Trách nhiệm của cơ quan quản lý ở địa phương bỏ ngỏ
Kinh tế - Ngày đăng : 06:46, 10/01/2012
Nhiều tồn tại của loại hình kinh doanh này đã được Thanh tra Bộ GTVT chỉ ra, nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý GTVT địa phương còn bỏ ngỏ. Được biết, đoàn thanh tra của Bộ GTVT đã thanh tra 12 DN về 9 nội dung hoạt động kinh doanh vận tải taxi. Kết quả, mặt tích cực thì ít, tồn tại, tiêu cực thì nhiều. Trong đó, có một số lỗi nghiêm trọng như: doanh nghiệp không đủ điều kiện hoạt động nhưng cơ quan quản lý cấp địa phương không phát hiện ra. Cụ thể, 5/12 doanh nghiệp bị kiểm tra không có giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định. Công ty cổ phần Hùng Hải Khuê (hãng taxi Mùa Xuân) không có người quản lý điều hành, không có trung tâm điều hành, phù hiệu taxi đã hết hạn từ ngày 15-10-2011 và các xe đang làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho các cổ đông. Khi thanh tra, công ty đã có văn bản đề nghị giải thể! Công tác quản lý, sử dụng lái xe taxi cũng có những lỗ hổng khiến hoạt động kinh doanh taxi không bảo đảm chất lượng dịch vụ, giá cước. Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Phú Gia (Taxi Phú Gia) không tính lương mà thực hiện khoán doanh thu 4 triệu đồng/người/tháng. Công ty này còn ký hợp đồng với lái xe về việc sử dụng bộ đàm, đồng hồ tính tiền và thương hiệu công ty. Đây là lý do doanh nghiệp không quản lý được lái xe. Trong đợt kiểm tra mới đây tại Hà Nội, Thanh tra Bộ GTVT đã đình chỉ 5/12 doanh nghiệp gồm: Công ty CP BG Taxi (Taxi BG), Công ty TNHH Phú Gia (Taxi Phú Gia), Công ty TNHH Hàng hóa Việt Nam (Taxi Hồng Hưng), Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Lê Gia (Taxi Lê Gia), Công ty CP Hùng Hải Khuê (Taxi Mùa Xuân). Các doanh nghiệp này (trừ Công ty CP Hùng Hải Khuê đã xin giải thể) bị xử phạt hành chính 5 triệu đồng. Công ty CP Anh Dũng (Taxi 14) bị tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô do Sở GTVT Hà Nội cấp do không bảo đảm các điều kiện về kinh doanh vận tải đã đăng ký.