Có thay được mái ấm gia đình?

Xã hội - Ngày đăng : 06:48, 14/01/2012

(HNM) - Việc người già vào sống tại các trung tâm nuôi dưỡng là điều hết sức bình thường ở các xã hội hiện đại. Tuy nhiên, ở nước ta, với truyền thống hiếu lễ, trọng người cao tuổi thì đây là vấn đề còn nhiều tranh luận. Nghiên cứu mới đây của Viện Tâm lý học cho thấy một bức tranh không nhiều mảng sáng về cuộc sống của người già tại các trung tâm nuôi dưỡng người cao tuổi.

110 hoàn cảnh

Vào một ngày cuối năm, cán bộ nghiên cứu của Viện Tâm lý học (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) đã tới Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ mồ côi và Trung tâm Bảo trợ III Hà Nội để tìm hiểu những suy nghĩ của người cao tuổi đang sống tại đây. Những lời tâm sự của các cụ, nhất là ánh mắt mong ngóng, lời mong ước của cụ N.H khiến cho nhà nghiên cứu trẻ nhói lòng: "Tôi muốn được ở nhà ăn Tết nhưng con cháu vẫn bắt phải vào đây. Tôi rất muốn về nhà ở với các cháu, nhưng con không đón về".

Khám bệnh cho người già tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam

Theo thạc sĩ Đỗ Duy Hưng, Viện Tâm lý học, kết quả cuộc nghiên cứu 110 người già khỏe mạnh, có khả năng giao tiếp bình thường, hiện đang sống tại 2 trung tâm cho thấy, có đến 110 hoàn cảnh khiến họ phải vào đây. Cụ ông N.V.T là một trường hợp điển hình. Không có con trai, cả đời cụ chăm lo cho con gái mong nghĩ về già sẽ được nương nhờ, nhưng thực tế, cụ không thể sống chung được với con gái và con rể. Cụ tâm sự: "Tôi vào đây là do con cháu bắt buộc, phải sống theo ý của chúng nó. Nếu không vào đây, tôi chỉ biết ngồi ở ngoài đường. Ai vào đây sống cũng chỉ vì có hoàn cảnh khó khăn, không sống chung được với con cháu".

"Theo nhận xét của các cụ, trung tâm nuôi dưỡng người già là nơi tạo điều kiện thuận lợi để con cháu có điều kiện đi làm kinh tế nhằm bảo đảm cuộc sống gia đình; là nơi con cháu bày tỏ "lòng hiếu thảo" đối với các cụ. Tuy nhiên, cũng có nhiều cụ cho rằng, trung tâm nuôi dưỡng người già là nơi để con cháu các cụ dễ dàng thoái thác trách nhiệm trực tiếp chăm sóc cha mẹ cho người khác…

Chỉ là nơi nương tựa

Trước khi vào sống trong các trung tâm, các cụ hình dung về cuộc sống ở đây rất khác nhau. Chính vì vậy, khi đã trở thành thành viên của trung tâm, các cụ có tâm trạng "buồn vui lẫn lộn". Có thể dễ nhận thấy, khi về già, đa số người già muốn tìm về quê hương, bản quán, nơi đã gắn bó thân thiết với cuộc đời mình, muốn sống những năm tháng cuối cùng của cuộc đời với con cháu. Lựa chọn hoặc bắt buộc phải lựa chọn sống tại trung tâm là trái với những mong muốn đó. Trước kia, cụ bà Đ.T.T nghĩ cuộc sống ở đó rất vui vẻ, có bạn bè tâm sự, chia sẻ nỗi vui buồn với nhau, được thoải mái làm những công việc mình thích, không bị ai làm phiền cũng như không làm phiền đến ai. Thế nhưng thực tế lại không như vậy. Cụ tâm sự: "Cuộc sống ở đây không giống như mình nghĩ nên tôi thấy hụt hẫng. Suốt ngày chỉ quanh quẩn trong phòng, hết ngồi lại đứng hoặc nằm ngủ". Theo các nhà nghiên cứu, sự thất vọng, hụt hẫng đến với không ít người già khi vào trung tâm là do các cụ chưa tìm hiểu thông tin chính xác về nơi mình định sống những năm tuổi già. Trên thực tế, có đến 36,4% số người được hỏi không tìm hiểu thông tin về các trung tâm nuôi dưỡng.

Nhưng lý do khiến các cụ hụt hẫng nhiều nhất chính là tâm trạng nửa muốn vào trung tâm cho khỏi phiền đến ai, nửa muốn ở nhà sống gần con cháu, họ hàng, làng xóm. Mang tâm trạng ấy nên khi phải vào trung tâm, không ít cụ bị sốc. Cụ ông N.K.T là một trường hợp như vậy. Lúc bắt đầu vào trung tâm, cụ bị sa sút sức khỏe phải đi cấp cứu, đầu óc căng thẳng, tinh thần hoảng loạn khiến chưa đầy tháng mà cụ đã gầy đi 6kg.

Trung tâm nuôi dưỡng dành cho người già là một mô hình mang ý nghĩa xã hội. Nhưng, do quan niệm truyền thống của người Việt Nam coi trọng mối quan hệ gắn bó bền chặt trong gia đình, đặc biệt là nghĩa vụ của con cháu trong việc chăm sóc người già và trên thực tế các trung tâm không thay thế được chức năng của một mái ấm gia đình nên trung tâm nuôi dưỡng người cao tuổi thường được coi là nơi dành cho các cụ có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa hoặc có mối quan hệ không tốt với con cháu. Đây là một quan niệm tương đối tiêu cực. Do đó, để xã hội có một cái nhìn sáng sủa hơn và các trung tâm được nhiều người già đón nhận, việc xã hội hóa công tác chăm sóc người cao tuổi cũng như đầu tư thích đáng cho việc xây dựng trung tâm nuôi dưỡng người cao tuổi chất lượng cao là điều cần thiết, đặc biệt khi dân số Việt Nam sắp bước vào giai đoạn già hóa.

Lâm Vũ