Nụ cười xuân sớm

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:58, 12/01/2012

(HNM) - Mặc gió rét, quên cả lạnh, cô bé Giàng Thị Lản kéo vạt váy ngồi phệt xuống sân trụ sở UBND xã mê mải ngắm tấm ảnh lịch năm mới rồi áp lên đôi má khô nứt vì lạnh, thích thú nhoẻn cười. Thì ra, tấm ảnh ấy chụp cô bé người dân tộc, nhỏ như Lản đang tung tăng với ô và váy áo xuống chợ phố huyện…

Lản chẳng dám mơ Tết năm nay mình được xuống chợ, vì gia đình còn nhiều khó khăn, vậy mà... Thật bất ngờ, chỉ cách Tết hai tuần, Lản cùng nhiều bạn nhỏ đã có được niềm vui xuống chợ sắm Tết nhờ số tiền mà Đoàn Thanh niên Hệ phát thanh đối ngoại (VOV5) - Đài Tiếng nói Việt Nam quyên góp trao tặng.

Thương lắm Tung Qua Lìn!

Vừa sau Tết Dương lịch, Hà Nội đón đợt rét nhất của mùa đông. 4 giờ 30 phút, trung tâm thành phố còn giá lạnh, phố xá vẫn chìm trong yên lặng, góc đường Bà Triệu, nhóm thanh niên chúng tôi lặng lẽ chuyển quà lên xe, kiểm tra lại tư trang, hội ý những cung đường sẽ đi, điểm danh quân số rồi lên đường. Sau 14 giờ, vượt 600km với ngút ngát rừng xanh, nồng nàn hương Dã Quỳ nở muộn để đến Lai Châu, không kịp nghỉ, tranh thủ ăn bánh mỳ trên xe, chúng tôi tiếp tục hành trình vượt hơn 50km đường "sợi chỉ", đèo dốc uốn lượn, ngập trong mây mù đến với Đồn Biên phòng Dào San (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu) ở độ cao hơn 1.600m so với mặt nước biển, hoàn thiện những khâu cuối cùng để sớm mai lên xã Tung Qua Lìn (huyện Phong Thổ) tổ chức chương trình tặng quà, đón Tết sớm cho học sinh và các hộ dân nghèo.

Tặng quà trẻ em Tung Qua Lìn.  

Sớm hôm sau, nghe kẻng báo thức của Bộ đội Biên phòng, cả đoàn lục tục hô nhau dậy, chuẩn bị xuống bản. Qua 4km đường cấp phối gồ ghề ổ gà, xe vào đến địa giới xã. Đường vào trung tâm dài 2km, đổ bê tông phẳng lỳ nhưng dốc dựng đứng lại vòng vèo, nên với xe to, hàng nặng, chúng tôi đành cuốc bộ. Trung tâm xã quy hoạch gọn ghẽ trên đỉnh cao 1.628m hiện ra trong nắng sớm, đẹp lạ. Biết chúng tôi ngạc nhiên, Trung tá Vũ Cao Hãn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Dào San vội giải thích: Hôm nay có lẽ là ngày đặc biệt nhất của mùa đông vùng biên. Bao năm nay thời tiết ở đây dìm chúng tôi trong giá rét, sương mù đặc quánh, mưa lạnh, đứng cách nhau một mét đã khó nhìn mặt người. Vậy mà hôm nay có người Thủ đô lên, trời lại hửng nắng. Thật lạ!... Cách đây ba năm ở đây hoang vắng lắm, nhà mới chỉ dựng khung rồi che bạt cho dân ở tạm. Đây là khu vực di dân mới của xã, sau đận sạt lở lớn ba năm trước. Những cơ sở hạ tầng thiết yếu gồm điện, đường, trường, trụ sở… mới toanh kia vừa được Nhà nước đầu tư. Tung Qua Lìn là xã biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu. Xã có 4km đường biên, giáp huyện Kim Bình (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Cả xã có hơn 300 hộ thì có tới 283 hộ nghèo, 13 hộ cận nghèo. Vào kỳ giáp hạt, nhiều gia đình không có gạo ăn. Cho đến thời điểm này, nguồn thu chủ yếu của người dân vẫn dựa vào nương rẫy và trồng thảo quả. Các hộ di dân do sạt lở lại càng gặp khó khăn hơn do thiếu nguồn nước sinh hoạt, nương rẫy và rừng trồng thảo quả xa hơn rất nhiều so với khu vực bản cũ. Vậy nên, cứu đói, chống rét ở đây lúc nào cũng là chuyện "thời sự" nhất…

