Tranh chấp bản quyền truyền hình: Gỡ rối, cách nào?

Xã hội - Ngày đăng : 06:30, 10/01/2012

(HNM) - Vụ tranh chấp bản quyền truyền hình (BQTH) có thể sẽ có bước ngoặt trong tuần này với sự vào cuộc của Tổng cục TDTT cùng với Thanh tra Bộ VH-TT&DL. Đây là bước đi cần thiết để sớm giải quyết mớ bòng bong xung quanh bộ ba AVG - VFF - VPF (Công ty Nghe nhìn toàn cầu An Viên - LĐBĐ Việt Nam - Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp).

“Cuộc chiến” bản quyền truyền hình ngày càng căng thẳng.

Cho đến nay, hai cơ quan quản lý nhà nước của ngành là Bộ VH-TT&DL và Tổng cục TDTT vẫn chưa đưa ra quan điểm chính thức xung quanh những suy nghĩ khác biệt giữa các bên AVG - VFF với VPF. Mấu chốt của sự khác biệt nằm ở bản hợp đồng kéo dài 20 năm giữa AVG với VFF. Bên thứ nhất coi đây là bản hợp đồng hợp pháp, cần được tuân thủ tối đa, còn bên thứ hai đòi phủ nhận bản hợp đồng này vì cho rằng không hợp pháp. Thế nên, dựa trên công văn đề nghị xác định tính hợp pháp của bản hợp đồng do VPF và AVG cùng trình, Thanh tra Bộ VH-TT&DL sẽ vào cuộc để đưa ra kết luận.

Công việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian, trong khi đó, "cuộc chiến công văn" giữa 3 bên nói trên vẫn tiếp tục leo thang. Điều này không có lợi cho bóng đá Việt Nam, chưa kể quyền lợi của nhà tài trợ và người hâm mộ bị ảnh hưởng đáng kể. Trước mắt, đã có thông tin nhà tài trợ Eximbank muốn rút lui vì thương hiệu bị ảnh hưởng trong cuộc tranh cãi giữa các bên. Ngay cả VFF cũng đang tính đến giải pháp rút vốn khỏi VPF và nếu điều này xảy ra thì có thể khiến Super League bị "vỡ trận" vì không còn được công nhận tính pháp lý.

Rõ ràng, nếu các bên cứ khư khư quan điểm của mình thì thiệt hại chung là rất lớn. Vậy nên, để ổn định tình hình trước mắt, Bộ VH-TT&DL đã giao cho Tổng cục TDTT chủ trì việc tìm kiếm "giải pháp mềm". Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, bởi sự khác biệt quan điểm giữa các bên là cực lớn, chẳng hạn bầu Kiên từng tuyên bố: "Trong bất cứ trường hợp nào, VPF sẽ không công nhận bản hợp đồng 20 năm giữa VFF với AVG". Ngược lại, cả VFF lẫn AVG đều coi việc VPF chịu kế thừa bản hợp đồng trên là yếu tố tiên quyết để các bên tìm giải pháp.

Theo tiết lộ của Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng, trong ngày 11-1 tới, lãnh đạo Tổng cục TDTT sẽ có cuộc làm việc với một số lãnh đạo của VPF. Đây là bước đi đầu tiên để tìm "đầu dây, mối nhợ" cho mớ bòng bong nêu trên. Quan điểm của VPF hiện cũng đã mềm dẻo hơn, đó là không còn nhất nhất khẳng định bản hợp đồng 20 năm nói trên là không hợp pháp mà đã chuyển sang là "nếu các cơ quan chức năng xác định bản hợp đồng hợp pháp thì VPF sẽ tuân theo".

Tức là, nếu Bộ VH-TT&DL cùng Tổng cục TDTT kết luận là bản hợp đồng không có gì sai sót thì khả năng VPF "ngoan ngoãn nghe lời" là rất lớn. Một nguồn tin nội bộ cho biết, quan điểm của Bộ và Tổng cục hiện khá đồng nhất là bản hợp đồng trên không sai phạm. Hơn nữa, trước khi ký kết hợp đồng với AVG, VFF còn xin phép Bộ và được lãnh đạo Bộ cho phép mới đặt bút ký. Vậy nên nhiều khả năng kết luận của Thanh tra Bộ sẽ khó có thể đi ngược lại tinh thần chỉ đạo trước đây của lãnh đạo Bộ. Khi đó, khả năng VPF phải "lùi một bước" trong vụ tranh chấp này là rất lớn và suy cho cùng đó cũng là bước đi phù hợp trong tình trạng hỗn độn hiện nay.

Thông tin từ Bộ VH-TT&DL cho biết, Thanh tra Bộ đã chính thức vào cuộc từ ngày 9-1 để xem xét và đi đến kết luận về bản hợp đồng của VFF với AVG. Thời hạn để thanh tra là 15 ngày. Ngoài ra, trong thời gian chờ đợi kết luận, Bộ cũng yêu cầu các bên tôn trọng bản hợp đồng VFF đã ký với AVG.

Huy Hoàng