Phía sau nỗi buồn là…
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:08, 10/01/2012
Có không ít ý kiến bàn luận của giới báo chí, người dân, các chuyên gia, nhà phân tích, thậm chí của cả các đại biểu Quốc hội về tính khả thi, mức phí và việc thực hiện cụ thể đề xuất này. Tuy nhiên, phát biểu của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012 của ngành giao thông - vận tải lại cho thấy một góc độ khác của vấn đề.
Cụ thể, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo về các giải pháp và ra Nghị quyết về giảm thiểu tai nạn giao thông, giải quyết tình trạng ùn tắc. Nghị quyết này được gửi trước cho Ban Dự thảo nghị quyết của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đều có quyền tham gia xem xét, sau đó biểu quyết thông qua. Và việc thu phí lưu hành phương tiện cơ giới đường bộ, phí ra vào nội đô giờ cao điểm chính là một trong những giải pháp để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, bên cạnh đó có thêm nguồn thu để xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện tình hình, góp phần kiềm chế và tiến tới làm giảm số vụ tai nạn...
Cũng theo Bộ trưởng GTVT, các giải pháp đã được thông qua tại Quốc hội, vậy nhưng khi cơ quan chủ quản đề xuất thì vấn đề cứ như... từ "trên trời rơi xuống".
Vâng! Chuyện chính là ở chỗ đó.
Theo Bộ trưởng GTVT thì Nghị quyết về việc thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết những tồn tại trong lĩnh vực giao thông đã được Quốc hội biểu quyết thông qua. Như vậy chủ trương sẽ thực hiện những giải pháp quyết liệt về vấn đề này đã được Quốc hội thống nhất. Dù rằng có thể có những đại biểu còn ý kiến khác, song Ðiều 4 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: "Quốc hội tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ; làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số". Ngay sau kỳ họp Quốc hội, Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền các cấp thực hiện nghị quyết đó, tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách và lâu dài mà Chính phủ đã đề ra. Đề xuất của Bộ GTVT cũng là nhằm thực hiện nhiệm vụ được giao.
Và nỗi buồn của Bộ trưởng GTVT không phải không có nguồn cớ khi có những phát biểu mà nghe ra cảm giác rằng, có những đại biểu Quốc hội chưa nghiên cứu thấu đáo nội dung trước khi biểu quyết thông qua một nghị quyết quan trọng đến như vậy.
Có thể thấy việc các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt những giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và giải quyết tình trạng ùn tắc là nhằm cụ thể hóa một chủ trương lớn đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ thông qua và chỉ đạo toàn hệ thống chính trị vào cuộc. Xét về từng giải pháp cụ thể của bộ, ngành, chính quyền các cấp mà ví dụ như đề xuất thu phí lưu hành phương tiện cơ giới đường bộ và phí ra vào nội đô giờ cao điểm của Bộ GTVT có thể là bất hợp lý, chưa khả thi thì cần phải có những điều chỉnh, tính toán, cân nhắc phù hợp với thực tế tình hình nhằm mục đích cụ thể hóa chủ trương thành hiệu quả trong thực tế cuộc sống. Trong mỗi một sự việc, một vấn đề, lĩnh vực, chúng ta luôn nhấn mạnh tới tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất. Sức mạnh chỉ thực sự phát huy và nhân lên gấp bội khi có sự đồng nhất trong toàn hệ thống để cùng vào cuộc vì một mục đích chung. Xét cho cùng, những giải pháp, đề xuất đưa ra của các bộ, ngành, địa phương rất cần sự góp ý, phản biện trên tinh thần xây dựng của mọi tầng lớp trong xã hội để những chủ trương, quyết sách lớn được nhanh chóng hiện thực hóa trong đời sống, phát huy cao nhất những yếu tố tích cực cũng như hạn chế tối đa những bất cập tồn tại.
Và vấn đề chính là ở chỗ đó.
Thực tế, tại các kỳ họp Quốc hội, đã có ý kiến về việc vắng mặt của một số đại biểu, dẫn đến việc thiếu sâu sát những nội dung đưa ra thảo luận tại tổ, tại hội trường hoặc thông qua tại Quốc hội. Như vậy xét về một khía cạnh, vẫn còn có những đại biểu Quốc hội chưa làm tròn trách nhiệm đại diện cho cử tri cả nước khi thiếu sự sát sao đối với những vấn đề dân sinh bức xúc trong đời sống. Không thể có lý do gì biện minh cho điều đó. Phải chăng đó cũng là vấn đề cần suy nghĩ đằng sau nỗi niềm của Bộ trưởng GTVT?