Thị trường tiền lẻ mới ngày giáp Tết

Kinh tế - Ngày đăng : 09:54, 09/01/2012

(HNMO) - Cứ như thông lệ, năm nào cũng vậy cứ đến cữ “năm hết Tết đến”, đa số chị em ngoài việc lo lắng mua sắm hàng lại còn lo hỏi nhau làm thế nào để đổi tiền lẻ, tiền mới. Hình như thói quen “lì xì” tiền ngày Tết, đặt tiền cúng lễ, thậm chí rải tiền ở các đền, chùa khi du xuân lúc “ăn nên làm ra” của du khách... đã hình thành nên thị trường trao đổi tiền lẻ ngày giáp Tết. Có cầu ắt có cung nên dịch vụ đổi tiền lẻ lại có dịp tung hoành...


Năm 2012, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam đang ở mức cao nên gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thưởng Tết cho người lao động. Lại thêm Ngân hàng nhà nước quản chặt hơn chuyện đổi tiền lẻ trong toàn bộ hệ thống Ngân hàng bằng các quy định quán triệt các nhân viên ngân hàng (NH) không được lợi dụng việc đổi tiền cũ lấy tiền mới nhằm mục đích trục lợi cá nhân. Việc này sẽ được NH kiểm tra thường xuyên và nếu nhân viên nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm với tội danh gây ảnh hưởng đến lưu thông tiền tệ. Đồng thời, năm nay, hai cái cái Tết dương lịch và âm lịch cùng nằm trong một tháng nên lượng khách hàng chủ yếu của thị trường này là nhân viên văn phòng, hành chính lại quá bận rộn với công việc cuối năm nên sự tác động của họ vào thị trường này có yếu đi. Tất cả những lý do đó làm cho thị trường tiền lẻ năm nay có vẻ bớt sôi động hơn so với các năm trước. Nói thế nhưng hiện tượng thổi giá làm phí đổi đắt đỏ thì vẫn như mọi năm… bởi đến các NH hỏi đổi tiền thì “không có” nhưng đến các điểm đổi tiền trên thị trường tự do... thì “luôn đủ” tiền phục vụ quý khách.

Nguồn: Internet

Không biết nghe tin từ đâu mà người bạn tôi bảo năm nay khỏi phải lo lắng chuyện tiền lẻ, tiền mới nữa, các Ngân hàng thương mại sẽ có kế hoạch cung đủ cho nhu cầu khách hàng. Nghe vậy, nên hai ngày 6/1 và ngày 7/1, chúng tôi dạo một vòng tới một số chi nhánh thuộc các Ngân hàng lớn như TechcomBank, Vietcombank, Sea Bank… ở Hà Nội để hỏi đổi tiền lẻ thì đều được các nhân viên giao dịch tại đây thân thiện trả lời khá giống nhau: “NH bọn em chưa thấy kế hoạch gì cả, cũng chưa thấy lãnh đạo ký văn bản nào về việc cho đổi tiền lẻ tiền mới này”, nằn nì muốn đổi một ít tiền 500 đồng cũng không có lại còn được biết loại tiền này càng khó. Điều đó chứng tỏ lượng tiền lẻ, tiền mới ở các NH hiện nay vẫn không có nhiều; chủ yếu là lượng tiền NH dự trữ để trả cho khách trong quá trình giao dịch. Qua một vài mối quen biết làm việc tại các Ngân hàng chúng tôi được biết hầu hết các NH thương mại đều không hào hứng lắm với chuyện đổi tiền lẻ nhưng đã có những động thái điều chỉnh mới với loại dịch vụ “cò con” này. Đó là cơ số tiền lẻ sẽ được các NH thương mại phân bổ sao cho hợp lý tránh bị khan hiếm loại tờ 20.000đ như đã xảy ra hồi tết năm 2011. Đặc biệt, năm nay loại tiền mệnh giá 500đ sẽ rất khan hiếm, thông thường mấy năm gần đây, loại tiền này hay được sử dụng cho nhu cầu của các bà, các cô khi đi lễ hội chùa đầu năm mới. Lý do khan hiếm loại tiền này được một chuyên gia NH lý giải, nếu in loại tiền này quá nhiều có thể sẽ làm mất cân đối về cơ số tiền và gây lãng phí. Mà đồng 500đ này cũng ít giá trị khi phục vụ tiêu dùng thực tế của người dân.

