Không còn là “ngày xả rác”

Đời sống - Ngày đăng : 06:04, 17/01/2012

(HNM) - Hôm qua 16-1 (23 tháng Chạp) - ngày Tết ông Công, ông Táo, người Việt vốn quan niệm đây là ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán nên sắm sửa, cúng lễ khá chu toàn.

Thả cá chép tiễn ông Táo về trời. Ảnh: Hoàng Hà



Không còn cảnh chen chúc như những ngày cuối tuần, song phố Hàng Mã trong ngày Tết ông Công, ông Táo vẫn tấp nập. Do nguồn cung dồi dào nên các chủ cửa hàng đã phải hạ giá để hàng không bị tồn kho. Quần, áo, mũ cúng Táo quân chỉ còn 40-80 nghìn đồng/bộ, rẻ hơn so với những ngày trước từ 10-40 nghìn đồng. Các "phụ kiện" đi kèm như ô tô, điện thoại, iphone, ipad, xe máy... cúng ông Táo giảm giá từ vài nghìn đến vài chục nghìn mỗi "sản phẩm". Giá cá chép đỏ đúng ngày ông Công, ông Táo cũng giảm sâu, trung bình từ 15-20 nghìn đồng/bộ 3 con nhỏ, 25-30 nghìn đồng/bộ 3 con to. Chị Nguyễn Thu Hà, bán cá ở chợ Hà Đông cho biết: "Tôi nhập 5kg cá chép đỏ nhưng chỉ bán được khoảng 3kg". Theo chị Hà, năm nay nhiều người không cúng cá vì thiếu chỗ phóng sinh, thay vào đó họ làm mâm cơm tươm tất. Như vậy, đồ lễ... cúng ông Công, ông Táo ở các gia đình khác nhau nhưng đều giống nhau ở chút tâm thành.

Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, Táo quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng, cho đến đêm Giao thừa Táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa. Vì thế, ngoài cá chép - phương tiện để ông Táo lên chầu trời, đồ lễ cúng ông Táo cũng được các gia đình hóa rồi thả xuống sông, hồ, ao để tiễn ông Táo đi. Đây là truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt, song trước thực trạng sông ngòi bị thu hẹp như hiện nay, việc mang túi ni lông đựng cá và tro vứt xuống sông ngòi, hồ, ao đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Để ngày Tết độc đáo này vừa giữ được ý nghĩa tốt đẹp, vừa bảo vệ môi trường, lần đầu tiên dự án "Tôi ghét ni lông" đã tổ chức chương trình "Tết Xanh - ông Táo ghét ni lông" vào đúng ngày 23 tháng Chạp. Gần 300 tình nguyện viên của dự án với chiếc áo đồng phục "ni lông là không phong cách" đã "cắm chốt" tại hồ Thiền Quang, hồ Đống Đa, hồ Ngọc Khánh, hồ Giảng Võ, hồ Tây cùng nhiều hồ khác trong thành phố Hà Nội để tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân thả cá nhưng không vứt túi ni lông xuống hồ. Hàng trăm thanh niên tình nguyện, xung kích đã có mặt ở hầu hết các cây cầu bắc qua sông, hồ trên địa bàn quận Hà Đông nhắc nhở người dân bỏ túi ni lông và rác khó phân hủy vào thùng trong hai ngày 15, 16 tháng 1 (tức 22, 23 tháng Chạp). Hành động thiết thực này không chỉ giúp ao, hồ, sông ngòi tránh được lượng rác thải khổng lồ, mà còn giúp người dân có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Bí thư Đoàn Thanh niên tổ 9, phường Mộ Lao Nguyễn Tiến Phúc, thanh niên xung kích tại cầu Trắng (Hà Đông) cho biết: "Đây là năm thứ ba em tham gia đội thanh niên xung kích bảo vệ môi trường ngày Tết ông Công, ông Táo tại cầu Trắng. Hai năm trước, chúng em phải nhắc nhở rất nhiều nhưng nhiều người dân vẫn cố tình vứt rác khó phân hủy xuống sông. Đến năm nay, hầu hết mọi người đã có ý thức, họ chỉ thả cá và tro xuống sông, còn túi ni lông và các vật khó tiêu hủy như bàn thờ, bát hương, vàng, tiền bằng kim loại thì họ bỏ vào thùng rác".

Tại một số hồ từng là "túi rác" trong ngày ông Công, ông Táo của những năm trước như Thiền Quang, Đống Đa, Ngọc Khánh, Giảng Võ, có thể nhận thấy tình trạng xả rác, vứt túi ni lông bừa bãi đã được khắc phục đáng kể. Hồ Văn Quán (Hà Đông) vẫn xanh - sạch - đẹp nhờ có nhiều khẩu hiệu "Hãy chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường" và nhiều túi chứa rác đặt trên vỉa hè xung quanh hồ. Hy vọng sự tiến bộ này sẽ được duy trì ngay cả khi không có lực lượng thanh niên xung kích.

Minh Ngọc