Văn hóa tiêu dùng

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:17, 16/01/2012

(HNM) - Năm hết, Tết đến, nhưng nhiều nỗi lo nào đã hết, người dân chẳng biết mua xăng ở đâu để tránh nạn xăng rởm, đong thiếu, đi xe máy thì nơm nớp vì không biết có thể bùng cháy lúc nào.


Các bà, các chị đi chợ trong nỗi phân vân khi đủ thứ rau quả, thịt cá phơi ra nhưng đều tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh. Những nỗi lo tưởng như nho nhỏ ấy đang thường trực trong mỗi gia đình và gây bất an cho toàn xã hội. Thế nhưng trong con mắt của một số người có trách nhiệm, có lẽ đấy vẫn là "chuyện nhỏ" và cũng vì vậy nên chẳng được giải quyết đến nơi đến chốn.

Mới đây, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Bộ Khoa học - Công nghệ) phát hiện cây xăng Mai Dịch (đường Hồ Tùng Mậu - quận Cầu Giấy) bán xăng có chứa chất dung môi gây cháy nổ vượt tiêu chuẩn. Người phụ trách cây xăng nói họ vô can, đẩy trách nhiệm cho nhà cung cấp là Tổng Công ty xăng dầu quân đội. Dĩ nhiên "ông tổng" này không nhận trách nhiệm về mình. Đó là chuyện của một cây xăng, nhưng trên cả nước có bao nhiêu cây xăng?Ở thành phố, người ta còn có nhiều lựa chọn, nhưng chỉ cách trung tâm đô thị mấy chục cây số đã chẳng dễ dàng gì. Nhiều vùng quê chỉ có một vài cây xăng thì chỉ còn nước nhắm mắt chấp nhận. Người tiêu dùng đồ rằng xăng chính là nguyên nhân gây nên tình trạng cháy xe hàng loạt với đủ loại mẫu mã khác nhau. Nhưng cho đến bây giờ các cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận chính thức về hiện tượng này. Nỗi lo vẫn lơ lửng.

Thực phẩm không bảo đảm đã trở thành câu chuyện "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi…" luôn là câu chuyện thời sự mỗi ngày. Những ngày cuối năm, Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra đột xuất hàng loạt cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo. Chỉ riêng cơ sở sản xuất mứt nhãn hiệu Liên đã có 4 tấn mứt trái cây sản xuất tại Trung Quốc, không có nhãn mác. Chưa kể các loại hóa chất công nghiệp không rõ nguồn gốc xuất xứ được dùng trong quá trình chế biến. Cho đến bây giờ, không ai biết đã có bao nhiêu tấn mứt được sản xuất từ những cơ sở tương tự như vậy được bán trôi nổi trên thị trường. Thịt lợn, thịt bò, rau, hoa quả bán đầy chợ, chẳng ai biết nguồn gốc thế nào? Ví dụ an toàn vệ sinh thực phẩm có tới 3 bộ quản lý nhưng khi đụng việc, trách nhiệm không thuộc về ai. Chế tài lại chưa đủ sức răn đe và không được thực hiện nghiêm túc nên những kẻ làm ăn gian dối phi pháp không bị trừng phạt… Tất cả điều đó tạo thành nếp ăn sâu trong sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và hệ quả cuối cùng vẫn đổ lên đầu người dân.

Điệp khúc "Hãy là người tiêu dùng thông thái" được nhắc đến rất nhiều nhưng với tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan như hiện nay, liệu những người tiêu dùng vốn có túi tiền eo hẹp có thể trở thành thông thái được không?

Thế Phương