Lý Sơn “khát” điện
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:22, 13/01/2012
Trong căn nhà cũ kỹ, ở đội 16, thôn Đông, xã An Hải, ông Võ Cà 74 tuổi cùng vợ và ba người cháu đang chờ cô con dâu đi làm mướn về để ăn bữa chiều. Chiều xuống, trời đã xâm xẩm tối, cô con dâu tất tả về nhà. Tối nay là bữa An Hải không được dùng điện lưới nên nhà ông Cà ăn sớm chừng nào thì tiết kiệm được ắc quy chừng ấy.
Ông Võ Cà ở đội 16, thôn Đông, xã An Hải, Lý Sơn giờ không còn đất để canh tác do nhường đất cho Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Lý Sơn. |
Bữa cơm gần xong là lúc bóng tối đã buông kín ngôi nhà. Cô con dâu ông Cà, chị Trương Thị Hiền (42 tuổi) lật đật đứng dậy bật nguồn ắc quy. Chiếc bóng quả nhót tỏa ra chút ánh sáng yếu ớt đủ để gia đình kết thúc bữa cơm. Hai đứa con gái đang tuổi đi học đều phải học bài, làm bài dưới ánh sáng này. Có bữa hết ắc quy, chị Hiền phải bật đèn dầu cho các con học. Cô chị cả mới tốt nghiệp Trung cấp y Quảng Ngãi đang chờ việc ở nhà cũng phải nhịn đọc sách và xem ti vi.
Hơn 2.000 hộ dân ở xã An Hải cùng chịu cảnh một tối dùng điện lưới, một tối dùng điện ắc quy giống như nhà ông Cà. Những hộ khá giả hoặc kinh doanh thì dùng máy phát điện. Trong khi An Hải đang ở phiên phải "nhịn" thì bên xã An Vĩnh lại đến lượt được dùng điện lưới. Mọi nhà đều bật đèn, bật ti vi và các gia đình quây quần bên bữa cơm chiều. Các quán cà phê, karaoke, quán nhậu, ca nhạc xập xình, khách khứa ra vào nhộn nhịp. Nếu đứng từ trên đỉnh núi Thới Lới, núi cao nhất trong 5 ngọn núi trên đảo Lý Sơn, nhìn xuống thì sẽ biết là tối nay bên An Hải hay bên An Vĩnh có điện lưới. Thời hạn để hơn 2.000 hộ dân bên An Vĩnh dùng điện lưới là từ 17 giờ đến 23 giờ. Tuy nhiên, điện không phải lúc nào cũng ổn định. Điện áp yếu nên thỉnh thoảng bóng đèn lại xỉu xuống một lúc rồi mới sáng trở lại. Có tối mất điện vài ba bận. Tối nay An Vĩnh được dùng điện lưới thì tối mai đến phiên An Hải được dùng điện lưới. Thực tế là trên đảo Lý Sơn khi màn đêm buông xuống, một nửa đảo bên này sáng và nửa còn lại tối. Và đến tối hôm sau thì ngược lại.
"Dân Lý Sơn thèm điện lắm", ông Cà nói, "nhà tôi là còn thèm ít hơn nhà khác ấy". Ông Cà kể lại, ngày xưa Lý Sơn làm gì có điện lưới, đa phần là dùng ắc quy, một số ít thì chạy máy nổ. Mãi quãng năm 1999 hay 2000 gì đó, nghĩa là khoảng hơn 10 năm nay Lý Sơn mới có điện để dùng. Hiện nay, người dân bên xã An Bình (đảo Bé) đang phải thắp sáng bằng pin mặt trời hoặc dùng ắc quy. Bên đó còn không có nước ngọt tự nhiên để dùng.
Sở dĩ người dân Lý Sơn mỗi đêm phải chịu cảnh nửa này sáng, nửa kia tối là vì nguồn cung điện cho cả đảo chỉ trông cậy vào Nhà máy Nhiệt điện Lý Sơn còn 3 tổ máy đang chạy bằng dầu diesel với công suất 1.300KW. Cấp điện luân phiên đang là lối thoát tạm thời nhưng lại là duy nhất của ngành điện Lý Sơn.
Từ hy vọng đến thất vọng
Trước thực trạng thiếu điện ở Lý Sơn, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và huyện đảo Lý Sơn đã hơn một lần tìm kiếm các dự án điện về cho nhân dân nhưng chẳng hiểu sao đến giờ chưa có dự án nào thành công. Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện chạy bằng than do TKV làm chủ đầu tư chỉ là một trong số ba dự án xây dựng nhà máy điện ở huyện đảo này. Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, trước dự án nhiệt điện này còn có 2 dự án điện gió do các doanh nghiệp nước ngoài làm chủ đầu tư nhưng rồi đều rút lui vì lý do này, lý do khác.
Ông Võ Cà nhớ lại, cái bữa cách đây ba năm người ta tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy nhiệt điện trên mảnh đất mà ở đó có phần ruộng của nhà, ông cùng mấy đứa cháu còn ra xem. Dân thôn Đông, xã An Hải khấp khởi trong dạ từ bữa khởi công đó. Họ tự hào vì sẽ có một nhà máy điện trên phần đất vốn là ruộng tỏi, ruộng hành. Họ cũng mơ tới một cuộc sống đủ điện để dùng và để sản xuất. Họ cũng đã hy vọng con cháu họ có thêm cơ hội có công ăn việc làm. Nhưng giờ đây, cái Tết thứ ba sắp đến rồi mà cái dự án cứ giậm chân tại chỗ.
Ông Cà và những hộ dân mất đất canh tác để xây nhà máy điện đều có chung bức xúc. Họ đã nhiều lần đề xuất với lãnh đạo cấp xã cứ để đất không như thế thì phí quá nhược bằng cho dân trồng tỏi trở lại còn có ích hơn.
