Dòng vốn lớn chờ đổ vào bất động sản?

Bất động sản - Ngày đăng : 07:45, 12/01/2012

(HNM) - Những bất cập nội tại dưới sự tác động thắt chặt tín dụng của kinh tế vĩ mô đã khiến thị trường bất động sản năm 2011 liên tục ở trong thế điều chỉnh, cân đối, ngày càng hướng về giá trị và nhu cầu thực.


Ecopark là một trong những dự án “xanh” thu hút sự quan tâm của Việt kiều.

Với giới xây dựng, kinh doanh bất động sản, để triển khai, hoàn thành các dự án xây dựng, ngoài nguồn vốn tự có; dựa vào vốn của các bạn hàng; huy động từ các tổ chức tín dụng, thì đa số doanh nghiệp tìm nguồn vốn đảm bảo và chủ yếu thông qua chính các khách hàng, người mua sản phẩm của mình.

Rõ ràng, từ đầu năm đến nay, khi ngân hàng siết chặt tín dụng phi sản xuất, trong đó đứng đầu là bất động sản thì giới xây dựng, kinh doanh lĩnh vực này đã gặp không ít khó khăn, nhiều đơn vị trở nên điêu đứng vì thời gian qua bung ra phát triển nóng, quá phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính. Với người có nhu cầu, trước thực tế ảm đạm và tác động của tâm lý quan ngại đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định xuống tiền của họ. Tuy nhiên, những tín hiệu kinh tế khả quan cuối năm đã đưa đến nhiều biến chuyển tích cực trên thị trường, cho thấy nguồn tiền dồi dào trong dân luôn chực chờ tìm đến bất động sản như một kênh có giá trị sử dụng, tích trữ truyền thống và dài hạn.

Đáng kể đó là tín hiệu hỗ trợ tín dụng: giảm lãi suất cho vay, nới thời gian trả nợ, cho phép người dân được vay tiền mua nhà ở; tiếp vốn cho doanh nghiệp xây dựng có dự án sắp hoàn thành và cho đáo hạn… được thực hiện ở một số ngân hàng thương mại. Động thái của các ngân hàng thương mại nói trên đi sau văn bản 8844 của Ngân hàng Nhà nước về chỉ đạo hoạt động tín dụng cuối năm - đưa 4 nhóm tín dụng có liên quan đến bất động sản ra khỏi nhóm phi sản xuất, đã khiến giới kinh doanh bất động sản mừng ra mặt. Chưa hết, thông tin trần lãi suất sẽ được điều chỉnh giảm dần thời gian tới, lãi suất tiền gửi được đồn thổi sẽ kéo về mức 12%/năm và đặc biệt là mới đây, Thủ tướng Chính phủ khẳng định sẽ quyết liệt kéo lạm phát năm 2012 về mức 1 con số, được là những diễn biến đáng chú ý.

Ở góc độ nhà đầu tư, đại diện một sàn BĐS cho hay, các nhà đầu tư của sàn này này hiện có tiền đều chọn gửi lãi cao, mặc cả lãi suất với ngân hàng. Con số trần lãi suất 12% khiến giới có tiền nhàn rỗi không mấy mặn mà. “Khi ấy, bất động sản và vàng sẽ lại là những lựa chọn cất tiền đầu tiên” – vị này khẳng định.

Tiền kiều hối kỷ lục

Bên cạnh những tín hiệu tháo gỡ nút thắt về vốn từ ngân hàng, một lượng tiền lớn từ kiều hối gửi về nước cũng là tin vui đối với giới kinh doanh địa ốc. Theo thông tin từ Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2011 là 9 tỷ đôla, tăng đột biến so với các năm trước (tăng 1,5 tỷ đô la so với năm 2010) và chiếm 1/10 GDP. Đặc biệt trong số này, có tới 52% được rót vào bất động sản.

Giới phân tích cho rằng, sở dĩ như vậy là do kinh tế toàn cầu nói chung khó khăn, việc kinh doanh, làm ăn của người Việt ở nước ngoài cũng ảnh hưởng nên nhu cầu chuyển tiền về nước làm vốn dự trữ cao hơn bình thường. Tiếp đó, nhận định bất động sản trong nước sau thời gian xuống giá khá mạnh, hiện đã ở mức khá rẻ nên đây chính là thời điểm mua vào. Ông Ngọc Trung - một Việt kiều Đức - tiết lộ: “Ngoài khía cạnh gửi tiền về hỗ trợ thân nhân sắm sửa, làm việc lớn thì dòng vốn của Việt kiều còn đầu tư trực tiếp vào nhà đất như là thành quả lao động sau một thời gian bôn ba để khẳng định với gia đình, xã hội. Chúng tôi đã mua biệt thự Vườn Tùng và căn hộ Rừng Cọ thuộc dự án Ecopark vì đây là đô thị sinh thái có mô hình phát triển gần gũi với các nước phát triển”.

Ngoài bất động sản “xanh” thì các dự án sinh thái nghỉ dưỡng cũng “hút” nguồn kiều hối. Chủ đầu tư của dự án Nine Ivory cho biết, dù mở bán vào đúng dịp thị trường bất động sản trầm lắng như hiện nay nhưng họ vẫn có được một lượng khách hàng đáng kể từ nguồn kiều hối chuyển về nước vào dịp cuối năm này. Bởi bất động sản nghỉ dưỡng với thế mạnh là thích hợp để đầu tư lâu dài, có khả năng sinh lời là cho thuê, rất thích hợp với nhu cầu của kiều bào Việt Nam sinh sống tại nước ngoài.

Ông Nguyễn Minh Tuấn – Phó GĐ Công ty Tư vấn Tiếp thị CBRE cũng cho hay, đơn vị này đang nhận được rất nhiều câu hỏi từ giới Việt kiều có cùng một nội dung như đã đến thời điểm mua vào hay chưa. Điều đó cho thấy nhu cầu và nội lực tài chính trong dân rất tốt. “Quý 4 thường là quý sôi động của thị trường nhà đất nói riêng. Các doanh nghiệp gần như đánh giá sơ bộ được phần lời lãi của họ và người đi làm cũng biết được mức thu nhập, lương thưởng. Chủ đầu tư đưa ra mức giá và thiết kế phù hợp sẽ chắc chắn thu hút được người mua và khiến họ ra quyết định” – ông Tuấn nhận định.

Y Linh