Tuy nhiên, tại các điểm đổi tiền tự do từ Đinh Lễ vòng qua Nguyễn Xí và nhiều nơi khác trên địa bàn Hà Nội thì việc mua bán đổi tiền lại vô cùng thuận lợi, khách muốn đổi bao nhiêu cũng có. Nhưng phí đổi tiền thì hơi ngất ngưởng và có thể mặc cả. Khi hỏi, chúng tôi được biết, phí đổi tiền lẻ mệnh giá 200đ đổi với số lượng trên 2 triệu đồng được “hét” với mức phí 55%. Tiền mệnh giá 500đ, số lượng trên 5 triệu đồng thì mức phí là 25%. Còn tiền với mệnh giá 1.000đ, 2.000đ, 5.000đ, 10.000đ, 20.000đ đến 100.000đ thì khách hàng phải chịu mức phí từ 5%-16%. Nghĩa là muốn có 1 triệu tiền loại 200đ thì người đổi phải bỏ ra 1.550.000đ, tương tự 1 triệu loại 500đ thì người mua phải bỏ ra 1.250.000đ.

Tất cả theo nguyên tắc tiền mệnh giá càng cao thì mức phí càng thấp và ngược lại. Hầu hết các điểm đổi tiền trước các khu vực chùa chiền, phủ… chủ yếu áp dụng cho các loại tiền mệnh giá nhỏ, phục vụ việc đi lễ, chùa và không phải cứ đổi tiền là sẽ nhận được tiền mới toanh mà trong những cọc tiền mới vẫn có xen kẽ tiền cũ với tỷ lệ khoảng nào đó. Do năm nay tiền đồng trượt giá nên khách chủ yếu có nhu cầu đổi tiền mệnh giá 20.000 đồng và 50.000 đồng để mừng tuổi nhiều hơn là đổi tiền 500 và 1.000 đồng để đi lễ chùa.

Ngoài các điểm dịch vụ đã nói thì trên các trang mạng cũng đầy rẫy lời chào đổi tiền lẻ. Không những đổi tiền mới, tiền lẻ của Việt Nam mà còn cả tiền đô la Mỹ. Do việc thu đổi ngoại tệ được quản lý khá chặt chẽ nên dịch vụ đổi tờ mệnh giá 2 USD không còn sôi động như trước. Chuyện mua bán tờ mệnh giá 2 USD cũng khá đặc biệt và cầu kỳ vì loại tiền này chuyên dùng để lì xì đầu năm mới. Theo lời một chuyên viên tư vấn đổi tiền lẻ trên mạng cho biết đối với đồng 2 USD thì độ đắt rẻ của nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nếu là đồng tiền mới thì nó phụ thuộc vào mã số seri của tờ bạc. Còn đối với tờ bạc cũ thì càng “cổ” càng đắt. Tờ 2 USD mới được rao bán với giá 48.500đ/tờ nhưng cũng mệnh giá như thế nhưng in năm 1953 thì có giá tới 450.000đ/tờ. Thậm chí có những tờ được giới “chơi tiền” cho là siêu hiếm như loại in từ năm 1917 thì có giá tới 2 triệu đồng/tờ mà không có để mua. Cũng theo “tư vấn” thì loại 2 USD có seri thuộc dòng Tứ quý, Tam hoa, Phát lộc, Thần tài thì có giá cũng phải từ 1-1,5 triệu đồng/tờ. Nếu có đồng thời cả “cổ” cả “số seri quý” thì không biết bao nhiêu tiền mới mua được… Đại loại là người ta cứ “thổi” lên vậy, ai “kết” thì mua. Đi sâu vào thị trường tiền lẻ mới thấy nó cũng được PR khá hoàn hảo và cũng thật lạ, lạm phát đang ở mức cao mà tiền lẻ lại không hề mất giá?

Minh Bắc