Cỗ xe trong cơn sóng gió
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:59, 11/01/2012
Bất ngờ cho biết sẽ đơn phương ban hành thuế Tobin - được đặt theo tên nhà kinh tế học đoạt Giải Noel năm 1981 James Tobin, người đầu tiên đề nghị loại thuế này - mà không cần chờ các đối tác trong châu lục đồng ý, bước đi gây sững sờ của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy phản ánh sự phân cấp khá rõ về lập trường chính sách của các lãnh đạo hàng đầu Lục địa già. Thật khó thuyết phục rằng bước tiên phong chưa từng thấy của ông chủ điện Elyssee chỉ đơn thuần là chuyện đánh thuế vào các giao dịch tài chính để răn đe hành động đầu cơ và mang lại thêm nguồn tiền cho Châu Âu. Việc giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Châu Âu theo cách của nước Pháp đang hiện thực hóa những đồn đoán rằng Paris muốn có một vai trò chủ động và lớn hơn trong châu lục.
Khác với sự đồng lòng gần như tuyệt đối trong nhiều chủ trương chống khủng hoảng của bộ đôi Pháp - Đức, lần này, Thủ tướng Đức Angela Merkel tỏ ra chưa sẵn sàng với chủ trương áp thuế mới. Dù không ít lần khẳng định sự cần thiết thực hiện các biện pháp nhằm tăng nguồn thu đang ngày càng hạn hẹp vì những khoản cứu trợ khổng lồ của Châu Âu, song Berlin lại thiên về một chính sách thận trọng hơn với đề nghị cần có sự đồng thuận giữa các thành viên EU hay ít nhất là giữa các nước trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) về vấn đề này. Sự do dự của Đức không khiến dư luận ngạc nhiên, vì chắc chắn trung tâm tài chính Frankfurt - trái tim tiền tệ của châu lục sẽ bị chấn động với biện pháp nếu được thực hiện sẽ làm mất lòng các nhà đầu tư. Đây cũng là lý do gây phản ứng gay gắt của Thủ tướng Anh David Cameron ngay sau thông điệp từ nước Pháp. Mặc dù không sử dụng đồng euro, nhưng những rắc rối mà Eurozone đang gặp phải đã gây tác động không nhỏ tới sự hồi phục của nền kinh tế Anh. Trong bối cảnh đã có quá nhiều cảnh báo về những rủi ro đang chờ đợi xứ sở Sương mù, ông chủ số 10 phố Downing có cơ sở để lo ngại rằng thuế Tobin sẽ gây xáo trộn lớn tại trung tâm tài chính London khi nhiều ngân hàng cũng như thể chế thương mại đang hoạt động tại đây có thể sẽ từ bỏ nước Anh để chuyển tới những địa chỉ hấp dẫn hơn nhằm tránh sưu cao thuế nặng. Nếu điều này thành hiện thực, nền kinh tế Anh xem ra khó mà trụ vững trong bối cảnh hiện nay.
Đến lúc này, mỗi bên đều có lý do để giải thích cho quyết định của mình. Thế nhưng, sự cách biệt về quan điểm lại phác họa một thực tế gây quan ngại là những thành viên Châu Âu đang rẽ theo những ngả khác nhau trong khi đang rất cần sự đoàn kết và thống nhất để vượt qua cơn khủng hoảng. Những gì đang diễn ra cũng cho thấy giấc mộng hợp nhất như một siêu quốc gia để trở thành đối trọng lớn trên bàn cờ chính trị và kinh tế thế giới của Châu Âu, dù đã thành hiện thực nhưng bắt đầu bộc lộ nhiều vấn đề nội tại. Cũng không thể lảng tránh sự thật là dù Lục địa già đã cố gắng để có một tiếng nói chung thì đây vẫn chỉ là sự gắn kết của 27 mảnh ghép với những kích thước, quy mô và tiềm lực hoàn toàn không giống nhau. Và ý tưởng "Tobin" lại một lần nữa thử thách mối liên kết tại lục địa phồn hoa đang trong cơn sóng gió.
Tuy nhiên, làm thế nào để dung hòa các lợi ích để đạt được mục đích thoát khỏi vũng lầy nợ nần hiện nay chắc hẳn không phải là nhiệm vụ của riêng ai. Do đó, sự chuyển ý của Anh với thông báo từ Phó Thủ tướng Nick Clegg, cho biết sẽ ký Hiệp ước Châu Âu và thực hiện cam kết đóng góp 70 tỷ bảng cho việc giải cứu Eurozone sau khi từng thẳng thừng bác bỏ cách đây không lâu đã nhen lên niềm hy vọng rằng Cựu lục địa cuối cùng sẽ đạt được thỏa hiệp cần thiết để vững bước trên con đường hồi phục.