Nếu không tận mắt chứng kiến thật khó có thể hình dung ở thế kỷ XXI này vẫn còn những đứa trẻ như chúng tôi gặp ở Tung Qua Lìn. Cả trăm trẻ em, từ mầm non đến THCS đứng đợi nhận quà Tết hôm ấy đều mặc không đủ ấm, nhiều em mũi dãi thò lò, mặt mày lem luốc. Đứa có dép thì phong phanh một áo sơ mi; đứa mặc váy ngắn thì đi chân đất; cũng có đứa may mắn đủ cả áo ấm, ủng nhựa thì mặt mũi đen nhẻm đất cát… Trời giá lạnh là thế, chúng tôi đã khoác lên người đủ loại quần áo ấm, đến nỗi người cứng đờ, chân tay khó cử động mà vẫn xuýt xoa vì lạnh, trong khi nhiều em nhỏ xuyên rừng từ sáng sớm đến xã nhận quà vẫn đứng trên nền xi măng lạnh giá bằng những đôi chân trần. Tôi đã thử xoa tay mình lên bàn chân cô bé Vàng Thị Mảy (người dân tộc Mông) ở bản Cang Há. Hình như da chân của em, của các bạn em đều đã dày lên, xù xì như... vỏ cây rừng gồng mình chống chọi với giá lạnh. Chợt thấy mắt mình cay cay! Lại mong mùa hè đến sớm…

Không phải lần đầu tiên chúng tôi về với Lai Châu và cũng không phải lần đầu chúng tôi thực hiện chuyến hỗ trợ, tặng quà Tết cho đồng bào vùng biên. Vì thế, thương những đứa trẻ Tung Qua Lìn bao nhiêu lại càng cảm phục các thầy giáo, cô giáo cắm bản miền sơn cước hẻo lánh này bấy nhiêu. Thật khó mà kể lại những gian khó của giáo viên cắm bản ở đây. Ngày tiếp ngày, sớm mùa đông, khi sương giăng đặc quánh, khó tỏ mặt người họ đã phải cuốc bộ vào bản đưa học sinh tới trường. Rồi những ngày mưa rừng xối xả, lũ quét ào ào… họ vẫn kiên nhẫn truyền từng con chữ cho những đứa học trò đen nhẻm, thiếu áo, thiếu quần. Rồi chuyện các cô giáo mầm non thay vì đón trẻ ở 6 điểm trường lại phải lặn lội đến từng nhà dắt trẻ ra lớp, chiều đến lại đưa trẻ về. Bữa cơm buổi trưa của cả cô và trò là những chiếc cặp lồng đựng cơm nguội, rau cải trộn muối mang theo từ sáng. Nhà nào kha khá thì trẻ có thêm chút thịt, đậu phụ…

Ấm áp nghĩa tình

Biết tin chúng tôi đến, tất thảy cán bộ xã Tung Qua Lìn ra tận cổng trụ sở đón đợi. Phó Chủ tịch xã Giàng A Lảnh tay bắt mặt mừng: "Tôi đi làm cán bộ được 10 năm rồi nhưng đây là lần đầu thấy có đoàn đến tặng quà mà toàn người trẻ tuổi đấy, vui quá. Ngày trước xã tôi nghèo lắm. Nay nhờ Nhà nước, nhờ nghĩa tình đồng bào khắp nơi ủng hộ nên căn bếp của bà con xã tôi đã ấm hơn". Xoay qua rót nước mời khách, rồi anh Lảnh lại khoe: "10 năm trước cả xã không ai biết chữ đâu. Tôi được làm cán bộ là nhờ "bộ đội đỏ, bộ đội xanh" dạy cho biết đọc, biết viết đấy. Thế mà bây giờ xã đã có người học xong lớp 12, rồi lại có 220 cháu đang học tiểu học, 126 cháu học THCS. Nay mai cả xã đều biết chữ… sẽ hết đói, hết nghèo nhanh thôi". Còn Chủ tịch xã Nguyễn Chí Thanh cho biết: Tôi là cán bộ huyện lên tăng cường được hơn hai năm rồi. Nay đã quen việc, quyến luyến với bà con dân bản lắm rồi. Ở đây cán bộ đoàn kết, thương dân mà dân cũng thương cán bộ lắm nên phong trào hoạt động của xã khá đều tay. Ngay cả việc di dời dân vùng sạt lở, khó là thế mà nay các hộ dân đã tạm thời ổn định. Nhớ trận mưa bão hồi tháng 7-2009 gây lũ quét, sạt lở đất làm mấy chục ngôi nhà bị vùi lấp, hàng chục người chết. Sau mưa lũ, khảo sát thấy có gần chục hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao, cần di dời khẩn cấp. Lúc đó, cán bộ xã cùng các lực lượng chức năng huyện, tỉnh đã sẵn sàng giúp dân dời nhà, nhưng các hộ khăng khăng không đi vì tiếc những gì đã gây dựng được. Trước tình thế đó, phải hàng chục đêm cán bộ xã kiên trì đến từng nhà thuyết phục, mãi các hộ dân mới đồng ý di dời… Sau đợt lũ ấy, UBND tỉnh Lai Châu đã quyết định phải di dời hơn 200 hộ dân thuộc 4 bản Căng Ký, Cò Ký, Cang Há, Khấu Dào khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, lập bản mới tại khu trung tâm xã.

