT Hà Nội triển khai xong hạ tầng mạng diện rộng (WAN) kết nối từ Thành ủy, UBND TP tới các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã. Hiện có 51/54 điểm đã có dịch vụ hội nghị truyền hình trực tuyến và dịch vụ truy nhập internet tốc độ cao; 577 xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP được đầu tư hạ tầng mạng WAN. Sở TT-TT cũng phối hợp với Bưu điện Trung ương, VNPT Hà Nội thống nhất phương án kết nối mạng WAN thành phố vào mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước (do Bưu điện Trung ương khai thác, quản lý) và quy hoạch địa chỉ IP mạng WAN cho các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các xã, phường. Với việc được đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng, 60 website của các sở, ngành, quận, huyện bắt đầu hoạt động, 100% đơn vị sử dụng phần mềm một cửa, hơn 80% đơn vị sử dụng phần mềm quản lý văn bản, 90% cán bộ, công chức được trang bị máy vi tính... Đáng chú ý, trong số 577 xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP, có 50% đơn vị đủ máy tính cho cán bộ, công chức, số còn lại mỗi đơn vị có 5-7 chiếc. Là đơn vị được giao quản lý vận hành Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội, Sở đã đưa website này hoạt động có chất lượng, hiệu quả cao với hàng chục vạn lượt truy cập mỗi ngày. Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đã đánh giá cao vai trò của Sở trong việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng và ứng dụng CNTT, từ đó nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức về vai trò của CNTT, góp phần để Hà Nội trở thành thành phố điện tử trong thời gian tới.

Trong việc quản lý nhà nước về viễn thông, một lĩnh vực được coi là sôi động nhưng cũng rất nhạy cảm, thời gian qua, vai trò quản lý nhà nước của Sở được đánh giá cao, được coi là đơn vị đi đầu cả nước. Sở TT-TT đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp triển khai đồng bộ giải pháp tuyên truyền, xử lý kỹ thuật, xử phạt hành chính với hoạt động của các đại lý internet. Việc làm này đã gặp phải không ít khó khăn do thái độ thách thức của không ít chủ đại lý internet vi phạm, thậm chí của một số DN cung cấp dịch vụ. Nhưng với thái độ kiên quyết của Sở, sự phối hợp tích cực của chính quyền địa phương cộng với sự ủng hộ tích cực của dư luận... kết quả, từ chỗ còn 2.446 đại lý đến nay còn 2.110 đại lý hoạt động và không còn điểm nào nằm gần trường học; các DN ngắt đường truyền với đại lý từ 23 giờ và chỉ mở lại vào 6 giờ sáng. Thực hiện kế hoạch của UBND TP về quản lý các hoạt động quảng cáo rao vặt (QCRV), Sở đã tuyên truyền thường xuyên, liên tục trên các kênh truyền thông, giao ban định kỳ với các DN cung cấp dịch vụ di động, các quận, huyện. Sở TT-TT đã 18 lần gửi văn bản yêu cầu các DN cắt liên lạc hơn 2.000 số điện thoại vi phạm. Sở còn chủ trì, làm đầu mối giới thiệu để một số DN viễn thông xây dựng các bảng QCRV miễn phí tại địa bàn một số quận, huyện, tạo điều kiện cho người dân quảng cáo, giới thiệu dịch vụ. Đến nay, tuy đâu đó có thể vẫn còn những số điện thoại quảng cáo rác...; song, chừng đó cho thấy sự quyết liệt của Sở, sự nỗ lực của các đơn vị cơ sở và DN cung cấp dịch vụ nhằm giữ gìn cho TP ngày một đẹp hơn. Và một điều quan trọng hơn là việc đẩy mạnh xử lý các vi phạm về QCRV cũng là một trong những biện pháp truyền thông để nâng cao hơn nữa ý thức của cả người dân trong việc bảo vệ cảnh quan sạch đẹp cho Thủ đô.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc, Sở TT-TT Hà Nội đã làm tốt các nhiệm vụ như kể trên và đó là "đà" thuận lợi để tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm 2012 với chỉ tiêu cao hơn. Đó là, Sở phải tích cực hơn nữa, nhất là trong việc thúc đẩy ứng dụng CNTT để Thủ đô sớm giành được vị trí số 1 về CNTT trong cả nước. Năm 2012, Hà Nội phải đạt được các chỉ tiêu 80% sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã hoàn thành xây dựng "cơ quan điện tử", tiến tới điều hành công việc trên hệ thống thông tin. Để thực hiện mục tiêu đó, Phó Chủ tịch yêu cầu Sở TT-TT rà soát nhu cầu đầu tư, hướng dẫn các đơn vị triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật CNTT; nâng cao hiệu quả hoạt động website của các đơn vị; xây dựng lộ trình đào tạo ứng dụng CNTT, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bảo đảm an ninh mạng...

Năm 2012: Đưa vào vận hành Trung tâm Dữ liệu nhà nước TP Hà Nội

Năm 2012, Sở TT-TT triển khai 3 quy hoạch phát triển báo chí, CNTT, bưu chính - viễn thông đến năm 2020 và chương trình phát triển công nghiệp CNTT TP. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị là đưa vào vận hành hiệu quả Trung tâm Dữ liệu nhà nước TP Hà Nội; hoàn thành các dự án về CNTT, góp phần xây dựng cơ quan điện tử, chính quyền điện tử Thủ đô. Để thực hiện, đơn vị sẽ xây dựng quy hoạch, kế hoạch về CNTT tới từng sở, ngành, quận, huyện; kết nối mạng xuống từng xã, phường, thị trấn; đồng thời, hướng dẫn xây dựng website của các sở, ngành, quận, huyện theo Nghị định 43 của Chính phủ trở thành hệ thống "một cửa điện tử". Sở TT-TT sẽ triển khai ứng dụng CNTT cho bộ phận "một cửa" của xã, phường, thị trấn và ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp đồng bộ, thống nhất trên toàn TP…

Việt Nga