Thống đốc NHNN: “Chưa thể giảm ngay lãi suất”
Kinh tế - Ngày đăng : 14:11, 12/01/2012
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết như vậy trong cuộc đối thoại trực tuyến với nhân dân vào sáng 12/1 tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Không có chuyện khó vay vốn trên thị trường liên ngân hàng
Trước phản ánh của một độc giả tại Tp.HCM về việc các ngân hàng lại huy động vượt trần lãi suất, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, mọi hành vi vi phạm các quy định của NHNN, trong đó có quy định về trần lãi suất đều vi phạm pháp luật và là biện pháp cạnh tranh không lành mạnh. Sau ngày 7/9/2011, NHNN đã xử lý quyết liệt hơn với nhiều giải pháp khác nhau, cũng đã xử lý được một số trường hợp. Đến nay, NHNN cũng nhận thấy và theo nhiều thông tin phản ánh, việc vi phạm trần lãi suất lại bắt đầu rộ lên. Do vậy đòi hỏi công tác thanh tra giám sát, xử lý của NHNN trong năm 2012 quyết liệt hơn nữa. NHNN đã xây dựng chương trình thanh tra của NHNN, trong đó, một trong những nội dung hết sức quan trọng ngoài việc đảm bảo an toàn hệ thống tổ chức tín dụng là chống cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt là cạnh tranh bằng lãi suất.
Nếu người dân có bằng chứng cụ thể về việc vi phạm, Thống đốc rất mong người dân gửi các bằng chứng này tới NHNN để xử lý nghiêm. Thống đốc cũng nói thêm, nếu tổ chức tín dụng vi phạm, người dân mà tham gia, thì đó cũng là những tòng phạm, và theo pháp luật thì phải xử lý cả tòng phạm. Do đó, ông đề nghị người dân không tiếp tay với những vi phạm này.
Một độc giả ở Tp.HCM kiến nghị nên áp trần lãi suất cho vay thay cho trần lãi suất huy động, người đứng đầu NHNN trả lời ngắn ngọn rằng, NHNN đã cân nhắc và thấy rằng trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam thì chỉ nên quy định trần lãi suất huy động mà không nên quy định trần lãi suất cho vay. Vì nếu quy định trần lãi suất cho vay thì còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhiều hơn nữa.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: "Chưa có điều kiện giảm ngay lãi suất trong giai đoạn hiện nay" |
Trả lời câu hỏi cũng của độc giả tại Tp.HCM về việc thị trường liên ngân hàng hiện gần như đóng băng, các ngân hàng không cách nào vay được 5 Ngân hàng thương mại Nhà nước, nếu vay được cũng phải thế chấp, người đứng đầu NHNN khẳng định: Nói rằng khó vay vốn trên hệ thống liên ngân hàng là không chính xác, chỉ là tin đồn. Hiện, 90% hệ thống liên ngân hàng cho vay bình thường, chỉ khoảng 10% các tổ chức tín dụng khó khăn hoặc có hiện tượng hoạt động không lành mạnh thì khó vay. Ông ví vón, nếu một người có khả năng toán, đạo đức tốt thì chúng ta dễ dàng cho vay hơn với một người nhất định không thể trả nợ và vay chỉ để tiêu xài hoang phí. “Hiện có khoảng 10% các tổ chức tín dụng đang có những khó khăn về tình hình tài chính, khó vay trên thị trường liên ngân hàng. Do đó, khi cho vay các ngân hàng khác đòi hỏi phải có thế chấp. Tình hình này đòi hỏi NHNN phải xử lý các tổ chức không lành mạnh đó để trả lại sự lành mạnh cho thị trường.”-ông Bình khẳng định.
Lạm phát giảm mới chỉ là điều kiện cần để hạ lãi suất
Trước câu hỏi về những biện pháp và kế hoạch giảm lãi suất theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ là ngành ngân hàng tập trung giảm lãi suất cho vay và hoàn toàn có thể đưa lãi suất về mức hợp lý với lạm phát bằng cơ chế thị trường chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, nhu cầu giảm lãi suất trong hệ thống ngân hàng là nhu cầu thiết thực, chính đáng đối với người sản xuất. Đó cũng là mong mỏi của Chính phủ nói chung, lãnh đạo NHNN nói riêng. Nhưng có hạ được lãi suất hay không còn phụ thuộc rất nhiều điều kiện.
Thứ nhất, lạm phát năm qua mặc dù kiềm chế được, từ tháng 8 trở lại đây, chỉ số CPI qua các tháng, có tốc độ tăng giảm so với các tháng trước, nhưng vẫn là tăng, ít nhất là 0,3%, nhiều thì xấp xỉ 1%. Lạm phát có tăng nhưng tốc độ tăng chậm đi vào những tháng cuối năm.
