Nếu luật không vào cuộc sống...
Văn hóa - Ngày đăng : 07:47, 08/01/2012
Nghị định này sẽ góp phần khắc phục tình trạng vi phạm bản quyền, vốn phổ biến ở hầu khắp các lĩnh vực văn học nghệ thuật (VHNT) ở Việt Nam, như thế nào? Đó là câu hỏi lớn nhất, cũng là cái đích trông đợi mỗi khi có một văn bản pháp luật được ban hành liên quan đến câu chuyện phức tạp này.
Ở NĐ 85, bên cạnh những định nghĩa mới được làm sáng tỏ, khá nhiều nội dung dễ gây tranh chấp đã được quy định cụ thể, rõ nét hơn. Chẳng hạn, bài giảng, bài nói và bài phát biểu được định hình dưới dạng bản ghi âm, ghi hình cũng được hưởng quyền tác giả. Rồi tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian được xác định rõ với tên từng loại hình. Cứ thế mà chiếu sang luật để khi sử dụng các tác phẩm này phải nhớ dẫn chiếu xuất xứ của loại hình và bảo đảm giữ gìn các giá trị đích thực của tác phẩm. Quyền sao chép của tác giả cũng được bảo hộ chặt chẽ hơn, như khoản 2 điều 23 về "Quyền tài sản" khẳng định thêm việc tạo ra bản sao dưới hình thức điện tử của tác giả. Bên cạnh đó là phía sử dụng chương trình phát sóng, theo NĐ mới này sẽ phải thận trọng hơn vì nghĩa vụ với chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan không còn chung chung nữa. Nếu sửa đổi, cắt xén, bổ sung chương trình phát sóng của tổ chức khác để tái phát sóng, hoặc truyền trên mạng viễn thông, thông tin điện tử hay bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác thì phải có sự thỏa thuận với chủ sở hữu chương trình phát sóng.
Đặc biệt, tới đây, theo nội dung NĐ này, Bộ VH,TT&DL sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành biểu giá, phương thức thanh toán nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất. Đây chính là "tay vịn" để giải quyết một số tình huống tranh chấp (nếu có) giữa các đơn vị trong vấn đề bản quyền tác giả.
Nghĩa là có khá nhiều thay đổi liên quan trực tiếp đến bản thân tác giả cũng như những người khai thác sử dụng tác phẩm VHNT. Tuy nhiên, đôi khi chính những người trong cuộc cũng chưa quan tâm lắm tới quyền lợi và nghĩa vụ sát sườn của mình. Chưa kể, việc chuyển tải chính xác, rõ ràng một thông điệp từ văn bản pháp luật tới cộng đồng nói chung và nhất là những người làm VHNT nói riêng không phải là việc đơn giản. Đọc, so sánh những văn bản pháp luật là việc rất đau đầu, với các văn nghệ sĩ, việc ấy hoàn toàn chẳng thú vị. Vậy ai sẽ giúp các văn nghệ sĩ, các hội viên Hội VHNT TƯ và địa phương nắm rõ những thay đổi này? Có lẽ, trước hết, không ai khác, phải là các hội VHNT chuyên ngành. Nếu không, luật có sửa đổi, nghị định có hướng dẫn mà những nội dung mới không đến được với người liên quan thì vi phạm bản quyền sẽ vẫn còn nhiều cơ hội tái diễn.