Cơ hội ngoài tầm tay?

Thể thao - Ngày đăng : 08:25, 08/01/2012

(HNM) - Hai kỳ olympic gần đây, bóng bàn Việt Nam đều có đại diện góp mặt sau khi vượt qua vòng loại olympic khu vực Đông Nam Á. Lần này, bóng bàn Việt Nam cũng chỉ trông vào vòng loại khu vực Đông Nam Á, diễn ra vào tháng 2 tới.


Dấu ấn Đoàn Kiến Quốc

Với nhiều quốc gia, việc có VĐV giành quyền dự olympic qua vòng tuyển chọn là chuyện bình thường. Nhưng với bóng bàn Việt Nam, đó hẳn phải là kỳ công bởi ngay ở khu vực Đông Nam Á, để vươn lên ngôi đầu không hề đơn giản, kể cả khi vòng loại không có các tay vợt Singapore gốc Trung Quốc tham gia. Những tay vợt Thái Lan, Indonesia đủ sức cạnh tranh và trong thực tế đã không ít lần cho các tay vợt Việt Nam nếm trái đắng tại SEA Games.

Tay vợt Mai Hoàng Mỹ Trang.


Đoàn Kiến Quốc là trường hợp đặc biệt tại 2 vòng loại olympic khu vực Đông Nam Á gần đây. Tại SEA Games, chưa bao giờ tay vợt người Khánh Hòa này lên ngôi vô địch, nên đương nhiên không được đánh giá cao nhất trước mỗi vòng loại. Nhưng như thế lại dễ đánh hơn chăng, bởi áp lực không nhiều bằng tay vợt hạt giống cao. Như tại vòng loại Olympic 2004, Trần Tuấn Quỳnh, lúc ấy đang là đương kim vô địch SEA Games 22, mới là ứng cử viên sáng giá nhất. Vào chung kết là Đoàn Kiến Quốc và Trần Tuấn Quỳnh. Cuối cùng, Đoàn Kiến Quốc giành vé dự olympic trong một trận đấu nảy lửa, để lại nhiều tiếc nuối cho Trần Tuấn Quỳnh.

Trước vòng loại Olympic 2008 cũng vậy, Đoàn Kiến Quốc giành vé trong tình cảnh vừa có một kỳ SEA Games nhạt nhòa. Nhưng cuối cùng, Kiến Quốc vẫn giành vé, làm các nhà quản lý bóng bàn Việt Nam nở mày nở mặt. Tại Olympic 2008, Đoàn Kiến Quốc còn làm được nhiều hơn hy vọng khi vào vòng 2 và đó cũng là thành tích tốt nhất tại một kỳ olympic từ trước đến nay của bóng bàn Việt Nam.

Nếu bóng bàn nam Việt Nam còn có Đoàn Kiến Quốc để tự hào thì bóng bàn nữ lại không được như vậy. Chục năm trở lại đây, chưa bao giờ các tay vợt nữ được đánh giá cao trước vòng loại olympic, nhất là sau khi Ngô Thu Thủy nghỉ thi đấu. Dấu ấn của Đoàn Kiến Quốc, vì thế càng đậm nét trong làng bóng bàn Việt Nam.

Trông cả vào… Yang Zi

Trong năm 2012, bóng bàn Việt Nam sẽ có cơ hội dự tranh 2 vòng loại olympic - khu vực Đông Nam Á (tháng 2) và Châu Á (tháng 4). Ngay từ đầu, các nhà quản lý đã xác định rằng vòng loại khu vực Đông Nam Á là cơ hội tốt nhất để giành vé dự Olympic 2012 cho các tay vợt Việt Nam, dù theo điều lệ thì chỉ có 2 vé dành cho tay vợt vô địch nam, nữ. Còn tại vòng loại khu vực Châu Á, dù có đến 16 suất dự Olympic 2012 (8 nam, 8 nữ) nhưng sự xuất hiện của các tay vợt Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên, Đài Loan  (Trung Quốc)… khiến cơ hội giành vé của bóng bàn Việt Nam hầu như không có.

