Tân Ước - mùa bận rộn
Xã hội - Ngày đăng : 08:32, 08/01/2012
Mang nghề đi khắp nơi
Xã Tân Ước có 4 thôn, làng: Ước Lễ, Tri Lễ, Phúc Thụy, Quế Sơn và hai khu dân cư với 1.930 hộ (8.367 khẩu). Hiện cả 6 thôn và khu dân cư của Tân Ước đều có nghề làm giò chả nhưng nổi tiếng nhất vẫn là ở Ước Lễ, nơi khởi thủy của nghề. Trưởng thôn Ước Lễ cho biết: Toàn thôn có 460 hộ dân, trong đó 40% làm nghề giò chả, hiện đang thu hút hơn 65% lao động và đem lại doanh thu chiếm 68% tổng giá trị kinh tế của thôn. Khoảng 20 năm về trước, người Ước Lễ đã tản đi khắp nơi từ Bắc vào Nam để phát triển nghề nhưng tập trung nhiều nhất ở nội thành Hà Nội. Hiện nay tổng số nhân khẩu sống tại thôn Ước Lễ là 2.000 người nhưng số hội viên Hội đồng hương Ước Lễ tại Hà Nội và một số địa phương khác cũng lên tới 2.000 người!
Diện mạo Tân Ước đổi thay từ phát triển làng nghề truyền thống. |
Nét đặc biệt của nghề giò chả ở Tân Ước là số người làm nghề tại địa phương ít hơn người đi làm ăn xa. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Toàn cho biết: "Do quá xa trung tâm nên trước đây, người làng nghề gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm cũng như tìm nguồn nguyên liệu. Một số người đã mạnh dạn đến chính nơi tiêu thụ để phát triển nghề. Năm 2004, Ước Lễ chính thức được công nhận là làng nghề truyền thống. Từ đó, số người làng "thoát ly" mang theo nghề cũng tăng lên theo cấp số nhân và kinh tế các hộ cũng mạnh lên trông thấy. Làm ăn phát đạt, nhiều hộ gửi tiền về kiến thiết quê hương nên bộ mặt làng quê Tân Ước ngày càng thay da đổi thịt. Mỗi năm hai lần, vào ngày rằm tháng giêng và hội làng ngày 12 tháng tám (âm lịch), con em Ước Lễ từ khắp mọi miền về tụ họp. Và trong ngày này, mỗi hộ mang theo những sản phẩm tự tay mình làm ra như giò, chả, bánh chưng… để dâng lễ và chia lộc cùng bà con xóm giềng. Bởi thế mà các hộ làm nghề ở Tân Ước còn nhận được cả những đơn hàng từ miền Nam. Vào dịp Tết, hàng tấn giò chả theo xe ô tô vào cung cấp cho thị trường phía Nam.
Nói đến đặc sản nổi tiếng Kinh kỳ giò chả Ước Lễ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vũ Bá Tường kể lại: Xưa kia, thợ làm giò ở Ước Lễ thường phải làm thủ công, nhưng giờ đây, công đoạn giã đã được cơ giới hóa, nhưng không vì thế mà giò kém ngon. Rồi ông kể vanh vách những người con đã mang tiếng thơm của làng bay xa như ông Nguyễn Văn Quang đang cư trú tại TP Đà Lạt khi ra đi chỉ có hai bàn tay trắng. Bằng nghề làm giò chả, ông Quang đã mua được ngôi nhà khang trang, sắm được nhiều tiện nghi đắt tiền. Những người con đi làm ăn xa cũng đóng góp tiền cho quỹ khuyến học, quỹ xây dựng các công trình công cộng của làng, xã. Ước tính mỗi năm, dân làng Ước Lễ thu từ nghề cả chục tỷ đồng.
Tất bật mùa Tết - chộn rộn niềm vui
Đến làng Ước Lễ những ngày áp Tết chỉ thấy người dân rục rịch lên đường đi làm ăn xa. Từ thanh niên đến phụ nữ, cả cánh đàn ông cũng sẵn sàng lên đường gói bánh thuê khắp trong Nam ngoài Bắc. Hiện nay, số dân ở làng Ước Lễ đi làm xa đã tới hơn hai phần ba. Cả làng chỉ đông đủ vào chiều 30 Tết. Và tháng giáp Tết là những ngày làm ăn được nhất. Bắt đầu từ ngày rằm tháng chạp, các hộ làm giò đã tất bật với công việc. Anh Nguyễn Hữu Đạt, chủ cơ sở giò chả Đạt Chuẩn (thôn Tri Lễ) cho biết, những ngày này, điện thoại liên tục gọi đến để đặt hàng. Ngày thường gia đình anh chỉ làm 4-5kg để bán phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. Nếu có đám cưới, tiệc đặt thì làm theo đơn hàng. Nhưng vào dịp Tết thì mỗi ngày làm đến vài tạ giò chả các loại. Ngoài huy động anh em họ hàng đến giúp thì nhà anh còn phải thuê đến 3-4 nhân công với giá 200.000 - 300.000 đồng/người/ngày. Chủ tịch UBND xã Tân Ước cho biết, ngay cả một số cán bộ xã cũng tranh thủ sớm tối hoặc ngày nghỉ gói bánh chưng thuê để giữ nghề và tăng thu nhập cho gia đình.
Về Tân Ước những ngày này mới thấy được không khí thật nhộn nhịp, người ngâm gạo, người róc lá, gói bánh, tiếng cười rộn rã báo hiệu một năm mới no đủ đang đến gần.