Tập trung tái cơ cấu kinh tế

Kinh tế - Ngày đăng : 06:41, 14/01/2012

(HNM) - Lạm phát giảm dần trong các tháng cuối năm, cân đối vĩ mô có sự chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, an sinh xã hội được duy trì ổn định... là những nhận định khi tổng kết năm 2011 của nền kinh tế. Tuy nhiên, năm 2012 vẫn được dự báo sẽ còn nhiều thách thức...

Vượt qua thử thách

Từ đầu năm 2011, các doanh nghiệp (DN) đã phải đối mặt với việc điều chỉnh tỷ giá VND với USD, sau đó là việc tăng giá xăng dầu và giá điện. Những yếu tố trên đã cộng hưởng, tạo ra "cú sốc" đánh mạnh vào hoạt động SXKD cũng như nhiều lĩnh vực của đời sống KT-XH. Hậu quả là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng liên tục trong ba quý đầu năm, mặc dù Chính phủ đã quyết liệt thực hiện Nghị quyết 11 nhằm kiềm chế lạm phát và tiếp tục điều chỉnh mức tăng CPI để cuối cùng "chốt" lại ở mức 18% cho mục tiêu cả năm.

Sản xuất linh kiện xe máy tại Công ty TNHH TS Việt Nam (KCN Nội Bài). Ảnh: Huy Hùng

Giá nguyên, nhiên liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng nhanh đã ngáng chân hoạt động SXKD, đẩy hầu hết DN vào cảnh khốn khó, thậm chí là phá sản. Nhiều DN nhỏ và vừa kêu cứu, nhưng không thể thay đổi được tình thế bởi thiếu vốn. Trong nhiều cuộc họp cuối năm 2011, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đều nhất trí đánh giá, những yếu kém, tồn tại bấy lâu của nền kinh tế đã được dịp bung ra, gây hậu quả nặng nề và cho thấy phải tái cấu trúc nền kinh tế càng sớm càng tốt. Vấn đề nổi cộm tiếp theo là sự "đóng băng" trên thị trường bất động sản (BĐS), lại bị "bồi" tiếp bằng động thái cắt giảm đầu tư, thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ khiến cho giới xây dựng cũng như kinh doanh BĐS lâm vào cảnh điêu đứng. Ấy là căn nguyên của những đợt hạ giá, thậm chí ở mức 30-40% với một số loại hình BĐS và đây là cơ hội cho giới thu nhập khá hoặc trung bình có thể mua được căn hộ với giá hợp lý. Chung số phận với BĐS là sự trầm lắng của thị trường chứng khoán, với chuỗi ngày "tụt dốc" của hàng loạt mã chứng khoán lớn và lần đầu tiên nhà đầu tư có thể mua với giá dưới 1.000 đồng/cổ phiếu... Trong hoàn cảnh như vậy, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, địa phương kiên trì áp dụng những giải pháp đồng bộ để thực hiện Nghị quyết số 11, nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Các DN đã gồng mình, huy động vốn và các nguồn lực, sát cánh cùng xã hội vượt khó, vươn lên. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2011 tăng 5,89% so với năm 2010. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) nhận định, nền kinh tế vẫn bảo đảm các cân đối vĩ mô, kinh tế đối ngoại đạt thành tựu đáng ghi nhận.

Đáng lưu ý, Hà Nội đã góp phần không nhỏ vào thành tựu chung bằng những kết quả đáng khích lệ, với tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 10,1%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,2%, tổng mức bán lẻ tăng 23,7%, kim ngạch xuất khẩu tăng 27,1%, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 13,5% so với năm trước...

Tập trung tái cơ cấu nền kinh tế

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, năm 2012 Việt Nam sẽ tập trung tái cơ cấu nền kinh tế nhằm đổi mới mô hình phát triển, chuyển dịch từ tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu, ưu tiên phát triển công nghệ cao, tăng năng suất lao động, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh kết hợp tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là những mục tiêu lớn, đòi hỏi sự thống nhất cao và ý chí quyết tâm hành động. Chính phủ chỉ đạo tiếp tục triển khai Nghị quyết 11, ưu tiên kiềm chế lạm phát trong bối cảnh dự báo tình hình năm 2012 vẫn ẩn chứa nhiều yếu tố bất lợi. Song, với tinh thần chủ động, đón bắt những cơ hội, phát huy tiềm năng cùng các nguồn lực tổng hợp, nền kinh tế vẫn được kỳ vọng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 6-6,5%... tất cả nhằm ưu tiên cho ổn định vĩ mô, tăng trưởng hợp lý. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định, năm 2012 là thời gian huy động nhiều nguồn lực để khởi động mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh. Tái cơ cấu sẽ diễn ra trên diện rộng, với tinh thần quyết liệt.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, cần giảm dần tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội và vốn nhà nước chỉ nên tập trung cho xây dựng hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Đồng thời, cơ quan quản lý sẽ hướng dẫn, khuyến khích thu hút vốn đầu tư quốc tế, đề cao vốn tư nhân trong nước qua hình thức hợp tác công - tư và phát huy chính sách xã hội hóa đầu tư.

Năm 2012, số dự án/công trình bị đình hoãn sẽ nhiều và chắc chắn ảnh hưởng đến đời sống xã hội tại một số địa phương, đơn vị có liên quan, nhưng đây là giải pháp buộc phải chấp nhận nhằm giảm tốc độ lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội. Bộ KH-ĐT sẽ rà soát, ưu tiên dành vốn cho dự án có khả năng hoàn thành sớm, cấp thiết hoặc có sức lan tỏa lớn về KT-XH của đất nước...

Hồng Sơn