Ông Dương Nhựt, Phó Chủ tịch xã An Hải, cũng phải thừa nhận rằng dự án làm lâu mà chẳng xong bà con có ý kiến cũng có lý của họ. Ông Nhựt kể lại: "Ngày đó, chính tôi xuống vận động nhân dân giao đất, có người giao hết đất luôn, với lý do là cán bộ cũng như bà con thôi đều mong muốn có điện cả. Tôi nói với bà con là cuối năm 2011 là có điện trong khi kế hoạch ghi là quý III, tôi đã trừ hao đến mấy tháng ấy chứ. Thế mà đến giờ không thấy điện đâu. Giờ tôi ngại gặp bà con lắm! Nhiều người mất hết đất nên phải đi làm thuê để sống". Có lẽ việc khó nhất cho những cán bộ như ông Nhựt là giờ phải đi vận động người dân cố gắng chịu khổ thêm thời gian nữa để hy vọng có dự án điện khác về. Trong khi đó, người dân đã mất đất mà điện chẳng thấy đâu.
Lãnh đạo huyện Lý Sơn biết dân bức xúc nhưng cũng không biết phải làm sao vì việc nhà máy nhiệt điện này có xây tiếp hay dừng hẳn để chờ một dự án khác cũng không nằm trong thẩm quyền quyết định của huyện. Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện nói như phân bua: "Trước thì bên chủ đầu tư nói là còn phải đàm phán giá điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, sau thì họ lại nói rằng giá thành các thiết bị, nguyên vật liệu và nhân công lên cao quá nên không thể thi công tiếp… Mấy lần họ mời ra Hà Nội để họp nhưng lại hoãn. Lần gần đây nhất thì tôi lại không đi được".
Bao giờ hết "khát" điện
Ngồi bó gối trong căn nhà tồi tàn, ông Võ Cà rủ rỉ, trước đây nhà ông có đám rẫy rộng hơn 1.000m2 chuyên trồng hành, tỏi. Cuộc sống của cả nhà trông cả vào đám rẫy này, tuy không giàu nhưng đủ ăn. Giờ đây không còn một mét ruộng nào. Sao khi bàn giao đất, ông nhận tổng cộng hơn 50 triệu đồng tiền đền bù đất và hỗ trợ hộ nghèo. Ông Cà nói: "Nhà nước thu hồi đất để làm nhà máy điện, dân không phản đối nhưng thu hồi xong lại để không như rứa thì xót ruột lắm! Đất khu đó làm tỏi, làm hành là đạt lắm!"
Trường hợp mất hết đất như ông Võ Cà ở đội 16 thôn Đông không phải là hiếm. Nhưng oái oăm là ở chỗ đám ruộng của con dâu ông là chị Trương Thị Hiền (42 tuổi) rộng 450m2 cũng bị mất và chỉ được đền bù có gần 6 triệu đồng. Chồng đã mất hơn 7 năm nên cuộc sống của chị Hiền cùng 4 đứa con đều trông cả vào thu nhập từ trồng hành, trồng tỏi. Chị Hiền nhẩm tính nếu trồng 2 vụ hành, 1 vụ tỏi, 1 vụ đậu xanh ở mảnh đất đó, mỗi năm chị có thể thu về gần 20 triệu đồng. Chắc chắn cuộc sống của chị cùng các con sẽ dễ thở hơn nếu mảnh ruộng đó không bị thu hồi.
Câu chuyện của chị Hiền còn éo le ở chỗ, ban đầu khi ra UBND xã chị vẫn thấy có tên trong danh sách đền bù nhưng sau lại không thấy mà chị chỉ được nhận gần 6 triệu đồng. Họ nói ruộng của chị không thuộc diện đền bù. Đám ruộng đó là do vợ chồng chị phá hoang (khai hoang) từ ngày mới lấy nhau. "Thế là tôi gần như mất trắng đất", chị Hiền nghẹn ngào khi động chạm lại nỗi đau cũ, "tôi khóc bao nhiêu ngày đêm khi biết mình chỉ được nhận từng ấy tiền". Sau mấy tháng không chịu nhận tiền vì thấy quá bất công và thiệt thòi, rút cục chị Hiền vẫn phải ký nhận tiền vì xã bảo nếu không nhận thì sẽ sung công số tiền đó. Chị khẳng định để có điện thì mỗi người đều phải hy sinh một ít nhưng mất hết cả đất như gia đình chị thì cuộc sống cực quá! Thực tế có nhiều gia đình cũng chịu thiệt như nhà chị, nhiều người dân ra ký nhận tiền mà phải điểm chỉ vì không biết chữ. Cán bộ bảo chỉ vào đâu thì họ điểm chỉ vào đó rồi nhận tiền mà chẳng biết là có đúng hay không.
Giờ đây, cuộc sống của cả gia đình chị gồm bố mẹ chồng già cả ốm yếu lại còn 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi học đều trông cả vào nghề làm quê (làm nông) mướn của chị Hiền. Ai mướn chị làm gì thì làm việc đó để còn có tiền duy trì cuộc sống. Gia cảnh của chị Hiền đã nghèo lại càng nghèo hơn kể từ khi có Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện.
Lại thêm cái Tết nữa người dân ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) sẽ vẫn phải chịu cảnh xã này dùng điện, xã kia "nhịn". Theo lãnh đạo huyện Lý Sơn, dự án xây dựng nhà máy điện có lẽ sẽ dừng hẳn và tỉnh đang tính đến phương án kéo cáp ngầm cấp điện từ Dung Quất ra. Chưa biết đến bao giờ Lý Sơn mới hết khát điện?