Cả năm vừa qua, lạm phát vẫn ở mức 18,5. Đây là cố gắng lớn, nhưng so với các nước trong khu vực và trên thế giới cũng như so với thực tiễn điều hành kinh tế vĩ mô của nhiều nước thì đây là mức lạm phát quá cao.
Với mức lạm phát cao như vậy mà lại đề nghị giảm ngay mức lãi suất thì chưa phù hợp. Tất nhiên, khi hoạch định chính sách lãi suất là hoạch định cho 12 tháng tiếp theo. Có nghĩa là, kỳ vọng về lạm phát nếu chúng ta làm tốt thì cũng làm giảm được kỳ vọng lạm phát.
“Tốc độ tăng lạm phát trong những tháng cuối năm giảm xuống cũng tạo ra kỳ vọng, tiền đề để hệ thống ngân hàng có thể giảm được lãi suất. Tuy nhiên đây mới là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ. Trong khi đó, chúng ta cũng thấy rằng vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay đang là vấn đề hết sức quan trọng và nhức nhối.”-ông Bình lo lắng.
Người đứng đầu NHNN cũng cho rằng, trong nhiều năm qua, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàngrất lớn, trong 10 năm vừa qua tốc độ tăng trưởng trung bình 29,4%/năm. Tín dụng tăng trưởng như vậy trong khi phần lớn nguồn vốn huy động được là ngắn hạn. So với quy định của NHNN, cơ cấu sử dụng nguồn vốn của hệ thống các ngân hàng chưa chuẩn. Phần lớn nguồn vốn huy động được là nguồn vốn ngắn hạn trong khi đó các tổ chức tín dụng lại sử dụng một tỷ lệ rất lớn cho vay trung và dài hạn. Theo quy định của NHNN, tỷ lệ này chỉ ở mức 30%, nhưng trên thực tế các tổ chức tín dụng đã vượt con số này từ lâu. Có tổ chức lên tới 60-70%, có tổ chức đến cả 100%. Điều đó thể hiện, vốn thì ngắn hạn, cho vay trung và dài hạn, đến khi thắt chặt lại chính sách tiền tệ để chống lạm phát như năm vừa qua, lập tức các tổ chức này khó khăn về thanh khoản. Do vậy, cuối năm vừa rồi lạm phát bắt đầu có xu hướng giảm, nhưng nhu cầu về vốn của hệ thống ngân hàng cho bản thân hệ thống ngân hàng để đảm bảo thanh khoản cũng còn rất lớn. Đối với nền kinh tế, tỷ lệ tăng trưởng hết sức chặt chẽ rồi. Riêng vốn cho hệ thống ngân hàng đảm bảo thanh khoản rất lớn.
“Trong bối cảnh đó, chưa có điều kiện giảm ngay lãi suất trong giai đoạn hiện nay. Lạm phát giảm chỉ là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ để giảm lãi suất trong hệ thống NH. Lãnh đạo NHNN cùng hệ thống các ngân hàng thương mại đang tìm nhiều giải pháp để từng bước hạ lãi suất trong hệ thống NH ở mức độ hợp lý vừa để đáp ứng nhu cầu chính đáng của các doanh nghiệp, của nền kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo mức thanh khoản và tính ổn định của hệ thống ngân hàng.”-Thống đốc kết luận.
Liên quan đến việc tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 được đưa ra mức đề xuất là 15-17% và tiêu chí phân cấp ngân hàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho hay, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong năm 2012, theo tinh thần của Nghị quyết của Quốc hội cũng như Nghị quyết của Chính phủ, toàn hệ thống ngân hàng sẽ tăng trưởng tín dụng ở mức 15-17%. Thế nhưng năm nay NHNN không cào bằng tỷ lệ này cho tất cả các tổ chức tín dụng mà sẽ phân loại các tổ chức tín dụng để trên cơ sở đó có quy định về tỷ lệ được tăng trưởng tín dụng.
Để phân loại các tổ chức tín dụng bao gồm rất nhiều tiêu chí nhưng phần lớn là dựa vào các chỉ tiêu, chỉ số về mức độ lành mạnh trong hoạt động tài chính của tổ chức tín dụng. Thống đốc ví: Một cơ thể khỏe mạnh thì chúng ta cũng tạo mọi điều kiện để cơ thể đó phát triển. Còn cơ thể bắt đầu có dấu hiệu bị bệnh, chúng ta cũng có điều trị hay chế độ ăn kiêng ở mức vừa phải để vẫn đảm bảo được sức khỏe nhưng cũng qua được bệnh tật. Những người nào mắc bệnh nặng thì chế độ ăn kiêng, chế độ điều trị nặng hơn nữa. Hay có những người nặng hơn nữa, chẳng ăn uống được gì thì chỉ có chuyển thuốc. Trong hệ thống các ngân hàng cũng được thực hiện tương tự như vậy. Các tiêu chí sẽ được công khai minh bạch, thậm chí mỗi tổ chức tín dụng đều có thể biết mình nằm ở nhóm nào.