Cuộc chiến khí đốt chưa dừng
Thế giới - Ngày đăng : 05:38, 14/01/2012
Theo các nhà quan sát, đây sẽ là một "cuộc chiến" dài tập và chưa có dấu hiệu khai thông do hai bên kiên quyết bảo lưu quan điểm của mình. Ukraine cho rằng, nước này đang phải mua khí đốt với mức giá quá cao, khoảng 410 USD/1 nghìn mét khối, hơn nhiều lần so với giá khí đốt mà Nga bán cho Belarus là 164 USD/1 nghìn mét khối. Trong khi đó, Nga cam kết sẽ xem xét giảm giá bán với điều kiện Kiev phải giảm giá cho thuê Hệ thống vận chuyển khí đốt (GTS) hiện ở mức 20 tỷ USD. Mátxcơva coi đây là cái giá "cao ngất ngưởng", chưa kể số tiền khoảng 7-8 tỷ euro mà Nga và Liên minh Châu Âu (EU) phải bỏ ra để nâng cấp GTS. Ngoài ra, Nga cũng đòi phía Ukraine giảm giá trung chuyển quá cảnh khí đốt của Nga sang Châu Âu.
Đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Ukraine. |
Cuộc "đấu khẩu" tiếp tục leo lên một nấc thang cao hơn khi ngày 12-1, Kiev tuyên bố sẽ giảm gần gấp đôi lượng khí đốt mua của Mátxcơva, từ mức 52 tỷ mét khối xuống còn 27 tỷ mét khối nếu giá khí đốt không giảm xuống khoảng 250 USD/1 nghìn mét khối. Đáp lại, phía Nga khẳng định Ukraine vẫn phải thanh toán số tiền mua lượng khí đốt như đã thỏa thuận từ trước. Vì theo hợp đồng mua - bán khí đốt có giá trị 10 năm do cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko ký năm 2009, hằng năm Kiev phải trả cho Mátxcơva tối thiểu số tiền của 33 tỷ mét khối "nhiên liệu xanh" bất kể khối lượng khí đốt nhận được trong năm là bao nhiêu. Trong trường hợp có thay đổi, hai bên phải thông báo cho nhau trước 6 tháng. Trước sự phản ứng có phần cứng rắn của Nga, Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov thậm chí còn không ngần ngại công khai ý định đưa vụ việc ra trước Tòa án quốc tế để phân xử nếu hai bên không thể đàm phán được một hợp đồng cung cấp khí đốt mới với giá bán thấp hơn.
Trên thực tế, dấu hiệu trục trặc về khí đốt giữa Nga và Ukraine đã xuất hiện từ sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Dmitri Medvedev và người đồng nhiệm Ukraine Viktor Yanukovych cuối năm 2011. Từ lâu Nga đã thể hiện rõ quan điểm: chỉ có thể giảm giá khí đốt với điều kiện Ukraine gia nhập Liên minh Thuế quan (Nga - Belarus - Kazarstan) cũng như thành lập xí nghiệp liên doanh Naftogaz - Gazprom. Tuy nhiên, Ukraine kiên quyết từ chối tham gia liên minh thuế quan này và chỉ sẵn sàng thành lập xí nghiệp liên doanh với điều kiện có dự án cụ thể về nâng cấp hệ thống vận chuyển khí đốt.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, "cuộc chiến khí đốt" giữa Nga và Ukraine nếu không được giải quyết sớm, sẽ làm "sứt mẻ" mối quan hệ mới được hàn gắn giữa hai quốc gia sau một thời gian dài sóng gió dưới thời kỳ chính quyền cách mạng Cam của cựu Tổng thống Viktor Yushchenko. Dự đoán này không phải không có cơ sở vì thời gian gần đây, Ukraine đã tung ra một số chính sách được cho là bước chuyển khá bất ngờ trong đường lối đối ngoại. Trong đó, đáng chú ý là tuyên bố của Tổng thống Viktor Yanukovych khẳng định: "Lựa chọn Châu Âu là nền tảng chính trị đối ngoại của Ukraine và các giá trị của Châu Âu sẽ là cơ sở cho sự phát triển của Ukraine".