“Chuyện bếp núc” ở SEA Games 26
Thể thao - Ngày đăng : 07:30, 15/01/2012
Đã có kinh nghiệm về chuyện ăn uống tại Indonesia trong những kỳ SEA Games hay AFF Cup, nên ở kỳ SEA Games 26 này, khi đến khách sạn ở Jakarta hay Palembang, khâu đầu tiên của phóng viên ta là phải ngó vào bếp. Cần phải nhớ, Jakarta hay Palembang không như Korat (Thái Lan, đăng cai SEA Games 24), Viêng Chăn (Lào, đăng cai SEA Games 25), những nơi có đồ ăn quen thuộc với người Việt Nam, làm xong chỉ việc ra quán, đến giò chả cũng có, gần gũi như ở nhà. Tại Indonesia thì khác, đồ ăn rõ là không hợp với người Việt Nam. Nhiều cà ri, ít rau, hoặc nếu có lại là rau… rán. Bia cũng có, nhưng đắt đến mức phải "chùn miệng". Ở quốc gia theo đạo Hồi như Indonesia, bia rượu không được khuyến khích sử dụng, nên đắt là phải. Một chai bia Bintang có giá 30.000 rupiah (tương đương 75.000 đồng) nên chỉ uống đến chai thứ 2 là quân nhà ta đã phải nhẩm tính "thiệt hại' rồi.
Còn cơm thì hoặc là mua ngoài quán hoặc là tự nấu. Mà khoản này phóng viên nhà ta cũng phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong valy của một số người, ngoài quần áo, máy móc còn có cả nồi cơm điện và ít gạo. Có người còn mang cả nước mắm, thậm chí rau xanh, thịt kho, cá kho để đông lạnh rồi nhét vào hộp xốp. Ngay cả những phóng viên đến trước, khi nhận thấy tác dụng của nồi cơm điện cũng nhờ đồng nghiệp đến sau mang hộ. Riêng món nước mắm, thịt kho, cá kho thực sự đắt hàng. Ai nhìn thấy cũng như bắt được vàng. Đi xa nhà mà còn được chấm mút tí nước mắm mới thấy quý. Ở Palembang, một số phóng viên đã trải qua cảm giác ấy. Khổ nỗi, đồng nghiệp chỉ mang sang 2 chai nước mắm nhỏ xíu (như hai chai rượu cúng) nên chỉ ít ngày đã hết. Anh em ngồi chưng hửng, lại thấy nhạt mồm nhạt miệng. Còn món cá kho, thịt kho thì thôi rồi. Hôm ở Jakarta, sau gần chục ngày mới được ăn những món này, có anh đánh giá là như tìm thấy Hà Nội ở Jakarta.
Ở Jakarta và Palembang, hai khách sạn tụ tập đông đảo phóng viên Việt Nam là Onyx Residence (Jakarta), 999 Hotel (Palembang). Cứ đến mỗi buổi trưa và tối, sau khi tác nghiệp, hình ảnh quen thuộc là các cây bút thể thao vốn "chém" ầm ầm trên các trang báo, kênh sóng lại lao vào bếp, hì hụi nấu nướng. Gửi thêm chủ khách sạn ít tiền củi lửa, anh em tha hồ trổ tài, trong khi ở nhà có mấy ai chịu vào bếp đâu. Được cái, tự nấu vừa rẻ hơn ngoài quán lại vừa hợp khẩu vị. Phóng viên trú tại 999 Hotel ở Palembang còn tiện hơn khi chợ cách khách sạn quãng trăm mét. Mỗi ngày, trước khi đến địa điểm thi đấu, mấy phóng viên lại đi chợ (theo đúng nghĩa đen) rồi tay rau, tay thịt mang về để nhờ tủ lạnh bếp ăn khách sạn. Chợ này chẳng khác một cái chợ thường gặp ở Hà Nội, bán đủ thứ, từ rau trái đến thịt bò, thịt lợn, thịt gà, hải sản… Giá rau đắt gấp đôi ở Hà Nội, còn thịt thà chỉ đắt hơn chút xíu.
Riêng hải sản, nhất là món cua biển loại càng to bằng ngón chân gây bất ngờ hơn cả. Những ngày đầu đến chợ này, anh em không dám hỏi vì nghĩ rằng rất đắt, nào ngờ chủ hàng báo giá 40.000 rupiah (100.000 đồng)/kg. Giá ấy ở Hà Nội chắc chỉ mua được 2 lạng. Cua ở chợ tươi rói , không bị buộc dây to chằng chịt như ở Hà Nội, chỉ có sợi dây nhỏ đủ để quấn chắc càng. Đương nhiên, phóng viên ta mua cua biển "không thương tiếc". Những ngày cuối SEA Games 26, "tiếng lành" giá cua biển ở khu chợ này đồn xa, phóng viên Việt Nam ở các khách sạn khác, thậm chí VĐV Việt Nam cũng đánh tiếng nhờ mua hộ để rồi tối đến ăn cua biển tẹt ga. Nhiều người, nếu không mua được ở đây thì cũng có "định hướng" khi ra siêu thị mua cua biển.
Có lẽ, đấy là món ăn được phóng viên Việt Nam nhớ đến nhiều nhất sau khi rời Palembang.