Tại vòng loại Olympic 2012 khu vực Đông Nam Á, bóng bàn Việt Nam chỉ được
cử 2 tay vợt nam, 2 tay vợt nữ tham gia. Danh sách dự vòng loại đã được xác định, gồm Đoàn Kiến Quốc, Trần Tuấn Quỳnh (nam), Mai Hoàng Mỹ Trang, Nguyễn Việt Linh (nữ). Điều lệ vòng loại lần này rất chặt chẽ, VĐV tham dự phải có thành tích, thứ hạng nhất định,  nên dù có muốn trẻ hóa nhóm VĐV tham dự, nhất là đội nam thì lãnh đạo bộ môn của Tổng cục TDTT, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam cũng đành chịu. Cũng như mọi lần trước, hy vọng giành vé dự Olympic 2012 của bóng bàn Việt Nam được đặt lên vai các tay vợt nam dù gần đây Mỹ Trang, Việt Linh đã có sự tiến bộ nhất định. Tuy thế, phong độ của các tay vợt nam cũng khiến người ta lo ngại. Từ sau Olympic 2008, Đoàn Kiến Quốc để lại dấu ấn duy nhất ở nội dung đôi nam bằng chức vô địch SEA Games 2009. Từ đó đến nay, phong độ của tay vợt này phập phù dù đã chuyển sang môi trường thi đấu mới (CLB Bóng bàn Petro VietNam) và không còn phải lo chuyện cơm áo gạo tiền. Năm 2010, thành tích tốt nhất của Kiến Quốc là vào đến vòng 3 đơn nam tại Giải vô địch thế giới. Nhưng tại SEA Games 26 năm 2011, việc sớm đụng các tay vợt Singapore đã khiến Kiến Quốc không thể tạo nên bất ngờ. Không kể, chấn thương lưng mà Kiến Quốc gặp phải trong một chuyến tập huấn tại Trung Quốc trước SEA Games 26 đã lấy đi của tay vợt này nhiều sức mạnh. Tuy vậy, hiện tại ở Đội tuyển quốc gia, Kiến Quốc vẫn là VĐV có bản lĩnh thi đấu quốc tế tốt nhất, bất chấp việc anh đã mất vị trí số 1 tại giải quốc gia trước sự vươn lên mạnh mẽ của Trần Tuấn Quỳnh (Hà Nội T&T), Nguyễn Thành Luân, Đinh Quang Linh (Quân đội)… Trần Tuấn Quỳnh có thể lực sung mãn hơn đàn anh nhưng cơ hội dự olympic không lớn hơn Kiến Quốc dù gần đây, Trần Tuấn Quỳnh đã vươn lên hạng 244 thế giới, cao nhất trong số các VĐV Việt Nam.

Theo các chuyên gia, trở ngại lớn nhất trên đường đến với Olympic 2012 của Kiến Quốc và Tuấn Quỳnh chính là tay vợt Yang Zi (Singapore - hạng 48 thế giới). Yang Zi có thể "không là gì" ở đấu trường thế giới, nhưng ở Đông Nam Á lại khác hẳn. Nếu tay vợt Singapore gốc Trung Quốc này tham dự vòng đấu loại olympic khu vực  Đông Nam Á, khả năng giành vé của Kiến Quốc hay Tuấn Quỳnh sẽ suy giảm đáng kể.

Phụ trách bộ môn bóng bàn (Tổng cục TDTT) Nguyễn Đức Long không giấu nổi sự lo ngại trước viễn cảnh trên. Và không chỉ ông Long, nhiều người cũng lo ngại thay cho các tay vợt Việt Nam nếu Yang Zi góp mặt tại vòng loại vào tháng 2 tới.

Minh Quang