Kiềm chế được tăng trưởng tín dụng ở mức thấp

Kinh tế - Ngày đăng : 12:03, 12/01/2012

(HNMO) – Những thành tích nổi bật trong công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước cũng như những hạn chế của ngân hàng năm 2011 đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh trong cuộc đối thoại trực tuyến với người dân sáng 12/1/2012.

Một trong những thành công lớn nhất năm 2011 là kiềm chế tăng trưởng tín dụng ở mức thấp trong khi vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Tăng trưởng tín dụng năm qua của Việt Nam là 13,1% (mức thấp nhất trong 20 năm trở lại đây), trong khi vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế 6%. Đây là mức tăng trưởng được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh kinh tế thế giới và tình hình trong nước gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc chúng ta đã giữ ổn định được tỷ giá và thị trường ngoại hối cũng là một thành công lớn trong lĩnh vực điều hành tiền tệ. Nếu tính từ tháng 2/2011 đến 31/12/2011 thì tỷ giá của Việt Nam biến động không quá 1%. Kết quả đó là do sự điều hành chung của chính sách tiền tệ, sự hấp dẫn của đồng Việt Nam so với ngoại tệ. Hiện tượng đầu cơ vào ngoại tệ đã giảm đi rất nhiều và người dân có xu hướng bán ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng, làm cho thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng được cải thiện, cũng như NHNN có điều kiện mua được ngoại tệ, tăng dự trữ quốc gia...


Quang cảnh buổi đối thoại trực tuyến sáng nay.


Theo Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình, những thành công trong kinh tế - xã hội năm 2011 đã thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ nhà lãnh đạo cao nhất cho tới mỗi người dân, cũng như sự chia sẻ, đồng thuận của toàn xã hội, trong đó, có sự đóng góp tích cực của hệ thống ngân hàng…

Trả lời câu hỏi trong chính sách điều hành tiền tệ có những khó khăn do tự chúng ta gây ra là gì, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho rằng, mọi chính sách được ban hành phải phù hợp với thực tiễn cuộc sống, để giải quyết các vấn đề cụ thể trước mắt hoặc dài hạn. Muốn vậy, NHNN phải có các công cụ, biện pháp thích hợp. Chính sách ngân hàng thường sử dụng là điều tiết lượng tiền trong lưu thông. Nếu cung tiền ít thì thiếu thanh khoản, nếu nhiều thì dẫn tới lạm phát. Điều đó đòi hỏi NHNN phải có chính sách điều hành tiền tệ chặt chẽ, và nhiều khi, sự điều hành đó vừa phải khoa học, vừa lại là nghệ thuật. Đối với chính sách tiền tệ, những lý thuyết cơ bản đã được ghi thành sách giáo khoa cùng với các công cụ nhất định, nhưng việc điều hành chính sách sao cho hợp lý là cả một vấn đề nghệ thuật.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, thời gian qua, đôi khi Ngân hàng nhà nước chưa làm tốt công tác đó dẫn tới có một số bất ổn về kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lạm phát. Mặc dù lạm phát do nhiều nguyên nhân, nhưng cũng phải nói rằng, có nguyên nhân do chính sách tiền tệ. Đó là những yếu kém mà hệ thống ngân hàng đang cố gắng hoàn thiện để làm sao nâng cao năng lực điều hành chính sách tiền tệ, không những theo thông lệ quốc tế mà còn thể hiện trình độ, hay nghệ thuật, cho phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam…

Cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Đối thoại với độc giả Đỗ Thị Nguyệt Minh về các giải pháp chống lạm phát an toàn và hiệu quả, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, 3 biện pháp của độc giả đưa ra (giảm có lộ trình việc tăng trưởng tín dụng hàng năm; thu hồi đúng hạn các khoản cho vay; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp công tác thẩm định các dự án vay vốn đầu tư, kiên quyết không cho vay đối với tất cả các dự án không hiệu quả, hoặc thời gian hoàn vốn quá dài) là chính xác. Tuy nhiên, những biện pháp chống lạm phát không chỉ là như vậy. Ví dụ, lạm phát năm 2011 là 18% thì phần do chính sách tiền tệ hay tài khóa chiếm khoảng 12%, còn 6% là do các yếu tố khác. Ví dụ như tác động của giá quốc tế tăng cao ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả trong nước. Hoặc có nguyên nhân là do điều hành giá trong nước chưa tốt. Theo nghiên cứu mới nhất, trong 5 năm gần đây, lạm phát tại Việt Nam bám rất sát biến động giá lương thực thực phẩm. Trong khi chúng ta xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới, xuất khẩu thủy hải sản hàng đầu thế giới… (tức là lương thực, thực phẩm không hề thiếu) nhưng giá cả lương thực, thực phẩm vẫn tăng. Như vậy là điều hành giá còn nhiều điểm yếu. Nếu khắc phục được những điểm yếu này có thể lạm phát sẽ không ở mức 18 mà chỉ khoảng 12 hoặc 15%. Rõ ràng là cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp mới ổn định được nền kinh tế vĩ mô. 

