Thiếu giải pháp tổng thể
Xã hội - Ngày đăng : 07:37, 09/01/2012
Đụng đâu cũng ô nhiễm
Năm 2011, ngành nông nghiệp đạt sản lượng lúa 42,2 triệu tấn, tăng hơn 2,2 triệu tấn so với năm 2010, ngô khoảng 4,5 triệu tấn. Sản xuất cây ăn quả đều tăng trưởng khá. Tuy nhiên, sản lượng tăng bao nhiêu thì chất thải, tàn dư thực vật, xác hữu cơ - những tác nhân dẫn tới ô nhiễm môi trường đất, nguồn nước và có thể gây đột biến gen một số loại cây trồng cũng phức tạp theo. Theo Viện Môi trường nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), riêng 7 loại cây trồng là lúa, ngô, khoai lang, lạc, đậu tương, mía, sắn năm 2011 đã phát thải ra môi trường sản xuất khoảng 84,5 triệu tấn chất thải. Mặc dù ngành đã có nhiều giải pháp xử lý phế phụ phẩm thành phân bón hữu cơ, sản xuất nấm ăn, nhưng ước tính có tới 80% chất thải rắn trong số này chưa được xử lý. Đây là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực trồng trọt.
Ứng dụng công nghệ hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi sẽ góp phần giảm lượng phát thải từ nông nghiệp ra môi trường. Ảnh: TTXVN
Bên cạnh chất thải hữu cơ, nguồn thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi cũng khá lớn và ngày càng trở nên báo động. Với tốc độ tăng trưởng 8% trong năm, ngành chăn nuôi đã thải ra môi trường 11,15 triệu tấn CO2 và hàng chục triệu tấn phân chuồng. Bà Nguyễn Quỳnh Hoa, Điều phối viên dự án Chương trình khí sinh học, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, các động vật nhai lại và chăn nuôi lợn thải khí nhà kính lớn nhất. Dự báo trong giai đoạn 2020-2030, lượng phát thải từ chăn nuôi sẽ tăng gần 30%. Tương tự, theo tính toán của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (Bộ NN&PTNT), tổng lượng CO2 do nuôi trồng thủy sản thải ra năm qua khoảng 5,2 triệu tấn. Trong đó, khí thải CO2 từ nuôi cá tra khoảng 1,6 triệu tấn, nuôi tôm 1 triệu tấn, các loại cá nước ngọt khác khoảng 1,5 triệu tấn, nuôi cá nước biển thải ra khoảng 100 nghìn tấn… TS Phan Thị Vân, chuyên gia Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 cho biết, thải khí nhà kính trong nuôi trồng thủy sản từ ba nguồn chính là sử dụng năng lượng trong quá trình sản xuất, cung ứng đầu vào như thức ăn, phân bón, hóa chất; vận hành các hoạt động nuôi như hút bùn, bơm, quạt nước và thủy phân chất hữu cơ từ thức ăn và chất thải trong quá trình nuôi.
Thiếu mô hình bền vững
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, lượng khí thải từ sản xuất nông nghiệp đang tăng chóng mặt. Nếu như năm 2000, phát thải từ nông nghiệp là 65 triệu tấn CO2, chiếm 43,1% tổng lượng phát thải của quốc gia thì trong năm qua con số này đã lên tới 110 triệu tấn, tăng 45 triệu tấn. Bộ NN&PTNT dự báo, đến năm 2020, chất thải từ nông nghiệp có thể lên tới 114,4 triệu tấn. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đánh giá, môi trường đang có chiều hướng xấu đi, mức độ suy thoái về môi trường đất, nguồn nước trở thành những vấn đề cấp bách, nếu không giải quyết kịp thời, ngành nông nghiệp khó có thể phát triển bền vững. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, dịch bệnh từ gia súc, gia cầm, cây trồng đều có liên quan đến môi trường.
Để giảm lượng phát thải từ nông nghiệp, ông Triệu Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ NN&PTNT) cho rằng, cần áp dụng nhiều biện pháp tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Trong chăn nuôi có thể thay đổi khẩu phần thức ăn, ứng dụng công nghệ hầm biogas để xử lý phế thải chăn nuôi, sản xuất nhiên liệu sạch thay thế nhiên liệu hóa thạch… TS Nguyễn Việt Anh, Đại học Thủy lợi cho rằng, về mặt thủy lợi, cần điều chỉnh lượng nước trong ruộng theo thời kỳ sinh trưởng. Nếu giảm lượng nước tưới ở giai đoạn không cần thiết thì không chỉ giảm được lượng khí mê tan (NH4) mà còn tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất cho người nông dân. Trong nuôi trồng thủy sản, nên hỗ trợ người nông dân lựa chọn loài nuôi, hình thức và công nghệ nuôi hợp lý với chi phí thấp. Đồng thời chú trọng nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP).
Một vấn đề nữa là bảo vệ, phát triển bền vững 11,7 triệu hecta đất rừng hiện nay và tập trung trồng mới 1,5 triệu hecta đến năm 2020. Xoay quanh việc làm thế nào để giảm lượng phát thải tác động đến môi trường, nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp đều chung nhận định rằng nước ta còn lúng túng khi quá sa đà vào những dự án, mà chưa có những giải pháp tổng thể giải quyết vấn đề môi trường nông nghiệp ở tầm quốc gia.