Tác hại nhiều mặt
Kinh tế - Ngày đăng : 07:16, 14/01/2012
Đội quản lý thị trường số 2 (Chi cục QLTT Hà Nội) niêm phong lô hàng nhập lậu có nhãn mác. Ảnh: TTXVN |
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, nạn hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta hiện nay diễn ra khá phổ biến, có xu hướng gia tăng và tính chất ngày càng nghiêm trọng. Hàng hóa vi phạm khá đa dạng về chủng loại, cấp độ, diễn ra ở cả hàng tiêu dùng lẫn vật tư, nguyên liệu cho sản xuất… ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng và quyền lợi của nhà sản xuất. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2011, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 793 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, phạt hành chính với số tiền 4,034 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu tiêu hủy hơn 1,8 tỷ đồng... Chỉ tính trong nửa đầu tháng 1-2012, thời điểm giáp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, lực lượng QLTT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra nhiều vụ vận chuyển kinh doanh hàng hóa phục vụ Tết, đã thu giữ gần 3.000 chai rượu ngoại các loại không có tem nhập khẩu, không rõ nguồn gốc, giả nhãn mác; phát hiện một cơ sở sản xuất mì chính giả ở xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, thu giữ 15 tấn mì chính giả cùng nhiều nhãn mác của các hãng mì chính quen thuộc... Trước đó, sáng 29-11-2011, đồng loạt ra quân kiểm tra và xử lý các điểm kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn thành phố, lực lượng QLTT Hà Nội đã tạm giữ hàng nghìn sản phẩm vi phạm từ giày thể thao cao cấp tại các cửa hàng trên phố Hàng Dầu (quận Hoàn Kiếm), phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa) đến mỹ phẩm tại các quầy kinh doanh trong chợ Đồng Xuân...
Ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội QLTT số 2 (Chi cục QLTT Hà Nội) cho biết, việc xác định có phải là hàng giả, hàng nhái hay không còn phải chờ giám định của các cơ quan chức năng vì công nghệ sản xuất ngày càng tinh vi, thậm chí nhiều trường hợp không xử lý được vì nhà sản xuất không hợp tác. Thời gian qua, số lượng hàng nghi là giả bị thu giữ tại quận Hoàn Kiếm khá lớn nhưng chủ yếu của những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, nên rất khó xử lý tận gốc.
Nạn hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã và đang cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước. Chống tệ nạn này, ngoài việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường của cơ quan chức năng, theo ông Phạm Bá Dục, Phó Chủ tịch Hội Chống hàng giả Hà Nội, các doanh nghiệp bên cạnh việc thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng hàng hóa dịch vụ, phải chủ động phát hiện, tố cáo các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng giả... với cơ quan chức năng và phối hợp tích cực trong việc xác minh làm rõ. Còn bà Thái Ngân Sinh Hồng, đại diện hãng mỹ phẩm Nivea tại Việt Nam cho biết, hiện hàng giả không chỉ dừng lại ở việc "nhái" nhãn mác hàng thật mà đã được nâng lên một mức cao hơn là sản xuất hẳn một sản phẩm mới rồi dán mác hàng chính hãng. Chẳng hạn Nivea chỉ sản xuất son dưỡng môi dành cho nữ nhưng trên thị trường lại xuất hiện son dưỡng môi nam giới mang nhãn hiệu Nivea. Các sản phẩm phấn trang điểm, bút kẻ mắt cũng vậy. Do đó việc cơ quan chức năng nắm được thông tin về hàng hóa cũng là điều rất cần thiết và ở đây có phần trách nhiệm của nhà sản xuất.
Tại hội thảo chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tổ chức cuối tháng 11-2011 vừa qua, ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: Hiện không chỉ chế tài xử phạt việc sản xuất, buôn bán hàng giả còn nương nhẹ mà cơ chế thực thi pháp luật, đặc biệt là cơ chế kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm vẫn còn chồng chéo; sự phối hợp giữa các ngành, lực lượng chức năng còn lỏng lẻo, tình trạng địa phương, cục bộ vẫn còn... Cho đến nay, chưa có cơ quan nào được phân công cụ thể và có cơ chế thu thập, tổng hợp thông tin về hoạt động này do vậy khó có được cái nhìn tổng quát, đầy đủ. Để khắc phục tình trạng trên, nên giao cho một cơ quan duy nhất, đồng thời phải có quy định, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng lực lượng trên từng địa bàn. Hơn nữa, buôn lậu, làm hàng giả nhập khẩu thường gắn với chuyển tiền, nếu có biện pháp kiểm soát chặt chẽ được việc thanh toán tiền cũng sẽ làm giảm đáng kể tình trạng buôn bán hàng qua biên giới.
Để việc chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đi vào thực chất và đem lại hiệu quả, người tiêu dùng mong muốn các lực lượng chức năng xây dựng được các phương án đấu tranh đối với từng mặt hàng cụ thể và đặc biệt là theo tuyến, địa bàn trọng điểm. Các bộ, ngành có liên quan cũng cần triển khai ngay việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có biện pháp xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp... Quan trọng hơn cả là các doanh nghiệp trong nước phải quan tâm, đẩy mạnh sản xuất những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phù hợp với sức mua của người có thu nhập thấp và đến được với thị trường nông thôn, góp một phần giải quyết việc làm cho người lao động. Người tiêu dùng, để tránh trở thành nạn nhân, cũng cần thiết phải có thái độ dứt khoát tẩy chay "hàng giả, hàng nhái".