Hết thời “tay không bắt giặc”

Công nghệ - Ngày đăng : 07:52, 13/01/2012

(HNM) - Để hoàn thiện và giới thiệu ra thị trường các sản phẩm iPad 2 và iPhone 4, Apple đã chi hơn 1,8 tỷ USD cho việc nghiên cứu và phát triển (R&D). Đổi lại, trong cùng thời kỳ, thu nhập của hãng tăng lên 22,3 tỷ USD… Với thế giới, câu chuyện này không có gì mới nhưng với DN nước ta, đây là vấn đề nan giải.


Nhóm nghiên cứu vệ tinh nhân tạo (Fspace) của Viện Nghiên cứu công nghệ FPT lắp đặt cột anten thu sóng vệ tinh trên nóc tòa nhà FPT.

Cuộc "cách mạng" về tư duy

Theo bà Hoàng Thu Hiền (Trường Quản lý khoa học và công nghệ - KHCN), DN Việt Nam đầu tư cho KHCN chỉ chiếm khoảng 20%-30% phần nhà nước đầu tư, bằng 1/3 so với các nước phát triển. 80% DN không có chiến lược đầu tư cho KHCN. DN nước ta cũng chỉ dành 0,2%-0,3% doanh thu cho đầu tư đổi mới công nghệ, trong khi chỉ số này ở Ấn Độ, Hàn Quốc lần lượt là 5% và 10%... Rất ít đơn vị có bộ phận R&D, quỹ phát triển KHCN vì đây là bộ phận không sinh lợi nhuận ngay, trong khi chi phí đầu tư khá lớn. Hệ quả ra sao thì ai cũng thấy rõ.

Đó là câu chuyện của FPT. Mang danh tập đoàn công nghệ nhưng sự thực FPT đến nay không được nhắc đến bằng những sáng chế có khả năng áp dụng trên diện rộng mà thực chất chỉ là DN bán thiết bị cho nước ngoài. Rồi "cái chết" của ngành điện tử Việt Nam, sự "vỡ trận" trong ước mơ nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô… đều là trái đắng khi DN không hề có chiến lược đầu tư cho R&D. Chỉ đến gần đây, toàn cầu hóa, suy thoái kinh tế khiến không ít DN "ngộ" ra rằng, nếu không làm chủ công nghệ, mãi mãi họ sẽ tụt hậu.

Sau khi lập Viện Nghiên cứu công nghệ FPT, mới đây, FPT tiếp tục đưa ra dự thảo quy chế đầu tư và phát triển. Theo đó, hằng năm, FPT dành khoản ngân sách bằng 5% lợi nhuận trước thuế năm liền trước của Tập đoàn để chi cho các hoạt động R&D. Các trường hợp đặc biệt phát sinh ngoài ngân sách do Hội đồng Quản trị công ty phê duyệt riêng và các đơn vị thành viên khi thực hiện quy chế này được FPT hỗ trợ 100% kinh phí. Với động thái này có thể thấy việc FPT "rót" hàng chục, thậm chí là hàng trăm tỷ vào những dự án nghiên cứu trong thời gian tới không có gì lạ.

Tương tự FPT, những động thái gần đây của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho thấy đơn vị này cũng đặc biệt chú ý đến vấn đề R&D. Mới đây, Viettel đã đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử viễn thông có khả năng sản xuất nhiều chủng loại như điện thoại di động, máy tính bảng, thiết bị hạ tầng mạng, thiết bị thông tin quân sự... Cùng với Viện Nghiên cứu phát triển Viettel (chuyên thiết kế sản phẩm), Trung tâm Sản xuất điện tử Viettel (chuyên sản xuất sản phẩm) đã góp phần trực tiếp hoàn thiện mô hình của Viettel trong chiến lược sản xuất thiết bị điện tử viễn thông, dần thoát khỏi "cái bóng" là sử dụng hoàn toàn hạ tầng do nước ngoài cung cấp.

"Giấc mơ" 3.000

Mục đích của các dự án R&D sẽ là những sản phẩm mới có hàm lượng trí tuệ cao, đủ sức cạnh tranh trên thương trường hoặc họ có thể tách ra thành những đơn vị hoạt động độc lập. Đây chính là mô hình DN đang được Chính phủ, Bộ KHCN khuyến khích phát triển với mục tiêu nước ta sẽ có 3.000 DN KHCN vào năm 2015.

Theo Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Việt Thanh, đến năm 2011, cả nước đã có hơn 220 DN (kể cả DN tư nhân) lập viện hoặc trung tâm nghiên cứu chuyên ngành. Sự ra đời của các viện, trung tâm này đã giúp cho DN tự chủ nghiên cứu và đổi mới công nghệ, kịp thời ứng phó với biến động của thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường bằng các sản phẩm mới hoặc sản phẩm có tính năng mới. Đến nay, số đơn vị đủ điều kiện để được công nhận là DN KHCN có khoảng 2.000, với trên 300 DN được hình thành từ các viện nghiên cứu, trường ĐH. Đã xuất hiện không ít DN KHCN, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, có tốc độ tăng trưởng (về giá trị tài sản và doanh số) lên tới vài chục, vài trăm và vài ngàn lần (sau 3-5 năm) so với thời điểm thành lập ban đầu.

Tiêu biểu trong số này là sự phát triển của Công ty cổ phần Dịch vụ thông tin (Naiscorp). DN này được thành lập tháng 7-2006 với số vốn khởi điểm là 25 triệu đồng, phát triển từ đề tài nghiên cứu khoa học về công cụ tìm kiếm tiếng Việt. Tháng 11-2006, Google định giá Naiscorp là 25 triệu USD. Tháng 6-2011, Badu, Naver định giá Naiscorp lần lượt là 80 và 95 triệu USD. Hoặc Công ty UpAnh thành lập năm 2009 từ đề tài hệ thống chia sẻ dữ liệu hình ảnh trên website của sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội (www.UpAnh.com). Hiện nay, CyberAgent (Nhật Bản) và tập đoàn SofBank định giá 6 triệu USD cho UpAnh.

Trên thực tế, cơ hội tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của DN KHCN là rất lớn. Cụ thể: DN KHCN được hưởng những ưu đãi cao nhất về thuế, nghĩa là họ được miễn hoàn toàn 4 năm thuế thu nhập DN, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo và thuế suất 10%. Thủ tục thành lập DN KHCN rất đơn giản. Sau khi đăng ký kinh doanh, DN nộp hồ sơ đăng ký để được công nhận là DN KHCN tại Sở KHCN. DN có nguyện vọng hỗ trợ kinh phí của nhà nước có thể nộp hồ sơ đến Quỹ Phát triển KHCN quốc gia và sắp tới sẽ có Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia để được tài trợ, cho vay ưu đãi để đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm.

Những động thái trên đây là sự thay đổi tư duy rất cần thiết của một bộ phận DN Việt Nam cũng như các cấp quản lý. Rõ ràng, đã đến lúc DN cần là trung tâm của quá trình đổi mới công nghệ, là địa chỉ ứng dụng kết quả nghiên cứu chứ không chỉ trông chờ vào các viện nghiên cứu như thời gian qua.

Đan Nhiễm