Xóa bỏ trì trệ trong cách thức phục vụ

Chính trị - Ngày đăng : 06:58, 10/01/2012

(HNM) - Nghị quyết 30c của Chính phủ đã xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một trong 6 nhiệm vụ của Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2011-2020.

Trong lộ trình thực hiện, các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu những cách làm phù hợp để mang lại hiệu quả tốt nhất phục vụ người dân và DN. Chúng tôi đã trao đổi với PGS, TS Nguyễn Thu Linh, Phó Viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển, nguyên giảng viên cao cấp Học viện Hành chính quốc gia về vấn đề này.


Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” quận Tây Hồ. Ảnh: Huyền Linh

- Là người quan tâm đến cải cách TTHC, bà cho rằng cải cách TTHC có ý nghĩa như thế nào và sự kỳ vọng của người dân, DN về vấn đề này hiện nay ra sao?

- Việt Nam đang hội nhập với thế giới để phát triển nên chịu tác động của kinh tế toàn cầu và thành tựu của công nghệ thông tin (CNTT). Nhịp sống giờ đây cũng nhanh hơn, đòi hỏi hiệu quả và cạnh tranh nhiều hơn, cơ hội gắn với thách thức. Những thay đổi đó đòi hỏi TTHC phải chuyển đổi để phù hợp, tạo điều kiện cho KT-XH phát triển. TTHC rắc rối, lờ mờ sẽ không chỉ làm lãng phí thời gian của người dân và DN mà còn làm mất cơ hội làm ăn của họ. Chỉ cần mỗi người dân mất thêm một ngày khi đóng thuế hoặc xin giấy phép xây dựng… sẽ thấy mất bao nhiêu công lao động của xã hội… TTHC liên quan đến nhiều mặt của cá nhân và tổ chức như giấy khai sinh, khai tử, hộ khẩu, đăng ký đất đai, giấy phép xây dựng, nộp thuế, xin cấp phép kinh doanh, hộ chiếu… Vì vậy, dưới góc nhìn của người dân và DN, họ kỳ vọng ở những tiến bộ về TTHC.

- Bà có thể đưa ra những ví dụ cụ thể về TTHC của các nước trên thế giới?

- Theo tôi, cái chúng ta cần quan tâm học hỏi là: cách thức họ thực thi các TTHC ra sao. Có thể xếp theo 4 mức như sau: Mức cao nhất, thường diễn ra ở các nước phát triển, người dân và tổ chức có thể thực hiện hầu hết các giao dịch với cơ quan công quyền qua mạng internet. Mức thứ hai là, qua trang web, công dân có thể tiếp cận các thông tin về TTHC mà họ cần. Sau khi nắm được thông tin về các điều kiện phải có và trình tự kê khai hồ sơ cũng như thời gian và lệ phí, họ sẽ đến cơ quan công quyền, ví dụ như chính quyền cơ sở để thực hiện giao dịch. Mức thứ ba là, thường diễn ra ở những nơi không có mạng internet, người dân phải đến cơ quan công quyền để tìm kiếm thông tin qua bảng thông báo và hướng dẫn của công chức. Mức thứ tư là, người dân phải tìm kiếm công chức để hỏi, nếu không được chỉ dẫn hoặc chỉ dẫn không rõ thì quay về hỏi bạn bè, hàng xóm. Đây là kiểu thông tin "truyền khẩu" khiến dân mất thời gian, vất vả vì thông tin không rõ ràng.

- Vậy theo bà chúng ta có thể vận dụng vào điều kiện trong nước như thế nào?

- Nếu các cơ quan hành chính các cấp thực sự thấy được ích lợi và quyết tâm thực thi cải cách TTHC, Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng mức thứ hai ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Còn ở những nơi trình độ dân trí còn thấp hơn, nên áp dụng mức thứ ba. Cách thức "truyền khẩu" chỉ nên áp dụng cho vùng cao, vùng xa. Thực thi theo mức thứ hai, thì cơ quan công quyền cần phải xây dựng trang web cho mình, trên đó ghi rõ các nhiệm vụ mà cơ quan phải thực hiện để dân được biết cũng như các thông tin về TTHC theo thẩm quyền. Mức thứ ba, các thông tin này cần được ghi công khai trên bảng thông báo của cơ quan và để ở nơi người dân dễ thấy nhất. Các mức trên đều đòi hỏi các cơ quan hành chính phải rà soát các thông tin về TTHC liên quan đến lĩnh vực mình quản lý để cung cấp một cách ngắn gọn, rõ ràng các thông tin mà người dân cần biết.

- Mới đây, quận 1, TP Hồ Chí Minh đã áp dụng một hình thức mới là người dân khi làm TTHC chỉ cần nhắn tin qua điện thoại để lấy số thứ tự và thời gian hẹn đến giao dịch. Trước đó, quận này đã gắn máy điện tử lấy ý kiến về mức độ hài lòng của người dân khi đến giải quyết TTHC. Bà đánh giá thế nào về cách làm này?

- Đây rõ ràng là một cải tiến rất đáng khích lệ vì nó đã vượt qua được sự trì trệ lâu nay trong cung cách phục vụ dân. Sáng kiến này nhỏ nhưng lợi ích thì không nhỏ khi nó đem lại cho người dân sống trên địa bàn tiện ích về thời gian và thay đổi bước đầu trong cung cách làm việc, đó là "hướng đến tôn trọng dân".

- Cải cách TTHC được thực hiện bởi các công chức, những người làm việc trong các cơ quan công quyền ở các cấp. Vậy, để việc cải cách TTHC thực sự hiệu quả, thuận tiện cho người dân và DN, cần có biện pháp gì?


- Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy Chương trình CCHC của Chính phủ 10 năm qua và 10 năm tới luôn có tên gọi là Chương trình tổng thể. Phải tổng thể, vì muốn có kết quả trong từng nhiệm vụ lại phụ thuộc nhiều vào việc thực hiện các nhiệm vụ khác. Không thể có TTHC tốt, công chức tốt trong một hệ thống xộc xệch. Theo tôi, cần có bộ máy với sự phân chia thẩm quyền hợp lý, rồi xây dựng bản mô tả công việc cho các vị trí công chức, đặc biệt là chế độ trách nhiệm của người đứng đầu. Những việc này sẽ giúp cho dòng chảy công việc không bị ách tắc hoặc sai lệch và cũng dễ phát hiện để khắc phục. Bên cạnh đó, hằng năm nên tiến hành khảo sát về đánh giá của người dân, DN đối với kết quả của các cơ quan hành chính trong thực hiện TTHC cũng như cung cấp các dịch vụ công như giáo dục, y tế và công ích như điện, nước, giao thông, môi trường… Năm ngoái đã có hai khảo sát dưới cái nhìn của người dân và cái nhìn của DN. Kết quả khá giống nhau trong xếp hạng năng lực hành chính của 30 tỉnh, thành. Việc xếp hạng này sẽ góp phần giúp các cơ quan công quyền chuyển mình theo mong đợi của xã hội.

- Xin cảm ơn bà!

Lê Tuyết