Cuộc cải tổ được dự báo
Thế giới - Ngày đăng : 06:39, 16/01/2012
Giữ lại 12 trong tổng số 17 gương mặt của nội các cũ, cuộc "thanh lọc" được dự báo trước này xem ra khó tạo ngay được "cú huých" cho nền kinh tế Nhật Bản bứt phá trong năm 2012 khi Thủ tướng Y.Noda vẫn theo "lộ trình" cũ điều hành chính phủ mới.
Nhật Bản cải tổ nội các nhằm tháo gỡ bế tắc trên chính trường và chấn hưng nền kinh tế. |
Một loạt nhân vật được xem là "cốt cán" trong bộ máy nội các cũ như: Ngoại trưởng Koichiro Gemba, Bộ trưởng Tài chính Jun Azumi, Bộ trưởng Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Yukio Edano, Bộ trưởng Xử lý thảm họa hạt nhân Goshi Hosono… vẫn được tại vị. Một số gương mặt mới được dư luận chú ý trong cuộc cải tổ lần đầu tiên sau 4 tháng nhậm chức của Thủ tướng Y.Noda là Phó Thủ tướng Katsuya Okada, Bộ trưởng Quốc phòng Naoki Tanaka, Bộ trưởng Tư pháp Toshio Ogawa, Bộ trưởng Giáo dục - Văn hóa - Thể thao - Khoa học Michihiko Kano và Quốc vụ khanh phụ trách An ninh công Jin Matsubara.
Việc cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yasuo Ichikawa và Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề tiêu dùng Kenji Yamaoka phải "ra đi" không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích. Điều ngạc nhiên là cách đây không lâu Thủ tướng Y.Noda từng lên tiếng bác bỏ khả năng cải tổ nội các sau khi có nhiều tin đồn về việc ông Y.Ichikawa và ông K.Yamaoka có thể bị cách chức. Tuy nhiên, trước quá nhiều áp lực của dư luận, đặc biệt từ phía lãnh đạo các đảng đối lập dọa tẩy chay các cuộc họp của Quốc hội dự kiến khai mạc vào ngày 23-1 tới, nếu hai vị Bộ trưởng này còn tại vị, Thủ tướng Y.Noda không còn lựa chọn nào khác là phải "sa thải" hai vị bộ trưởng bị "vạ miệng" này.
Quyết định củng cố nội các của Thủ tướng Y.Noda được đưa ra ngay trước kỳ họp của Quốc hội - một kỳ họp có tính quyết định đối với mọi mặt đời sống của người dân Nhật Bản - khi các nghị sĩ sẽ thảo luận về cải cách thuế, trong đó có đề nghị tăng thuế tiêu dùng của Chính phủ từ 5% lên 8% vào đầu năm 2014 và 10% vào cuối năm 2015. Trong bối cảnh đó, cuộc cải tổ cuối tuần qua được xem là bước đi chiến thuật của Thủ tướng Y.Noda nhằm tháo gỡ thế bế tắc trên chính trường xứ Phù tang trước khi phiên khai mạc của Quốc hội được bắt đầu. Thay đổi một số vị trí trọng yếu trong nội các còn nhằm chứng minh cho quyết tâm mạnh mẽ của Thủ tướng Y.Noda khi cam kết sẽ giải tán Hạ viện và tiến hành cuộc bầu cử trước thời hạn nếu gói ngân sách bổ sung hỗ trợ tái thiết sau thảm họa kép (11-3-2011) không được Quốc hội thông qua trong cuộc họp tới đây. Không những thế, các đảng đối lập đang chiếm đa số ở Thượng viện còn có thể dùng lợi thế này để ngăn cản dự luật về tăng thuế dự kiến sẽ được đệ trình lên Quốc hội vào tháng 3 tới sau khi đã thảo luận. Do đó, Thủ tướng Y.Noda không còn lựa chọn nào khác ngoài giải pháp cải tổ bộ máy lãnh đạo để mong nhận được sự ủng hộ của phe đối lập.
Trở thành Thủ tướng thứ 6 của Nhật Bản trong vòng 5 năm qua, những thách thức mà ông Y.Noda đang phải đối mặt không hề nhỏ. Nhận định này càng có cơ sở khi thâm hụt ngân sách của Nhật Bản hiện đã vượt con số hơn 10,3 nghìn tỷ USD, tương đương 233,1% GDP của nước này, cao hơn nhiều so với mức thâm hụt 165,6% của Hy Lạp và 121,1% của Italia. Dù Nhật Bản vẫn còn đủ khả năng tài chính để trả nợ công, nhưng với tình trạng dân số bị lão hóa ngày càng nhanh, từ nay cho đến 2, 3 năm nữa thì tình hình sẽ khác. Trong khi đó, một cuộc trưng cầu ý kiến các cử tri được tổ chức cuối tuần qua của hãng tin Kyodo cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Chính phủ của Thủ tướng Y.Noda đã giảm từ 44,6% xuống còn 35,7% trong tháng trước. Ngược lại tỷ lệ phản đối tăng từ 10,2% lên thành 50,5%, mức cao nhất kể từ khi ông Y.Noda lên nắm quyền.
Dư luận Nhật Bản cho rằng, dù đã cải tổ nội các, nhưng kỳ họp sắp tới của Quốc hội vẫn sẽ diễn ra một cuộc tranh cãi quyết liệt giữa đảng Dân chủ cầm quyền (DPJ) với các đảng đối lập về các vấn đề liên quan đến kinh tế của đất nước này. Đây cũng là những thách thức cũ mà cả 5 thủ tướng tiền nhiệm từng phải vật lộn tại Quốc hội và đều phải ra đi trước khi kết thúc nhiệm kỳ (5 năm). Vì lẽ đó, cuộc cải tổ vừa diễn ra đang đặt Thủ tướng Y.Noda đến trước một "ván cờ" quyết định. Và nếu "cuộc chơi" này không đủ sức thuyết phục phe đối lập thì nỗ lực của nội các mới nhằm đưa nền kinh tế Nhật Bản hồi phục sau thảm họa càng trở nên khó khăn.