Biết tôi là người của Báo Hànộimới, Chủ tịch Nguyễn Chí Thanh nhắn gửi lời cảm ơn của bà con Tung Qua Lìn về món quà quý là 10 con trâu do Báo Hànộimới trao tặng mấy năm trước. Góp vui câu chuyện cùng Chủ tịch xã, ông Giàng A Lơ (dân tộc Mông), khoe: "Tôi không có tên nhận quà Tết hôm nay, nhưng đã ngóng đoàn công tác từ mấy tuần nay rồi. Sáng nay tôi là người đến xã sớm nhất để vui với bà con nghèo và cũng muốn khoe với đoàn công tác năm nay tôi không còn là hộ khó khăn phải trợ cấp nữa. Cây thảo quả, lợn, gà… đã cho gia đình tôi nguồn thu ổn định trên 50 triệu đồng mỗi năm rồi".

Vượt qua hơn 10km đến nhận quà, ông Giàng Cháng Dình vui mừng nói: "Quà lớn quá, đồng bào mình biết ơn lắm. Dân mình còn đói nghèo nhiều lắm, có quà như thế này bà con rất phấn khởi, năm nay bà con sẽ có một cái Tết ấm áp hơn". Cùng tới thăm một số hộ dân tái định cư, Trung tá Vũ Cao Hãn như muốn để chúng tôi tự cảm nhận được cuộc sống đã yên ấm hơn của bà con. Thấy cán bộ đến, trẻ con trong bản túa ra, ríu rít theo sau. Đã rõ người quen, bà Lùng Thị Mào đon đả: "Cán bộ đến nhà chúng tôi vui quá, năm nay nhiều gia đình bản ta có Tết to. Quà của cán bộ tặng nhiều thứ lắm, có cả cặp bánh chưng, dầu ăn, đường, mỳ chính nữa…". Trong câu chuyện, bà Mào cho biết, trước kia gia đình ở bản Khấu Dào, nay lên bản mới, làm nương xa hơn nhưng yên cái bụng, không lo lở đất, chết người, dân vui lắm. Hiệu trưởng trường mầm non Nguyễn Thị Thủy phấn khởi nói một tràng dài tiếng Mông với những đứa trẻ bé xíu, rồi quay sang dịch lại cho chúng tôi rằng các cháu được nhận quà thế này là vui sướng lắm rồi, phải đến trường đều và ngoan thì các cô, chú mới vui, sẽ lại về cho quà nữa…

Tạm biệt Tung Qua Lìn trong ướt đẫm sương chiều, chúng tôi tự hứa dịp Tết mỗi năm sẽ cố gắng về với bà con một lần, không chỉ là để tặng quà mà chính là niềm vui tinh thần từ bà con, các thầy cô và cả những đứa trẻ đen nhẻm, đi chân đất giữa mùa đông lạnh giá đã níu giữ chúng tôi trở lại. Trời vẫn lạnh, nhưng chúng tôi đã thấy lòng mình ấm lên khi gặp ánh mắt trong veo, nụ cười rạng rỡ và những cánh tay bé xíu vẫy chào tạm biệt đầy yêu thương của lũ trẻ Tung Qua Lìn.

Trần Thanh