Lạm phát cao mà đề nghị giảm ngay lãi suất là chưa phù hợp

Đối thoại với ông Trần Mạnh Hưng, Biên Hòa, Đồng Nai về các biện pháp để ngân hàng có thể đưa lãi suất về mức hợp lý bằng cơ chế thị trường chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng nhu cầu giảm lãi suất là nhu cầu thiết thực, chính đáng đối với người sản xuất. Đó cũng là mong mỏi của Chính phủ và lãnh đạo NHNN. Nhưng có hạ được lãi suất hay không thì lại còn phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện.

Thứ nhất, lạm phát năm qua mặc dù kiềm chế được, từ tháng 8 trở lại đây, chỉ số CPI có tốc độ tăng giảm so với các tháng trước, nhưng vẫn là tăng, ít nhất là 0,3%, nhiều thì xấp xỉ 1%. Lạm phát có tăng chậm đi vào những tháng cuối năm, nhưng cả năm 2011 lạm phát vẫn ở mức 18,5%. Đối với chúng ta là cố gắng lớn, nhưng so với các nước trong khu vực và thế giới cũng như so với thực tiễn điều hành kinh tế vĩ mô của nhiều nước thì đây là mức lạm phát quá cao. Với mức lạm phát cao như vậy mà lại đề nghị giảm ngay mức lãi suất thì chưa phù hợp. Tất nhiên, khi hoạch định chính sách lãi suất là chúng ta hoạch định cho 12 tháng tiếp theo. Có nghĩa là, kỳ vọng về lạm phát nếu chúng ta làm tốt thì cũng làm giảm được kỳ vọng lạm phát.

Tốc độ tăng lạm phát trong những tháng cuối năm giảm xuống cũng tạo ra kỳ vọng, tiền đề để hệ thống ngân hàng có thể giảm được lãi suất. Tuy nhiên đây mới là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ. Trong khi đó, chúng ta cũng thấy rằng vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay đang là vấn đề hết sức quan trọng và nhức nhối. Nhiều năm qua, tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH rất lớn. Trong 5 vừa qua là 33%/năm. Như vậy, tăng trưởng tín dụng rất là mạnh, trong khi đó chúng ta phần lớn nguồn vốn huy động được là ngắn hạn. So với quy định của NHNN, cơ cấu sử dụng nguồn vốn của hệ thống các ngân hàng chưa chuẩn. Phần lớn nguồn vốn huy động được là nguồn vốn ngắn hạn trong khi đó các tổ chức tín dụng lại sử dụng một tỷ lệ rất lớn cho vay trung và dài hạn. Theo quy định của NHNN, tỷ lệ này chỉ ở mức 30%, nhưng trên thực tế các tổ chức tín dụng đã vượt con số này từ lâu. Điều đó thể hiện, vốn thì ngắn hạn, nhưng lại cho vay trung và dài hạn. Gặp khi thắt chặt lại chính sách tiền tệ để chống lạm phát như năm vừa qua, lập tức các tổ chức này khó khăn về thanh khoản. Do vậy, đến nay lạm phát bắt đầu có xu hướng giảm, nhưng nhu cầu về vốn của hệ thống ngân hàng cho bản thân hệ thống ngân hàng để đảm bảo thanh khoản cũng còn rất lớn. Trong bối cảnh đó, chưa có điều kiện giảm ngay lãi suất trong giai đoạn hiện nay. Lãnh đạo NHNN cùng hệ thống các ngân hàng thương mại đang tìm nhiều giải pháp để từng bước hạ lãi suất trong hệ thống NH ở mức độ hợp lý vừa để đáp ứng nhu cầu chính đáng của các doanh nghiệp, của nền kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo mức thanh khoản và tính ổn định của hệ thống ngân hàng.

Cũng trong buổi đối thoại trực tiếp với người dân sáng nay (13/1) Thống đốc NHNN còn đề cập tới các vấn đề như vay vốn ngân hàng phát triển sản xuất, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, thị trường ngoại hối và vàng... Chiều nay, Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ đăng đàn giao lưu trực tuyến cùng độc giả tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Các cuộc đối thoại đều được truyền hình trên internet đồng thời truyền trực tiếp trên kênh VTC1- Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, phát thanh trực tiếp trên hệ Thời sự – Chính trị VOV1- Đài Tiếng nói Việt Nam để cung cấp thông tin tới các tầng lớp nhân dân trong nước, bà con Việt kiều, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trọng Quang