Cần sự phối hợp đồng bộ

Bạn đọc - Ngày đăng : 06:40, 10/01/2012

(HNM) - Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm giáp Tết Nguyên đán, chợ hoa, cây cảnh lại lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, gây mất trật tự, an toàn giao thông. Để giải quyết tình trạng này, chính quyền, các cơ quan chức năng của thành phố đang mở đợt cao điểm ra quân lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, song đây là việc làm không hề đơn giản.

Chợ hoa, cây cảnh "xuống đường"

Ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, trên nhiều tuyến phố: Láng Hạ, Lê Duẩn, Lạc Long Quân, Âu Cơ... đã xuất hiện những người đi xe máy, xe đạp chở theo cây đào, quất tụ tập bán hàng hoặc phục vụ các cơ quan, đơn vị. Chính việc vận chuyển hoa, cây cảnh được "cơ giới hóa" như vậy, nên khả năng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường của những "chợ cóc" cũng rất linh động, khiến cho việc kiểm tra của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng luôn gặp nhiều khó khăn. Cá biệt nhiều đoạn đường, cả lòng đường cũng bị chiếm dụng để biến thành nơi buôn bán, tập kết hoa, cây cảnh. Đáng nói nhất là "chợ cóc" bán hoa, cây cảnh trên đường Hoàng Hoa Thám, đoạn tiếp giáp với chợ Bưởi. Chợ này được hình thành đã khá lâu, nhưng dịp cuối năm càng tấp nập hơn. Lòng đường không rộng, nhưng bị các hộ kinh doanh bày hoa, cây cảnh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, khiến xe cộ qua đây rất khó khăn. Mặc dù Công an phường sở tại thường xuyên tổ chức giải tỏa các trường hợp vi phạm trật tự đô thị, nhưng khi thấy lực lượng chức năng người ta lại thu dọn hàng, lúc vắng bóng, tình trạng vi phạm lại tái diễn. Trên các tuyến phố: Hào Nam, Minh Khai, Láng Hạ... vỉa hè cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Điều đó không những khiến cho giao thông mất trật tự, mà vệ sinh môi trường cũng không bảo đảm.

Chợ hoa lưu động trên đường Hoàng Hoa Thám.

Tăng cường xử lý vi phạm trật tự đô thị

Trước thực trạng, chợ hoa, cây cảnh lấn chiếm lòng, lề đường ở nhiều địa phương vào dịp cuối năm năm nay, công tác bảo đảm trật tự đô thị được đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy cho biết: Trên địa bàn phường Trung Hòa có nhiều tuyến đường phố thường hay họp chợ hoa, cây cảnh lấn chiếm lòng, lề đường trong dịp Tết Nguyên đán như tuyến phố Trần Duy Hưng, Nguyễn Thị Định... Thực hiện Kế hoạch 143/KH-UBND ngày 16-12-2011 của UBND quận Cầu Giấy về việc ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, UBND phường đã tập trung lực lượng kẻ vạch sơn trắng để các hộ dân sắp xếp chỗ để xe máy, xe đạp trên vỉa hè, dành lối đi cho người đi bộ. Ngoài ra phường còn khảo sát các "điểm nóng" có thể diễn ra tình trạng họp chợ cóc vào dịp cận Tết để bố trí lực lượng giải tỏa ùn tắc giao thông khi xảy ra; đồng thời sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đối với những khu vực có thể phát sinh chợ hoa, cây cảnh, UBND phường đang liên hệ với các đơn vị có mặt bằng, bố trí họp chợ tại đó, tránh ùn tắc giao thông. Tết năm ngoái, UBND phường cũng đã bố trí một chợ hoa, cây cảnh tại khu đất trống giáp Siêu thị BigC, nên giảm đáng kể tình trạng lộn xộn, gây mất trật tự an toàn giao thông ở khu vực.

Theo bà Lê Thị Minh Hoa, Chủ tịch UBND phường Cát Linh, thì những năm trước, tại tuyến phố Giảng Võ có xảy ra tình trạng chợ hoa, cây cảnh chiếm dụng vỉa hè. Để nhân dân đón Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 một cách an toàn, chưa bao giờ công tác giữ gìn trật tự giao thông trên địa bàn phường lại được quan tâm như hiện nay. Chính quyền địa phương đã nỗ lực hết sức mình, tạo nơi buôn bán cho các hộ dân, yêu cầu các hộ kinh doanh ở mặt phố phải ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè... UBND phường cũng đã chỉ đạo Công an phường tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát trên các trục đường chính, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Điều khó khăn nhất đối với phường là việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến phố giáp ranh, bởi sự phối hợp giữa các phường chưa được tốt.

Vào thời điểm giáp Tết cổ truyền, tình hình trật tự công cộng, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, trong đó có chợ hoa, cây cảnh diễn ra phức tạp và lực lượng chức năng của các quận nội thành đều xây dựng kế hoạch, sẵn sàng bảo đảm trật tự đô thị. Thiết nghĩ, việc phát sinh chợ hoa, cây cảnh là một nhu cầu tất yếu của người dân, nên chăng các địa phương cần khảo sát, bố trí nơi bán hàng tại các khu vực có mặt bằng trống để tiện quản lý, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Mặt khác, để sự nỗ lực của chính quyền các địa phương đem lại hiệu quả cao nhất, rất cần sự phối hợp của các ngành chức năng như: thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông... vì trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp vượt quá thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương.

Duy Biên