"Việt Nam không có khủng hoảng ngân hàng"

Kinh tế - Ngày đăng : 09:47, 14/01/2012

(HNMO)- Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẳng định như vậy. Ông phân tích, nhu cầu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trước tiên xuất phát từ nhu cầu tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng chuyển từ kinh tế phát triển theo chiều rộng sang kinh tế phát triển có chiều sâu…

Trong buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ hôm 12/1, một độc giả, đồng lời cũng là một nhà kinh tế cho rằng đã nhìn ra cuộc khủng khoảng ngân hàng ở Việt Nam trước đây 3 năm bởi sự bất cập về cơ chế quản lý, buông lỏng, lập quá nhiều ngân hàng, cho vay bất động sản không kiểm soát.  Độc giả này hỏi Thống đốc có phải nhóm lợi ích chi phối hoạt động của ngân hàng.

Trước khi trả lời câu hỏi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, khẳng định ngay rằng: Việt Nam không có khủng hoảng ngân hàng.

Ông giải thích, hiện nay chúng ta đặt vấn đề tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng không phải do hệ thống ngân hàng của chúng ta yếu kém đến mức độ không tái cấu trúc nó thì nó đổ vỡ ngay lập tức. Trong cuộc sống, hay cụ thể hơn là trong một lớp học, dù lớp đó rất tốt, xuất sắc, cũng có 1 tỷ lệ nhất định các học sinh học chưa khá. “Điều đó hết sức dễ hiểu, trong hệ thống ngân hàng cũng vậy, với tỷ lệ khoảng 10% yếu kém”-Thống đốc nói.

Việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hiện nay xuất phát từ nhu cầu của đất nước trong bối cảnh thay đổi lại mô hình phát triển kinh tế. Mỗi nền kinh tế có hệ thống huyết mạch của nó, cơ thể như thế này thì cần huyết mạch tương ứng. Chúng ta nếu muốn xây dựng cơ thể khác, thì nội dung cơ bản của cơ thể đó là trái tim và huyết mạch cũng phải có điều chỉnh khác đi. 


“Như vậy, nhu cầu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trước tiên xuất phát từ nhu cầu tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng chuyển từ kinh tế phát triển theo chiều rộng sang kinh tế phát triển có chiều sâu, theo hướng từ số lượng sang chất lượng. Đấy là nhu cầu thứ nhất và cấp bách và cũng để đáp ứng nhu cầu đó, chúng ta cũng kèm theo là giải quyết những yếu kém đang tồn tại trong hệ thống ngân hàng”.-ông Bình nhấn mạnh.

Ông phân tích tiếp, hệ thống ngân hàng của chúng ta về cơ bản vẫn đáp ứng được những yêu cầu của cuộc sống đặt ra và trên thực tế. Thực tế cho thấy, những năm vừa qua, chẳng hạn như năm 2008, lạm phát cao, rất nhiều khó khăn, hệ thống ngân hàng của Việt Nam vẫn đứng vững. Sau đó, năm 2009, khi có khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngân hàng thế giới, kinh tế thế giới chao đảo, hệ thống ngân hàng của chúng ta vẫn đứng vững. Do vậy, ông khẳng định một lần nữa rằng: Việt Nam không có khủng hoảng hệ thống ngân hàng.

Liên quan đến vấn đề có lợi ích nhóm trong hệ thống ngân hàng hay không, Thốc đốc cho biết, nếu trên góc độ vĩ mô toàn hệ thống, ông khẳng định là không, còn dưới góc độ một vài ngân hàng thì có. Bởi hiện nay, chúng ta có một số tổ chức tín dụng yếu, quy mô nhỏ, tình hình tài chính không lành mạnh. Các tổ chức đó phục vụ lợi ích một số cổ đông chiếm tỷ trọng chi phối đối với tổ chức đó. Lợi ích nhóm ở đây là lợi ích của các cổ đông lớn của ngân hàng đó mà đúng ra, ngân hàng phải phục vụ lợi ích đại chúng.

Ảnh minh họa



Về việc liệu ngân hàng có biện pháp giúp thị trường chứng khoán được cải thiện, người đứng đầu NHNN cho hay, nếu ngân hàng sử dụng trong tỷ lệ cho phép thì có thể được, không ảnh hưởng đến tính chất dòng vốn của thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, nếu ngân hàng sử dụng quá tỷ lệ này, thì vừa ảnh hưởng đến ngân hàng, vừa ảnh hưởng thị trường chứng khoán. Do vậy, về bản chất, không thể dùng vốn ngắn hạn của ngân hàng để cho vay trên thị trường chứng khoán là thị trường vốn trung và dài hạn, mà ngân hàng chỉ có thể cho vay một tỷ lệ nhất định. Thời gian qua chính sách đã được thực hiện như thế.

Còn trong tình hình hiện nay, do đang thắt chặt tín dụng, ưu tiên tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thì tỷ lệ nói trên đã giảm xuống rất thấp, hiện khoảng 3%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. "Chúng tôi khẳng định tất cả những biện pháp đang làm hiện nay, đặc biệt là quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, là những bước đi cơ bản, vững chắc để giúp không chỉ lập lại-hay gọi là trả lại tên đúng nghĩa-cho thị trường tiền tệ và thị trường vốn, trong đó có thị trường chứng khoán".

Thống đốc phân tích thêm, trước đây, đầu tư toàn xã hội lên tới 44% GDP, trong khi tích lũy chỉ 20%, tức là lúc nào cũng ở tình trạng nhu cầu đầu tư rất cao, nhưng khả năng về vốn rất thấp. Từ đó, hệ thống ngân hàng nâng lãi suất lên, đua nhau hút phần 20% nêu trên vì hút bao nhiêu cũng cho vay ra được. Và khi lãi suất lên cao như vậy, thị trường vốn không còn gì để hoạt động, thị trường tiền tệ đồng thời thực hiện chức năng thị trường vốn. Khi NHNN thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, các ngân hàng thương mại vẫn hút vốn, thì thị trường chứng khoán rất “xanh xao”, khi chính sách được nới lỏng thì tỷ lệ cho vay chứng khoán cao lên, thị trường chứng khoán lại “hồng hào”.

Như vậy, “việc ngân hàng bơm vốn để cải thiện thị trường chứng khoán là biện pháp sai về bản chất.”- Thống đốc kết luận.

Do vậy, về căn cơ, theo Thống đốc, phải lập lại trật tự trên 2 thị trường này, thị trường tiền tệ phải trở theo với vai trò của nó, thì thị trường vốn mới phát triển được. Để thị trường tiền tệ trở về đúng bản chất của nó, không phải là một kênh đầu tư vốn mà chỉ thu hút tiền tạm thời nhàn rỗ, lãi suất chỉ ở một mức độ nhất định. Nếu lãi suất không hấp dẫn, người dân sẽ tìm sang kênh đầu tư khác. Hiện NHNN đang điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nâng cao giá trị đồng Việt Nam, nên như thực tế năm 2011, nếu đầu tư vào ngoại tệ thì không có lợi bằng đầu tư vào nội tệ, tức là ngoại tệ không còn hấp dẫn. Người ta có thể đầu tư vào vàng, nhưng chính sách về quản lý thị trường vàng trong thời gian tới sẽ làm cho thị trường này không còn hấp dẫn nữa. Về thị trường bất động sản, chính sách vừa rồi khiến thị trường này không còn nóng, sốt, biến động lớn.

“Người dân sẽ đầu tư vào thị trường vốn, thị trường trái phiếu, cổ phiếu và đó là hướng chúng tôi đang đi. Nhưng bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất mong các cơ quan quản lý Nhà nước khác về thị trường vốn cũng phải có bước đi thích hợp.”-Thống đốc mong mỏi.